Thống nhất lại phương án, quy mô đầu tư Cao tốc Pleiku - Quy Nhơn

Sáng 5/4, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Gia Lai khóa XVI khai mạc Hội nghị lần thứ 15 (mở rộng) đánh giá tình hình thực hiện nhiệm vụ công tác quý I, xác định nhiệm vụ trọng tâm công tác quý II/2024 và giải quyết công việc thuộc thẩm quyền.

Điều chỉnh phương án đầu tư Cao tốc Pleiku - Quy Nhơn từ hình thức hợp tác công tư (PPP) sang đầu tư theo hình thức đầu tư công. Ảnh: Quang Thái/TTXVN

Điều chỉnh phương án đầu tư Cao tốc Pleiku - Quy Nhơn từ hình thức hợp tác công tư (PPP) sang đầu tư theo hình thức đầu tư công. Ảnh: Quang Thái/TTXVN

Tại Hội nghị, Sở Giao thông vận tải tỉnh Gia Lai đã báo cáo về việc điều chỉnh phương án đầu tư Cao tốc Pleiku - Quy Nhơn từ hình thức hợp tác công tư (PPP) ban đầu sang đầu tư theo hình thức đầu tư công, theo đó sẽ giảm 6.500 tỷ đồng so với tính toán ban đầu.

Ông Đoàn Hữu Dũng, Giám đốc Sở Giao thông vận tải tỉnh Gia Lai cho biết, để triển khai các thủ tục liên quan tới dự án, UBND hai tỉnh Gia Lai và Bình Định đã làm việc với Tổng Công ty quản lý vốn vào cuối năm 2023. Kết quả cho thấy, phương án triển khai dự án cao tốc Pleiku - Quy Nhơn theo hình thức hợp tác công tư (PPP) khó khả thi, nên cần nghiên cứu lại theo hình thức đầu tư công. Vì vậy, Sở Giao thông vận tải tỉnh Gia Lai đã tính toán lại, đề xuất rút chiều dài cao tốc từ 151 km xuống chỉ còn 143 km, bỏ làn dừng khẩn cấp ở các đoạn cầu trên cao tốc. Từ đó, quy mô vốn có thể giảm từ 44.200 tỷ đồng xuống còn hơn 37.600 tỷ đồng, giảm hơn 6.500 tỷ đồng so với tính toán ban đầu.

Hiện UBND tỉnh Gia Lai đã trình Ban thường vụ Tỉnh ủy sớm làm việc với tỉnh Bình Định để thống nhất báo cáo Thủ tướng Chính phủ. Sau khi tỉnh Bình Định trả lời, hai tỉnh sẽ làm việc lại với Cục Cao tốc và Vụ Kế hoạch Đầu tư (Bộ Giao thông vận tải) thống nhất lại về phương án tuyến, quy mô suất đầu tư; sau đó, xin ý kiến Thường vụ Tỉnh ủy hai tỉnh trước khi báo cáo Thủ tướng Chính phủ. Dự kiến hoàn thành trước tháng 4/2024.

Đánh giá tình hình thực hiện nhiệm vụ công tác quý I, một số chỉ tiêu cơ bản của Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024 được tỉnh Gia Lai thực hiện tốt như: Tổng diện tích gieo trồng tăng 1,5%; giá trị sản xuất công nghiệp tăng 9,8%; tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tăng 23,31%; thu ngân sách tăng 15%; kim ngạch xuất khẩu tăng 16,35%; số doanh nghiệp thành lập mới tăng 17,5%. Công tác quốc phòng, quân sự địa phương tiếp tục được quan tâm chỉ đạo; trong đó, công tác giao, nhận quân được thực hiện chặt chẽ, đạt 100% chỉ tiêu. Giữ vững an ninh chính trị, đảm bảo trật tự an toàn xã hội; triển khai thực hiện đồng bộ, toàn diện các giải pháp phòng ngừa tham nhũng, tiêu cực, lãng phí.

Bí thư Tỉnh ủy Gia Lai Hồ Văn Niên nhấn mạnh, bên cạnh những kết quả đạt được, Gia Lai còn một số tồn tại, hạn chế cần giải pháp khắc phục như: giải ngân vốn đầu tư công thấp; một số dự án đầu tư xây dựng cơ bản kế hoạch năm 2024 chưa đủ điều kiện phân bổ vốn; chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh (PAPI) thuộc nhóm tỉnh có hiệu quả thấp; chỉ số đổi mới sáng tạo cấp địa phương năm 2023 của tỉnh xếp hạng thấp (61/63). Tai nạn giao thông tăng cả 3 tiêu chí; tội phạm trật tự xã hội, ma túy còn xảy ra nhiều và tiềm ẩn phức tạp,...

Từ các vấn đề trên, Bí thư Tỉnh ủy Gia Lai đề nghị, các đại biểu bám sát nội dung dự thảo báo cáo của Tỉnh ủy và tình hình thực tiễn ở cấp ủy, đơn vị, địa phương để thảo luận, đánh giá khách quan, toàn diện tình hình quý I, nhất là tập trung làm rõ nguyên nhân, đề xuất các giải pháp khắc phục, góp phần triển khai thực hiện tốt hơn nhiệm vụ trong quý II/2024.

Hồng Điệp (TTXVN)

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/thoi-su/thong-nhat-lai-phuong-an-quy-mo-dau-tu-cao-toc-pleiku-quy-nhon-20240405171057478.htm