Thông qua hồ sơ quy hoạch TP HCM

Năm 2030, xây dựng TP HCM thành đô thị toàn cầu, phát triển, hiện đại, văn minh, vượt qua ngưỡng thu nhập cao

Ngày 12-6, Hội đồng Thẩm định quy hoạch tỉnh - Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH-ĐT) tổ chức hội nghị thẩm định hồ sơ quy hoạch TP HCM thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Bộ trưởng Bộ KH-ĐT Nguyễn Chí Dũng và Chủ tịch UBND TP HCM Phan Văn Mãi đồng chủ trì hội nghị.

Tháo gỡ "điểm nghẽn" ùn tắc, ngập úng

Tại hội nghị, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng - Chủ tịch Hội đồng Thẩm định quy hoạch TP HCM thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 - cho biết TP HCM là đô thị đặc biệt của cả nước, là đầu tàu, động lực, có sức hút và sức lan tỏa lớn của vùng Đông Nam Bộ và cả nước. Tuy nhiên, trong thời gian qua, thành phố đang phải đối mặt nhiều khó khăn, thách thức.

Theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, tiềm năng, thế mạnh, năng lực đột phá, sáng tạo của thành phố chưa được khai thác hiệu quả; vai trò đầu tàu, động lực dẫn dắt có chiều hướng chững lại trong những năm gần đây. Bộ trưởng cũng nêu rõ mô hình tăng trưởng và cơ cấu kinh tế của thành phố chậm đổi mới; tốc độ tăng trưởng kinh tế GRDP thấp hơn trung bình cả nước, có xu hướng giảm dần trong những năm gần đây. Chất lượng tăng trưởng và năng suất lao động thấp. Bên cạnh đó, tổ chức không gian phát triển của TP HCM còn nhiều bất cập, hạ tầng chưa đồng bộ. Hệ thống giao thông kết nối nội vùng, liên vùng giữa TP HCM với các địa phương trong vùng Đông Nam Bộ, với vùng ĐBSCL và các vùng kinh tế của cả nước còn hạn chế.

Lãnh đạo Bộ KH-ĐT cũng nhấn mạnh kết cấu hạ tầng đô thị của TP HCM bị quá tải so với sự gia tăng nhanh của dân số. Tắc nghẽn giao thông, ô nhiễm môi trường và ngập lụt ngày càng gia tăng trong bối cảnh tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu. Do đó, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho rằng quy hoạch TP HCM cần giải quyết các bất cập, tồn tại này.

Chủ tịch UBND TP HCM Phan Văn Mãi cho biết UBND TP HCM đã thành lập tổ tư vấn phản biện quy hoạch thành phố gồm những chuyên gia, nhà khoa học đầu ngành trong các lĩnh vực; tổ chức các hội thảo lấy ý kiến các tỉnh lân cận, tổ tư vấn phản biện và các chuyên gia, nhà khoa học; các bộ, ngành và các chuyên gia, nhà khoa học của Hà Nội và TP HCM về quy hoạch thành phố. Theo ông Phan Văn Mãi, dự thảo báo cáo quy hoạch tập trung thể hiện rõ các định hướng phát triển của thành phố trên 5 nội dung: Kinh tế xanh, đô thị sáng tạo, hạ tầng thông minh, xã hội văn minh, môi trường bền vững.

Góp ý tại hội nghị để hoàn thiện quy hoạch, TS Cao Viết Sinh, nguyên Thứ trưởng Bộ KH-ĐT, cho rằng đơn vị tư vấn cần làm rõ mối tương quan giữa TP HCM với Đông Nam Bộ, để từ đó nêu bật vị trí của thành phố trong phát triển kinh tế - xã hội của cả vùng, cả nước. Đồng thời, cần làm rõ sự bất hợp lý trong mô hình kinh tế của TP HCM khi cơ cấu công nghiệp giảm, trong khi dịch vụ chưa có ngành chất lượng cao. "Trong quy hoạch cần nêu rõ khát vọng phát triển, đi đầu cả nước của TP HCM. Lựa chọn kịch bản tăng trưởng, cần giải pháp đột phá về hạ tầng, đô thị thông minh để đạt được mục tiêu" - ông Sinh nói.

