Thống nhất thời lượng tiết học trực tuyến cho từng cấp học
Tại phiên thảo luận ở hội trường về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2021; dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2022; báo cáo về công tác phòng, chống dịch COVID-19 và tình hình thực hiện Nghị quyết số 30/2021/QH15 về Kỳ họp thứ Nhất, Quốc hội khóa XV, chiều 8/11, các đại biểu Quốc hội đã đề xuất nhiều giải pháp trong lĩnh vực giáo dục - đào tạo nhằm nâng cao hiệu quả của việc dạy và học trực tuyến; việc thực hiện đổi mới chương trình sách giáo khoa giáo dục phổ thông...
Sớm triển khai tiêm chủng cho học sinh
Đại biểu Dương Tấn Quân (Bà Rịa - Vũng Tàu) cho rằng do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, việc dạy và học bằng hình thức trực tuyến là một giải pháp kịp thời, cần thiết. Vừa qua, đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã tổ chức khảo sát về công tác dạy và học trực tuyến trên địa bàn tỉnh. Qua kết quả khảo sát, đại biểu đồng tình với Báo cáo của Chính phủ về chất lượng, hiệu quả dạy và học trực tuyến còn hạn chế, nhất là bậc tiểu học ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Nhiều hộ gia đình học sinh, sinh viên nghèo không có điều kiện trang bị điện thoại thông minh, máy tính kết nối mạng để học tập trực tuyến. Hạ tầng công nghệ, đường truyền, trang thiết bị và nguồn học liệu chưa đáp ứng được yêu cầu; giáo viên nhiều nơi chưa được tập huấn kỹ cả về công nghệ và phương pháp.
Để khắc phục những tồn tại này, đại biểu đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức rà soát, hoàn thiện, ban hành các văn bản hướng dẫn dạy học trực tuyến và đào tạo từ xa; phát triển các nguồn học liệu điện tử phong phú, hợp lý, dễ sử dụng; bổ sung bài giảng, xây dựng kho học liệu điện tử kết nối với Hệ tri thức Việt số hóa chia sẻ chung cho cả nước.
Bộ Giáo dục và Đào tạo cần phối hợp các bộ, ngành liên quan quy định thống nhất về thời lượng tiết học trực tuyến cho từng cấp học để đảm bảo sức khỏe cho học sinh; sớm hướng dẫn quy đổi tiết dạy trực tiếp với tiết dạy trực tuyến trong việc tính tiết vượt trội cho giáo viên. Bên cạnh đó, cần thống nhất quy định phương pháp dạy học trực tuyến, thiết kế bài dạy trực tuyến, lựa chọn và quy định phần mềm từng cấp học trong dạy học trực tuyến. Học liệu phải bám sát chương trình và sách giáo khoa của từng cấp học, kết hợp dạy học, kiểm tra, đánh giá.
Ngoài ra, cần xây dựng hệ thống cách thức kiểm tra, đánh giá học sinh, hệ thống đề thi, bài kiểm tra, ngân hàng câu hỏi; chuẩn bị tốt các điều kiện để thực hiện kiểm tra, đánh giá trực tuyến theo quy định, đảm bảo chất lượng chính xác, hiệu quả, công bằng, khách quan, trung thực, đánh giá đúng năng lực của học sinh, sinh viên, phù hợp với tình hình dịch bệnh.
Đại biểu Dương Tuấn Quân cũng lưu ý đến việc vận dụng chuyển đổi số trong ngành giáo dục đối với đổi mới phương pháp dạy học trong tình hình mới, nhằm nâng cao năng lực chuyển đổi số cho đội ngũ giáo viên, giảng viên, cán bộ quản lý giáo dục và đào tạo để đáp ứng yêu cầu của phương pháp dạy học mới. Đặc biệt, Bộ Giáo dục và Đào tạo cần phối hợp Bộ Y tế rà soát, hướng dẫn thống nhất phòng, chống dịch COVID-19 trong hoạt động giáo dục đào tạo; sớm triển khai tiêm chủng cho học sinh trong độ tuổi trên phạm vi toàn quốc.
Bộ Thông tin và Truyền thông cần sớm ban hành hướng dẫn sử dụng an toàn các phần mềm công cụ dạy học trực tuyến; chỉ đạo các tập đoàn, doanh nghiệp viễn thông công nghệ thông tin nghiên cứu, phát triển các giải pháp nền tảng dạy học và học trực tuyến, học liệu số; hỗ trợ các cơ sở giáo dục, học sinh, sinh viên, giáo viên tiếp cận hạ tầng số dịch vụ truy cập Internet tốc độ cao, bảo mật an toàn, dễ sử dụng, nhất là ở vùng sâu, vùng xa.
