Thông điệp về khát vọng thống nhất đất nước

Trong không khí ấm nồng của hàng triệu người dân Việt Nam, Cảnh Trà cũng đã gửi gắm tất cả nỗi lòng mình bằng sự chín đỏ của cảm xúc, bằng giai điệu của một thời rực lửa.

Cạnh cầu Hiền Lương lịch sử được phục dựng năm 2001 là cầu Hiền Lương bằng bê-tông cốt thép được Bộ Giao thông Vận tải xây dựng vào năm 1996, dài 230m, rộng 11,5m. Ảnh: Báo Nhân dân

Cạnh cầu Hiền Lương lịch sử được phục dựng năm 2001 là cầu Hiền Lương bằng bê-tông cốt thép được Bộ Giao thông Vận tải xây dựng vào năm 1996, dài 230m, rộng 11,5m. Ảnh: Báo Nhân dân

“Đưa dâu qua cầu Bến Hải” là nhân chứng sống động - bức thông điệp vẹn nguyên về khát vọng thống nhất đất nước.

Đưa dâu qua cầu Bến Hải

Một buổi mai nắng vàng hoa ngâu

Đám cưới đưa dâu qua cầu Bến Hải

Cầu vừa bắc xong

Sơn còn tươi roi rói

Đôi bờ xanh lúa mới đã ngậm đòng

Nhìn lại họ qua cầu mà nước mắt rưng rưng

Mà sung sướng vui tràn như trẻ nhỏ

Chàng trai Vĩnh Linh cưới cô gái đất Cùa Cam Lộ

Sông tưng bừng nhìn đôi lứa thương nhau

Gió lâng lâng con sóng vỗ chân cầu

Mà thắt ruột câu hò xưa tê tái

Bước chân Hiền Lương sao chặng đường nghẹn lại

Đáo tới Bến Hải sao gác mái tình duyên…

Đám cưới hôm nay cũng tự nhiên như là hoa, là lá

Như là chị lấy chồng, như là tôi lấy vợ

Mà hay chưa, bỡ ngỡ như chiêm bao

Tôi nhìn sông nghe sông chảy rì rào

Ai hát đó tưởng như mời tôi hát

Ngắm mây bay tôi thấy trời bát ngát

Chân người đi rộn rịp quá người ơi!

Không chỉ là tôi, ai cũng thế, bồi hồi

Ai cũng thế, niềm vui này tuyệt đỉnh!

Chúng ta đã trải qua ngàn trận đánh

Để bây giờ đất nước được vẹn nguyên

Cho con đò khỏi “gác mái tình duyên”

Và chiếc cầu “chặng đường thôi nghẹn lại”

Chừng vui quá nên cô dâu bối rối

Mắt thẹn thùng, chen trong đám chị em

Tóc cài hoa với chiếc áo thanh thiên

Mới nắng đó đã đỏ lừ đôi má

Chàng trai bâng khuâng tay đung đưa trong gió

Sông long lanh nước sóng sánh đôi bờ

Tiếng nói cười như chim hót sau mưa.

1975

Hai mươi mốt năm sau chiến thắng Điện Biên “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu” dân tộc ta lại làm nên Đại thắng mùa Xuân năm 1975 lịch sử. Chiến thắng 30/4/1975, đỉnh cao là Chiến dịch Hồ Chí Minh, kết thúc vẻ vang cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của dân tộc Việt Nam, đồng thời kết thúc chặng đường 30 năm đấu tranh giải phóng dân tộc, bảo vệ thành quả của Cách mạng tháng Tám năm 1945.

Đại thắng mùa Xuân đã đem lại hòa bình, thống nhất đất nước, mở ra một kỷ nguyên mới trên đất nước Việt Nam, là bài ca về sự tài tình của Đảng ta trong việc nhận định thời cuộc, nắm chắc tình hình và chớp thời cơ; của ý Đảng gắn với lòng dân, của khối đại đoàn kết toàn dân tộc; kiểu mẫu của sự kết hợp nhuần nhuyễn giữa sức mạnh dân tộc và sức mạnh thời đại.

Vào thời điểm đó, hòa cùng dàn đồng ca của các loại hình văn hóa - văn nghệ, các nhà thơ hiện đại Việt Nam đã để lại một dấu ấn không thể phai mờ trong văn học nước nhà, đó là những khúc ca ngày toàn thắng. Lần giở lại trang thơ viết trong những ngày hào hùng ấy, chúng ta thấy hiện lên đầy đủ gương mặt các nhà thơ nhiều thế hệ. Hầu như không ai có thể kìm nén nổi lòng mình trong những ngày vui lịch sử ấy.

