Thống đốc BOJ tái khẳng định lập trường bình thường hóa chính sách tiền tệ

Hôm thứ Sáu (23/8), Thống đốc Kazuo Ueda đã nhắc lại rằng Ngân hàng trung ương Nhật Bản (BOJ) sẽ tiếp tục theo đuổi chính sách bình thường hóa miễn là nền kinh tế tiếp tục tiến tới mức lạm phát ổn định 2%.

"Không có thay đổi nào đối với lập trường cơ bản về việc điều chỉnh chính sách tiền tệ khi chúng tôi tin tưởng vào khả năng nền kinh tế sẽ đạt được mức lạm phát ổn định 2%”, Thống đốc Ueda cho biết tại phiên điều trần trước quốc hội.

Phiên điều trần diễn ra sau khi BOJ tăng lãi suất vào ngày 31/7 đã gây ra sự hỗn loạn lớn trên thị trường trong tuần tiếp theo, khiến các nhà lập pháp yêu cầu giải thích về cách BOJ dự định tiến hành chính sách tiền tệ đã bắt đầu vào tháng 3.

Thống đốc Ueda cũng nhắc lại quan điểm của ngân hàng trung ương rằng, chính sách tiền tệ của BOJ vẫn rất thích ứng sau lần tăng lãi suất vào ngày 31/7 và lãi suất chính sách cao hơn nhiều là hợp lý nếu lạm phát duy trì trên 2% trên cơ sở bền vững.

"Lãi suất thực tế là âm đáng kể… Tình hình hiện tại vẫn đang trong giai đoạn thích ứng", Thống đốc Ueda cho biết.

Nhận xét mới đây của ông Ueda được đưa ra khi một số nhà đầu tư cho rằng tình hình hỗn loạn gần đây sẽ ngăn cản BOJ bình thường hóa chính sách hơn nữa. "Thị trường chứng khoán đã hồi phục đáng kể từ giữa tháng 8… Chúng tôi sẽ tiếp tục theo dõi chặt chẽ tình hình với cảm giác cấp bách rất cao", ông Ueda nói thêm.

Ngân hàng trung ương được giao nhiệm vụ phức tạp là đưa nền kinh tế thoát khỏi chính sách tiền tệ cực kỳ dễ dàng - vốn bị đổ lỗi cho sự yếu kém liên tục của đồng yên so với đồng đô la - mà không gây ra cú sốc cho nền kinh tế vốn đã quen với các biện pháp kích thích tiền tệ trong hơn hai thập kỷ.

Thị trường đang theo dõi chặt chẽ các phát biểu của ông Ueda vì những phát biểu của ông đã gây ra những biến động mạnh trong năm nay. Vào tháng 4, ông đã đưa ra những phát biểu hạ thấp mức độ suy yếu của đồng yên, sau đó đã gây ra đợt bán tháo đồng yên xuống mức 160 so với đồng đô la và buộc Bộ Tài chính phải thực hiện một biện pháp can thiệp kỷ lục trị giá 62 tỷ USD.

Vào ngày 31/7, khi BOJ tăng lãi suất chính sách từ phạm vi 0% - 0,1% lên 0,25%, ông Ueda đã lên tiếng lo ngại về sự suy yếu của đồng yên, viện dẫn khả năng đồng yên sẽ kích thích lạm phát và cho rằng có thể sẽ tăng lãi suất thêm trong năm nay. Điều này khiến đồng yên tăng vọt lên mức cao nhất trong 7 tháng là 141 vào ngày 5/8, kích hoạt một đợt đóng các giao dịch chênh lệch lãi suất đồng yên (vay đồng yên với lãi suất thấp để mua các loại tiền tệ có lợi suất cao hơn) và khiến chỉ số Nikkei giảm 20% chỉ trong ba ngày.

Hai ngày sau, vào ngày 7/8, Phó Thống đốc BOJ Shinichi Uchida đã xoa dịu mối lo ngại của thị trường về sự thay đổi chính sách nhanh chóng, khi cho biết sẽ không có đợt tăng lãi suất nào trong khi thị trường tài chính vẫn bất ổn và BOJ sẽ duy trì lãi suất chính sách ở mức hiện tại.

Tuy nhiên, hướng đi của thị trường tài chính không hoàn toàn nằm trong tay BOJ vì nó còn phụ thuộc vào việc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ làm gì về lập trường tiền tệ diều hâu của mình, lý do chính dẫn đến sự chênh lệch lớn về lãi suất giữa Nhật Bản và Mỹ trong hai năm qua và sự mất giá của đồng yên so với đồng đô la.

Cũng vào thứ Sáu (23/8), Chủ tịch Fed Jerome Powell dự kiến sẽ có bài phát biểu quan trọng. Thị trường tài chính đang kỳ vọng lãi suất chính sách của Fed sẽ giảm 100 điểm cơ bản xuống phạm vi từ 4,25% - 4,5% trong năm nay và đang tìm kiếm manh mối về tốc độ và quy mô cắt giảm lãi suất trong bài phát biểu của ông.

Hạc Hiên / Theo báo chí nước ngoài

Nguồn ĐTCK: https://tinnhanhchungkhoan.vn/thong-doc-boj-tai-khang-dinh-lap-truong-binh-thuong-hoa-chinh-sach-tien-te-post352245.html