Thống kê tỷ lệ sinh viên tốt nghiệp có việc làm còn nhiều con số ảo
Thống kê sinh viên tốt nghiệp có việc làm ở nhiều trường đại học được nhiều người cho là ảo, khi tỷ lệ lên tới 98%, thậm chí 100%.
Những con số đẹp
Võ Đức Nhân (23 tuổi, quê Đồng Nai), tốt nghiệp kỹ sư ngành Điện một trường đại học chuyên về kỹ thuật ở TPHCM đúng thời hạn, lấy bằng từ tháng 3/2023. Ngay sau khi ra trường, Nhân rải hồ sơ xin việc khắp nơi và được nhận về một công ty chuyên về lĩnh vực xây lắp, làm công việc đúng chuyên môn.
Tuy nhiên, chỉ sau 3 tháng, anh xin kết thúc hợp đồng lao động trước thời hạn với một công ty chuyên về lĩnh vực xây do lương thấp, lại phải thường xuyên công tác xa.
Hai tháng nay, anh tìm việc kiếm khắp nơi, từ các trang thông tin tuyển dụng đến các trung tâm dịch vụ việc làm, ngày hội việc làm nhưng chưa tìm được công việc ưng ý. Đúng lúc này, Nhân nhận được thông báo từ ban cán sự ở lớp đại học (trên nhóm Facebook) về việc khảo sát việc làm sau khi tốt nghiệp.
“Tôi tính không làm khảo sát rồi do mình chưa xin được việc, nhưng do lớp trưởng giục nhiều lần quá, tôi miễn cưỡng điền vào đường link khảo sát. Tôi chọn đã có việc làm rồi, vì đằng nào mấy tháng nữa mình cũng phải đi làm lại”, Nhân chia sẻ.
Theo danh sách tổng hợp, chỉ non nửa sinh viên lớp của Nhân hoàn thành khảo sát, tất cả đều phản hồi đã có việc làm. “Tôi biết trong đó có bạn đang chạy xe ôm công nghệ, có bạn đang phụ bán hàng online trên TikTok”, Nhân cho biết.
Trong đề án tuyển sinh năm 2023 của Trường Đại học Kiến trúc TPHCM, tỷ lệ sinh viên có việc làm là 100% ở hầu hết ngành. Đây là kết quả khảo sát từ sinh viên tốt nghiệp năm 2022.
Tại Trường Đại học Giao thông Vận tải TPHCM, tỷ lệ sinh viên có việc làm cũng ở mức rất cao, dao động 93-97%, theo đề án tuyển sinh năm 2023 (bản được cập nhật tháng 7/2023). Ngành Mạng máy tính và truyền thông dữ liệu, Kinh tế xây dựng, Khai thác vận tải, Kỹ thuật điều khiển và tự động hóa…có tỷ lệ sinh viên có việc làm cao nhất, đều trên 97%.
Còn trong “báo cáo 10 sự kiện và thành tựu tiêu biểu năm 2022”, Trường Đại học Công nghiệp TPHCM cho biết, tỷ lệ sinh viên ra trường có việc làm trên 95%.
Trường Đại học Công nghệ Đồng Nai cũng đưa ra con số 92-100% sinh viên ra trường có việc làm sau 1 năm tốt nghiệp trong báo cáo 3 công khai năm học 2023-2024. Trong đó, tỷ lệ có việc làm đúng chuyên ngành là 87%.
Là một phụ huynh có con đang học lớp 12, bà Lê Thị Thanh (ngụ TP Biên Hòa, Đồng Nai) cảm thấy “choáng” trước thống kê việc làm của các trường. “Số liệu thống kê này là dữ liệu quan trọng để phụ huynh chọn trường, chọn ngành cho con, nhưng có vẻ không thực chất lắm vì trường nào cũng cao ngất ngưởng”, bà Thanh nói.
Nhận định thống kê việc làm sinh viên sau khi ra trường là “ảo” của cựu sinh viên và phụ huynh phần nào có cơ sở.