Tố Hữu đã hòa cùng ngày hội non sông với “Toàn thắng về ta!” với những lời thơ rực lửa “Chặt Buôn Mê Thuật rụng cả Tây Nguyên - Quét Huế Thừa Thiên, đổ nhào Đà Nẵng”; Xuân Diệu nô nức, tưng bừng với “Bão giải phóng ở miền Nam” và “Đi giữa Sài Gòn”; Chế Lan Viên với “Ngày vĩ đại”, “Thơ bổ sung”; Nguyễn Đình Thi hân hoan với “Giải phóng”; Hoàng Trung Thông có “Như đi trong mơ”; nhà thơ Giang Nam nô nức bằng bài “Với Sài Gòn, toàn thắng!”; nhà thơ Bằng Việt xúc động với “Đêm 30/4/1975”…

Để có giây phút “Bữa cơm chiều trong dinh Độc Lập”, nhà thơ Hữu Thỉnh đã xúc động trước sự hy sinh của người anh ruột để làm nên chiến thắng: “Em đã qua những cơn sốt anh qua/ Em đã gặp những trận mưa rừng anh gặp/ Vẫn không ngờ có một trưa Phan Thiết/ Em một mình đứng khóc ở sau xe” (Phan Thiết có anh tôi). Vương Trọng có mặt tại Sài Gòn trong ngày chiến thắng đã viết: “Cắm cờ lên đỉnh cuối cùng/ Tăng về nép dưới bóng rừng nghỉ ngơi/ Cửa tròn vừa mới hé thôi/ Nhô đầu ra, ngập một trời tiếng ve” (Tiếng ve trưa).

Hình ảnh đẹp góp phần quan trọng làm nên chiến thắng là cô giao liên Trường Sơn: “Vẫn nguyên vành mũ lá sen - Vẫn đôi dép lốp vốn quen đường rừng/ Vẫn quân phục cũ nửa chừng/ Dáng em không lẫn giữa rừng người chen” (Trên đường phố Sài Gòn).

Nhà thơ Lữ Giang viết vào đúng ngày 30/4/1975 đã gửi gắm nét đẹp truyền thống đạo đức của dân tộc: “Giặc gieo lửa chúng lụi tàn trong lửa - Tay yêu thương tìm níu lại bạn đời - Trong chiến đấu ngực gầy rộng mở - Màu đỏ cờ xóa sạch mọi đơn côi” (Thơ viết mừng ngày giải phóng).

Nhà văn Nguyễn Trọng Oánh từng “B dài” đã viết bài thơ “Thành phố Hồ Chí Minh ngày 1/5/1975”: “Nào xin cùng cạn chén đi anh/ Từ trên gác chín tầng ta chào thành phố/ Những binh đoàn ta sáng nay từ bốn ngả/ Đang trở về trong biển tay reo”. Nhà thơ Tế Hanh cũng có cảm nhận: “Mùa Xuân nào như mùa Xuân 1975/ Hai mươi ngày thay đổi hai mươi năm” (Mùa Xuân 75). Và niềm hoan ca ấy còn được thể hiện một cách chân thành, giản dị nhưng rất đỗi thiêng liêng - một khoảnh khắc quan trọng của mỗi con người tại một địa danh lịch sử của nhà thơ Cảnh Trà với bài thơ “Đưa dâu qua cầu Bến Hải”.

* * *

Bến Hải - Hiền Lương mỗi tên đất, tên làng, tên núi, tên sông, những địa danh lịch sử của thời đau thương và oanh liệt vẫn còn đấy đã trở thành một trong những địa danh neo đậu lòng người, là chất liệu hiện thực của thơ ca, nhạc họa. Bài thơ đậm chất tự sự với mở đầu là câu chuyện về sự hài hòa, tương giao giữa thiên nhiên và con người. Rất tự nhiên lời thơ cứ thế bộc bạch:

Một buổi mai nắng vàng hoa ngâu

Đám cưới đưa dâu qua cầu Bến Hải

Cầu vừa bắc xong

Sơn còn tươi rói

Đôi bờ xanh lúa mới đã ngậm đòng

 Ngày nay, cầu Hiền Lương trở thành điểm đến không thể bỏ qua với du khách mỗi lần ghé thăm Quảng Trị anh hùng.

Ngày nay, cầu Hiền Lương trở thành điểm đến không thể bỏ qua với du khách mỗi lần ghé thăm Quảng Trị anh hùng.

Thời gian, không gian rất cụ thể. Đó là “một buổi mai” an lành. Một không gian của Bến Hải, Hiền Lương thật khác những ngày trước đó, thật yên ả, thanh bình và cũng rộn ràng, nhộn nhịp lắm. Một sự kiện đặc biệt đã được chờ đợi mấy chục năm nay mới diễn ra. Đám đưa dâu đi qua cầu Bến Hải giữa nắng vàng hoa ngâu khi dịp đất trời giao duyên: Đôi bờ xanh lúa mới đã ngậm đòng.

