Thông qua báo cáo đánh giá tác động môi trường cho hồ chứa nước chống hạn của Bình Thuận

UBND tỉnh Bình Thuận cho biết Bộ Tài nguyên Môi trường đã ban hành Quyết định số 3821/QĐ-BTNMT ngày 27/11/2024 phê duyệt kết quả thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường của Dự án 'Hồ chứa nước Ka Pét, huyện Hàm Thuận Nam, tỉnh Bình Thuận'. Đây là dấu mốc quan trọng để Dự án sớm được xây dựng, hoàn thành, phục vụ công tác chống hạn của tỉnh.

Khu vực rừng được khai thác để làm hồ chứa nước Ka Pét có trữ lượng gỗ thấp và không còn gỗ quý.

Khu vực rừng được khai thác để làm hồ chứa nước Ka Pét có trữ lượng gỗ thấp và không còn gỗ quý.

Dự án Hồ chứa nước Ka Pét của Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh Bình Thuận thực hiện tại xã Mỹ Thạnh và xã Hàm Cần, huyện Hàm Thuận Nam, tỉnh Bình Thuận với các nội dung, yêu cầu về bảo vệ môi trường theo quy định.

Theo UBND tỉnh Bình Thuận, đến nay một số công việc liên quan đến thực hiện Dự án đã hoàn thành như: Công tác kiểm kê đánh giá hiện trạng rừng và trồng rừng thay thế; phương án bồi thường, hỗ trợ và tái định cư; khảo sát, lập Báo cáo nghiên cứu khả thi… Tỉnh cũng đã chỉ đạo các đơn vị liên quan khẩn trương phối hợp tháo gỡ một số vướng mắc phát sinh để triển khai thi công Dự án, đảm bảo đúng tiến độ đề ra.

Hồ chứa nước Ka Pét được đưa vào quy hoạch thủy lợi từ năm 1995, tuy nhiên do không bố trí được nguồn vốn nên đến năm 2015 tỉnh Bình Thuận mới bắt đầu triển khai các thủ tục và đến năm 2019 Quốc hội thông qua tại Nghị quyết số 93/2019/QH14 về chủ trương đầu tư Dự án Hồ chứa nước Ka Pét. Năm 2023, Dự án được Quốc hội quyết định điều chỉnh, bổ sung chủ trương đầu tư tại Nghị quyết số 101/2023/QH15 với dung tích toàn bộ là 51,21 triệu m3; diện tích đất sử dụng là 697,73 ha với tổng mức đầu tư hơn 874 tỉ đồng. Hồ Ka Pét có ý nghĩa rất lớn với tỉnh Bình Thuận bởi có thể cấp nước tưới cho khoảng 7.762 ha đất sản xuất nông nghiệp của huyện Hàm Thuận Nam; cấp nước thô khoảng 2,63 triệu m3/năm cho Khu công nghiệp Hàm Kiệm II; tạo nguồn nước thô để cấp cho sinh hoạt của khoảng 120.000 người dân khu vực huyện Hàm Thuận Nam và thành phố Phan Thiết. Đồng thời, hồ góp phần phòng, chống lũ và cải tạo môi trường, điều tiết nước cho vùng hạ du khu vực huyện Hàm Thuận Nam và tỉnh Bình Thuận; tăng dòng chảy trong mùa khô, góp phần cải thiện môi trường sinh thái vùng hạ du, nhất là đoạn qua thành phố Phan Thiết, góp phần phát triển du lịch, dịch vụ của tỉnh...

Đây là dự án quan trọng cấp quốc gia và cũng là mong muốn của lãnh đạo, người dân tỉnh Bình Thuận từ hơn 20 năm qua. Công trình hoàn thành giúp người dân địa phương giải quyết nỗi lo không đủ nước phục vụ cho sản xuất và sinh hoạt vào mỗi mùa khô.

Theo quy định, các yếu tố nhạy cảm về môi trường khi triển khai xây dựng Dự án “Hồ chứa nước Ka Pét, huyện Hàm Thuận Nam, tỉnh Bình Thuận” là việc chuyển mục đích sử dụng đất lâm nghiệp sang mục đích khác với diện tích 612,48 ha rừng tự nhiên. Bên cạnh đó, hạng mục công trình và hoạt động của Dự án có khả năng tác động xấu đến môi trường như: Trong giai đoạn thi công có ảnh hưởng do hoạt động phát quang thực vật, nổ mìn, thi công các hạng mục công trình và các hoạt động của công nhân trên công trường phát sinh bụi, khí thải... Giai đoạn vận hành có ảnh hưởng do việc tích nước hồ tác động đến cảnh quan khu vực, thay đổi chế độ thủy văn, dòng chảy, bồi lắng hồ chứa, hệ sinh thái thủy sinh…

Chủ dự án đảm bảo giám sát, quản lý chặt chẽ các hoạt động thi công, thường xuyên theo dõi, đánh giá hiệu quả các công trình, biện pháp bảo vệ môi trường; đảm bảo toàn bộ nước thải sinh hoạt phải được thu gom và hợp đồng với đơn vị chức năng để vận chuyển, xử lý theo quy định.

Bộ Tài nguyên và Môi trường yêu cầu chỉ được phép triển khai thực hiện Dự án sau khi được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép chuyển đổi mục đích sử dụng đất, chuyển mục đích sử dụng rừng theo đúng các quy định pháp luật; thực hiện nộp tiền trồng rừng thay thế vào Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh Bình Thuận để trồng bù tối thiểu 1.845 ha rừng theo đúng quy định của pháp luật. Các đơn vị áp dụng biện pháp thi công tiên tiến để giảm thiểu đến mức thấp nhất việc làm ảnh hưởng đến môi trường sống của các loài thủy sinh và giảm lượng chất rắn lơ lửng trong nguồn nước.

Tin, ảnh: Nguyễn Thanh (TTXVN)

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/xa-hoi/thong-qua-bao-cao-danh-gia-tac-dong-moi-truong-cho-ho-chua-nuoc-chong-han-cua-binh-thuan-20241128115038126.htm