Đại biểu cũng đề nghị Chính phủ cần tiếp tục quan tâm, có những chính sách hỗ trợ về trang thiết bị dạy học, cơ sở vật chất cho các học sinh, thầy, cô giáo để đảm bảo việc học được hiệu quả, an toàn, nhất là các hộ nghèo, hộ cận nghèo, vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, để họ không bị bỏ lại phía sau.
Thanh tra việc biên soạn, lựa chọn, phát hành sách giáo khoa
Đại biểu Nguyễn Thị Kim Thúy (Đà Nẵng) nêu ý kiến của cử tri về lĩnh vực giáo dục đào tạo. Đánh giá về ứng phó từ phía các nhà quản lý giáo dục, bà Thúy cho rằng có nhiều biểu hiện chậm trễ và lúng túng. “Đại dịch COVID-19 bùng phát gần 2 năm nay nhưng Bộ Giáo dục và Đào tạo dường như chưa có động thái thể hiện tầm nhìn dài hạn để ứng phó với dịch”, đại biểu đánh giá.
Đại biểu dẫn chứng, đến ngày 4/8, khung kế hoạch thời gian năm học 2021 - 2022 ban hành kèm theo quyết định của Bộ vẫn hệt như mọi năm, không có một dòng nào đề cập đến các biện pháp ứng phó với dịch để bảo đảm triển khai thực hiện hiệu quả, linh hoạt, an toàn. Gần đây, việc tinh giản nội dung dạy học mới được tiến hành.
Gần 2 năm qua, Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng chưa đánh giá khả năng thực hiện việc học trực tuyến ở các địa phương, chưa có biện pháp vận động hỗ trợ phương tiện dạy và học trực tuyến cho những vùng và đối tượng khó khăn. “Đây là những hạn chế cần được rút kinh nghiệm ngay và khắc phục sớm”, đại biểu đề nghị.
Về việc thực hiện đổi mới chương trình sách giáo khoa giáo dục phổ thông theo các nghị quyết, quyết định của Trung ương, Quốc hội, Chính phủ, đại biểu Nguyễn Thị Kim Thúy chia sẻ với ngành giáo dục về những khó khăn lớn mà đại dịch gây ra khi vừa bắt đầu thực hiện chương trình mới. Tuy nhiên, đại biểu thẳng thắn nhận xét, Bộ Giáo dục và Đào tạo, lãnh đạo chính quyền và ngành giáo dục ở không ít địa phương chưa quán triệt đầy đủ yêu cầu Nghị quyết số 88/2014/QH13 của Quốc hội và Luật Giáo dục về sách giáo khoa.
Nghiên cứu các nghị quyết, quyết định và Luật Giáo dục, đại biểu cho rằng nếu như điểm mới của chương trình giáo dục phổ thông được định hướng là phát triển toàn diện phẩm chất, năng lực của người học thì điểm mới nhất trong lĩnh vực sách giáo khoa được Nghị quyết số 88/2014/QH13 và Luật Giáo dục xác định là xã hội hóa để phát huy nguồn lực xã hội, bảo đảm đa dạng hóa và không ngừng nâng cao chất lượng sách giáo khoa. Tuy nhiên, vào đầu năm học mới vừa qua báo chí lên tiếng phê phán khá gay gắt một số bài học thiếu tính khoa học, tính giáo dục trong các bộ sách giáo khoa: Khoa học tự nhiên, Ngữ văn và tiếng Việt của Nhà Xuất bản Giáo dục Việt Nam. Báo chí cũng phát hiện một tác giả trong 2 năm viết đến 50 đầu sách giáo khoa, sách bài tập các loại ở cả 3 cấp học.
Dư luận còn chỉ ra nhiều bất cập trong việc lựa chọn sách giáo khoa mà bắt nguồn từ Thông tư số 25/2020/TT-BGDĐTT của Bộ Giáo dục Đào tạo về quy định việc lựa chọn sách giáo khoa trong cơ sở giáo dục phổ thông. Nhiều cơ sở giáo dục đã lên tiếng phàn nàn về Thông tư này khi trao toàn quyền quyết định lựa chọn sách giáo khoa cho những Hội đồng tuyển chọn sách mà không quan tâm đến ý kiến của cơ sở. Nếu việc lựa chọn sử dụng sách tiếp tục diễn ra như vậy, đại biểu lo ngại chủ trương xã hội hóa biên soạn sách giáo khoa sẽ khó được triển khai, dẫn tới nguy cơ quay trở lại tình trạng độc quyền của doanh nghiệp.
Từ đó, đại biểu đề nghị, Bộ Giáo dục và Đào tạo sớm sửa đổi Thông tư số 25/2020/TT-BGDĐTT, tiến hành thanh tra các công việc biên soạn, lựa chọn, phát hành sách giáo khoa và điều chỉnh những bất cập nảy sinh trong quá trình thực hiện.