Cảnh Trà đã có sự quan sát thật tinh tế, tỷ mỉ các hình ảnh, màu sắc xung quanh với màu trắng của hoa ngâu, màu vàng của nắng, màu sơn tươi rói của cây cầu hòa vào nhau tạo thành một bức tranh rực rỡ qua ngôn ngữ tài hoa làm nổi bật không khí sống động của đám đưa dâu, để rồi ai nấy đều hân hoan, bồi hồi trước niềm vui của đôi lứa:

Đám cưới tự nhiên như là hoa, là lá

Như là chị lấy chồng, như là tôi lấy vợ

Mà hay chưa, bỡ ngỡ như chiêm bao

...

Chân người đi rộn rịp quá người ơi!

Còn cô dâu, chú rể thì lại bối rối, thẹn thùng, bâng khuâng:

Chừng vui quá nên cô dâu bối rối

Mắt thẹn thùng, chen trong đám chị em

Tóc cài hoa với chiếc áo thanh thiên

Mới nắng đó đã đỏ lừ đôi má

Chàng trai bâng khuâng tay đung đưa trong gió

Trước bức tranh nhộn nhịp của buổi đưa dâu, thiên nhiên như lây lan trong hạnh phúc lứa đôi:

Sông tưng bừng nhìn đôi lứa thương nhau

Gió lâng lâng con sóng vỗ chân cầu....

...Sông long lanh nước sánh đôi bờ

Ngôn ngữ thật mộc mạc, giản dị, chân thành, mang âm hưởng miền Trung. Tiếp diễn câu chuyện theo trình tự bước chân của những người đưa dâu, Cảnh Trà đã tái hiện một cách chân thực không khí của buổi đưa dâu. Có thể nói, đám đưa dâu ở đây cũng như bao đám đưa dâu khác trên mọi miền đất nước.

* * *

Nhưng từ cái bình thường ấy nhà thơ đẩy vào đó nhiều điều đặc biệt. Đặc biệt ngay từ nơi xuất thân của cô dâu và chú rể:

Chàng trai Vĩnh Linh cưới cô gái đất Cùa Cam Lộ

Nếu Vĩnh Linh được coi là “viên kim cương đầu giới tuyến” (theo cách gọi của Nguyễn Tuân) thì đất Cùa - Cam Lộ cũng là vùng đất lịch sử (có căn cứ Tân Sở của thời vua Hàm Nghi), là nơi ghi dấu bao nỗi thương, nỗi nhớ của một thời phân cắt. Nếu Vĩnh Linh nổi tiếng với những chàng trai kiên cường thì vùng Cùa nổi tiếng là đất của những cô gái đẹp, chịu thương chịu khó.

Từ hai vùng đất lịch sử này, cô dâu và chú rể trở thành tâm điểm của cả dân tộc. Họ chính là những con người đánh dấu khởi đầu cho sự gắn kết giữa đôi bờ. Cầu Hiền Lương và sông Bến Hải - là giới tuyến của dân tộc trong suốt 21 năm kể từ sau Hiệp định Geneve năm 1954. Cùng một dòng sông, một cây cầu nhưng đôi bờ giới tuyến hoàn toàn khác biệt để rồi bao nhiêu nỗi đau chia xa, mất mát, chờ đợi... đều hội tụ ở nơi này:

Bước chân Hiền Lương sao chặng đường nghẹn lại

Đáo tới Bến Hải sao gác mái tình duyên…

 Năm 1967, cầu Hiền Lương bị bom Mỹ đánh sập. Năm 2001, tỉnh Quảng Trị đã phục chế nguyên bản cầu Hiền Lương bắc qua sông Bến Hải như thời Pháp xây dựng, mặt cầu lát gỗ lim. Ảnh: Báo Nhân dân

Năm 1967, cầu Hiền Lương bị bom Mỹ đánh sập. Năm 2001, tỉnh Quảng Trị đã phục chế nguyên bản cầu Hiền Lương bắc qua sông Bến Hải như thời Pháp xây dựng, mặt cầu lát gỗ lim. Ảnh: Báo Nhân dân

Có thể nói rằng không nỗi đau nào bằng nỗi đau chia cắt, chia cắt dân tộc, chia cách gia đình, tình bạn - tình bạn... Trong nỗi đau vô hạn ấy càng làm tăng thêm nỗi thương nhớ, biệt ly đôi đường. Khi đất nước thống nhất, hai bờ đoàn tụ, không còn cảnh chia ly, đổ máu, không còn cảnh ngày Bắc đêm Nam, hình ảnh đám đưa dâu qua cầu Bến Hải như một mảng da non đầu tiên vừa mới được hồi sinh ngay từ vết thương đau đớn đó của dân tộc.