Theo báo cáo thị trường lao động quý III và nhu cầu nhân lực quý IV/2023 do Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và Thông tin thị trường lao động TPHCM (FALMI) công bố, trong số hơn 32.300 người đang tìm việc ở thành phố này, lao động có trình độ từ đại học trở lên chiếm gần 77%.
Ông Đỗ Thanh Vân, Phó Giám đốc FALMI cho rằng, trong giai đoạn này, lao động có trình độ từ đại học trở lên gặp nhiều khó khăn khi tìm việc hơn các nhóm khác. Thị trường lao động chỉ có nhu cầu tuyển hơn 20% nhân sự trình độ đại học, thấp hơn nhiều so với nhu cầu tìm việc.
Thống kê không sát thực tế
Theo ghi nhận, các trường đại học khảo sát tình hình việc làm của sinh viên sau khi ra trường 2 đợt/năm, thông thường trước khi sinh viên tốt nghiệp 1-3 tháng và sau đó 1-2 năm.
Nhà trường thường thống kê bằng hình thức online qua các phiếu khảo sát được gửi đến từng khoa, lớp. Các thông tin được khảo sát gồm chỗ làm, mức lương, thời gian tìm việc sau khi ra trường.
Tuy nhiên, việc lấy được thông tin việc làm sát với tình hình thực tế rất khó khăn.
Phần lớn các trường đề nghị sinh viên để lại địa chỉ, số điện thoại, email khi nhận bằng tốt nghiệp để duy trì liên lạc. Tuy nhiên, việc duy trì thông tin liên lạc giữa nhà trường và người học sau khi tốt nghiệp thường hạn chế.
Sau khi ra trường và có việc làm, nhiều sinh viên thay đổi thông tin liên lạc như số điện thoại, email, thiếu sự sẵn sàng cung cấp thông tin khi trường khảo sát. Số lượng nhân sự phụ trách công tác việc làm ở các trường hạn chế, đầu việc nhiều nên rất khó “kham” nổi thống kê với dữ liệu lớn.
Những khó khăn trên dẫn đến tính không “thực chất” của thống kê việc làm của sinh viên, theo một trưởng phòng Công tác sinh viên một trường đại học ở TPHCM.
Vị này giải thích, thông thường, các trường đại học tính tỷ lệ sinh viên có việc làm trên tổng số sinh viên có phản hồi khảo sát. Trong khi đó, số lượng sinh viên phản hồi khảo sát thường rất thấp so với số sinh viên đã tốt nghiệp.
“Những người phản hồi thường là những em đã có việc làm, do tâm lý tự tin, thoải mái, trong khi những em chưa tìm được việc làm hoặc phải làm việc trái ngành, lao động phổ thông tạm thời sẽ không phản hồi”, vị này cho biết.
Giải thích này trùng khớp với báo cáo từ nhiều trường. Chẳng hạn, tại Trường Đại học Công nghệ Đồng Nai, báo cáo tình hình việc làm của sinh viên tốt nghiệp năm 2022 cho thấy 95% sinh viên có việc làm. Tuy nhiên, đây là thống kê dựa trên số lượng sinh viên có phản hồi là 653 em.
Tương tự, tỷ lệ 100% sinh viên tốt nghiệp năm 2022 có việc làm ở Trường Đại học Kiến trúc TPHCM được tính trên số lượng sinh viên có trả lời khảo sát. Trường có 770 sinh viên tốt nghiệp trong năm này nhưng chỉ có 502 em phản hồi, chiếm tỷ lệ 65%.
ThS Cù Xuân Tiến, Trưởng phòng Tuyển sinh và Công tác sinh viên, Trường Đại học Kinh tế - Luật (Đại học Quốc gia TPHCM) cho rằng, muốn các khảo sát tình hình việc làm của sinh viên thực chất và hiệu quả, cần có một hệ thống dữ liệu người học đủ mạnh. Khi đó, nhà trường có thể kết nối tốt với sinh viên sau khi đã ra trường, trong quá trình đi làm hoặc xin việc.
Ngoài ra, trường cần có hội cựu sinh viên mạnh, làm đầu mối để bảo đảm giữ liên lạc thường xuyên với toàn thể cựu sinh viên, dễ dàng triển khai các kế hoạch khảo sát.