Từ đây, hai giới tuyến không còn, tình cảm giữa người với người trở nên thắm thiết hơn. Cuộc đưa dâu trở thành hình ảnh tiêu biểu cho “Mùa Xuân đầu tiên” của dân tộc: Từ đây người biết quê người. Từ đây người biết thương người. Từ đây người biết yêu người... (Văn Cao). Và có lẽ, cũng không có niềm vui nào lớn lao hơn thế.

* * *

Không gian, thời gian của đám cưới ấy khiến người trong cuộc trở nên đặc biệt. Lấy buổi đưa dâu làm cảm hứng cho niềm vui sau ngày đoàn tụ, Cảnh Trà đã ghi lại một cách tài tình một sự kiện lịch sử, một bước ngoặt vĩ đại của cả dân tộc. Bài thơ này là một bức ảnh hiếm và quý sau ngày thống nhất. Tuy nhiên, ông không chỉ “ghi lại cái đã có rồi”, đã diễn ra mà còn gửi gắm vào đó niềm vui, nỗi buồn, sự trầm tư, xao xuyến của người sáng tác theo nhịp đi của quá khứ - hiện tại, sự đối sánh qua nhiều suy ngẫm:

Chúng ta đã trải qua ngàn trận đánh

Để bây giờ đất nước được vẹn nguyên

Cho con đò khỏi “gác mái tình duyên”

Và chiếc cầu “chặng đường thôi nghẹn lại”

Cái buồn của quá khứ không bi lụy mà ngược lại là chất xúc tác để buổi đưa dâu càng trở nên có ý nghĩa hơn. Cảnh chia lìa, mất mát, tang tóc... tưởng chừng tuyệt vọng đã không còn diễn ra hai phía dòng sông mà giờ đây hiện diện trong cảnh sum vầy đôi lứa:

Sông long lanh nước sóng sánh đôi bờ

Tiếng nói cười như chim hót sau mưa

Đó là một buổi đưa dâu bình thường thôi nhưng đã đánh dấu mốc cho niềm vui sum họp giữa hai vùng đất Vĩnh Linh - Gio Linh nói riêng và Bắc - Nam nói chung. Niềm vui của đôi lứa hòa trong niềm vui của dân tộc. Từ tình yêu đôi lứa nảy mầm cho tình yêu Nam Bắc, tình yêu non nước nhập một. Không khí của đám đưa dâu cũng là không khí ấm áp của đất nước.

Những dòng tâm tư ấy trải ra chân thành trong bài thơ. Niềm vui bé nhỏ của mỗi người hòa cùng niềm vui của dân tộc. Đó là cốt cách của một nghệ sĩ, là quá trình thai nghén của một trái tim luôn đau đáu nỗi niềm của dân tộc. Với không gian, thời gian đặc biệt ấy, “Đưa dâu qua cầu Bến Hải” trở thành biểu tượng của sự thống nhất đất nước, biểu tượng của sự hòa hợp dân tộc.

Đúng như đánh giá của Trinh Đường: “Bài thơ viết về một đám đưa dâu qua cầu Bến Hải sau khi miền Nam đã hoàn toàn giải phóng. Đám cưới với chiếc cầu, dòng sông hòa hợp và song đôi. Cơ bản, sự thành công của bài thơ là biết chọn một cuộc đưa dâu điển hình cho nhiều cuộc đưa dâu, một chiếc cầu điển hình cho nhiều chiếc cầu, một địa điểm và một thời điểm điển hình cho nhiều địa điểm và thời điểm tổ chức hôn lễ...”.

Không màu mè, gân guốc, Cảnh Trà “đặc biệt” cái bình thường của buổi dưa dâu. Hiểu tâm lý của những người trong cuộc, nhà thơ khúc xạ sang tâm lý của đồng bào cả nước trong ngày đoàn tụ. Giản dị, mộc mạc mà lại rất điển hình, bài thơ “Đưa dâu qua cầu Bến Hải” xứng đáng là một trong những bài thơ hay hay nhất về ngày thống nhất đất nước. Và cho đến bây giờ đưa sự kiện “bình thường” trở thành tài sản quý giá của văn học, đặc biệt khi mỗi chúng ta đang hòa mình trong ngày hội thống nhất non sông!

Dương Thị Huyên (Trường THCS Lê Văn Thiêm - TP Hà Tĩnh - Tỉnh Hà Tĩnh)

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/thong-diep-ve-khat-vong-thong-nhat-dat-nuoc-post725169.html