Đường Phạm Văn Đồng - một trong những con đường rộng, đẹp của TP HCMẢnh: Hoàng Triều

Đường Phạm Văn Đồng - một trong những con đường rộng, đẹp của TP HCMẢnh: Hoàng Triều

Làm rõ vai trò sân bay Long Thành

Nhấn mạnh không gian phát triển TP HCM "hướng biển, nhìn sông" đã được đề cập trong quy hoạch, song kiến trúc sư Trần Ngọc Chính, Chủ tịch Hội Quy hoạch Phát triển đô thị Việt Nam, cho rằng chưa rõ nét, thể hiện chưa rõ quan điểm phát triển cụ thể. Do đó, ông đề xuất đơn vị tư vấn cần làm rõ định hướng này trong hồ sơ quy hoạch, trong đó làm rõ vai trò khu vực Cần Giờ. "Nếu phát triển Cần Giờ thành cảng trung chuyển hàng hóa quốc tế, cần tính toán kết nối giao thông từ cảng với khu vực nội địa như thế nào" - ông Chính nói.

Theo ông Trần Ngọc Chính, quy hoạch lần này cũng chưa nêu rõ làm thế nào để phát huy tiềm năng, lợi thế của sông Sài Gòn. Ông nhìn nhận sông Sài Gòn sẽ là đột phá phát triển đô thị, du lịch cho thành phố. "TP HCM phải có chương trình mục tiêu bảo tồn, phát huy cảnh quan thiên nhiên, kiến trúc đô thị sông Sài Gòn. Đưa sông Sài Gòn làm trục quan trọng trong quy hoạch. Không phải thành phố nào cũng có được con sông như vậy" - ông Chính nhấn mạnh. Ông cũng bày tỏ băn khoăn khi quy hoạch TP HCM chưa nêu bật vị trí, vai trò của sân bay Long Thành với sự phát triển kinh tế, đối ngoại, an ninh quốc phòng của thành phố. Theo ông, sân bay Long Thành ở tỉnh Đồng Nai, song đây sẽ là sân bay thứ 2 của TP HCM, là điểm kết nối quốc tế quan trọng của thành phố.

Góp ý về phát triển hạ tầng giao thông, TS Phạm Hoài Chung, Phó Viện trưởng Viện Chiến lược và Phát triển giao thông vận tải - Bộ Giao thông Vận tải, đề nghị cơ quan lập quy hoạch đưa ra các chỉ tiêu cụ thể về tỉ lệ diện tích đất giao thông trên diện tích đất xây dựng đô thị, tỉ lệ khu vực trung tâm, khu vực ngoài trung tâm. Đồng thời, bổ sung chỉ tiêu đất dành cho giao thông tĩnh. Đối với đường ven biển, ông Chung đề nghị đánh giá kỹ lưỡng hiệu quả kinh tế - xã hội và các tác động môi trường sinh thái khi đề xuất nhánh 2 của đường ven biển từ Gò Công (tỉnh Tiền Giang) đến huyện Cần Giờ, vì tuyến này đi qua khu vực dự trữ sinh quyển rừng ngập mặn Cần Giờ. "Quy hoạch cần làm rõ vai trò của TP HCM trong kết nối quốc tế bằng đường biển, đường hàng không" - ông Chung nêu quan điểm.

Sau khi nghe các ý kiến góp ý, phản biện, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh quy hoạch TP HCM đã bám sát quy hoạch tổng thể quốc gia, Nghị quyết 31 của Bộ Chính trị và Nghị quyết 98 của Quốc hội. Tại hội nghị, các thành viên hội đồng thẩm định đã bỏ phiếu, với tỉ lệ 27/27 thành viên đồng ý thông qua hồ sơ quy hoạch TP HCM và yêu cầu cần chỉnh sửa, bổ sung. Về một số nội dung lưu ý để hoàn thiện hồ sơ quy hoạch, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng yêu cầu cơ quan lập quy hoạch làm rõ mục tiêu phát triển tổng quát và cụ thể của TP HCM. "Quy hoạch cần xác định đến năm 2030, TP HCM phấn đấu thành đô thị toàn cầu, là thành phố phát triển, hiện đại, văn minh, vượt qua ngưỡng thu nhập cao. TP HCM phải trở thành nơi đáng đến, đáng sống, đáng làm việc cho các nhà chuyên gia, khoa học, trí thức" - ông Nguyễn Chí Dũng nêu rõ.

Theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, quy hoạch cần làm rõ mô hình tăng trưởng, cơ cấu kinh tế, phát triển không gian mới, động lực mới mang tính đột phá cho tăng trưởng kinh tế thành phố. Như ý kiến các chuyên gia đã nêu, Bộ trưởng đề nghị làm rõ tác động sân bay Long Thành đối với phát triển kinh tế - xã hội TP HCM. Đồng thời, làm nổi bật các động lực mới, không gian mới như cảng Cần Giờ, trung tâm tài chính, không gian ngầm. Đối với các động lực mới này, Bộ trưởng Bộ KH-ĐT đề nghị cần thể hiện rõ nét hơn trong quy hoạch. Về phương án phát triển kết cấu hạ tầng, Bộ trưởng đề nghị coi đây là nhiệm vụ trọng tâm, ưu tiên hàng đầu của thành phố. Trong đó, cần gắn kết hạ tầng giao thông ngầm với hạ tầng phòng chống thiên tai, biến đổi khí hậu, giải quyết ùn tắc giao thông, ngập úng, ô nhiễm không khí, an ninh nguồn nước.

Hoàn thiện hồ sơ, trình Chính phủ cuối tháng 6

Theo Chủ tịch UBND TP HCM Phan Văn Mãi, thành phố sẽ tiếp thu đầy đủ, nghiêm túc các ý kiến để hoàn thiện hồ sơ quy hoạch chất lượng tối ưu, trình hội đồng thẩm định để tiến hành các bước tiếp theo, trình Chính phủ vào cuối tháng 6-2024. Về việc triển khai quy hoạch, thành phố sẽ chủ động ứng dụng công nghệ để thực hiện. Thành phố luôn ý thức với tinh thần, tâm thế là trung tâm lớn về nhiều mặt của cả nước, là đầu tàu, tiên phong trong thử nghiệm đổi mới sáng tạo. TP HCM không chỉ là đầu tàu cả nước mà còn đại diện quốc gia trong hội nhập và cạnh tranh quốc tế.

TSKH-KTS Ngô Viết Nam Sơn:

Trục động lực hướng ra biển

Quy hoạch TP HCM thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 có một số điểm mới kỳ vọng giúp TP HCM tăng tốc phát triển và phát triển bền vững, đạt hiệu quả kinh tế - xã hội cao hơn.

Thứ nhất, lần đầu tiên thành phố quan tâm đến phát triển hướng biển nhưng đồng thời cũng gắn với bảo vệ môi trường. Thành phố khẳng định bảo vệ khu dự trữ sinh quyển Cần Giờ. Có nghĩa là phát triển hướng biển nhưng không nhất thiết phải làm đô thị biển thật lớn mà phát triển kinh tế biển đặt nặng vấn đề liên kết vùng. Nhánh thứ nhất là liên kết hướng về cảng Thị Vải - Cái Mép, tạo trục động lực kết nối 4 tỉnh, thành là TP HCM, Bình Dương, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu, tạo ra sức mạnh kinh tế biển lớn. Ngoài ra, thành phố cũng phát triển cảng trung chuyển Cần Giờ và nhiều khả năng sẽ kết nối với cụm cảng Thị Vải - Cái Mép trên trục kinh tế biển này. Trong đó, cần kết nối đa phương tiện (đường thủy, đường sắt, cao tốc, metro…) và đường sắt sẽ giúp vận chuyển hàng hóa từ các nơi ra thẳng cảng biển. Bốn địa phương này sẽ phát triển kinh tế - xã hội với tầm cao mới và chắc chắn GRDP sẽ được nâng cao và đóng góp nhiều hơn cho ngân sách đất nước. Nhánh thứ 2 là phát triển hướng về phía quận 7, huyện Nhà Bè, liên kết với Long An, Tiền Giang, cảng Hiệp Phước, đây cũng là trục kinh tế tiềm năng. Thứ hai, phát triển kinh tế biển song hành với sự phát triển 2 bên sông Sài Gòn. Thứ ba, thành phố sẽ phát triển mô hình đô thị gắn với giao thông công cộng (TOD) là mô hình phổ biến ở các nước tiên tiến. TP HCM đang làm song song quy hoạch này với quy hoạch chung thành phố, cả 2 quy hoạch này đều hướng đến tính khả thi cao vì gắn với tư duy kinh tế thị trường, phát triển dự án nhưng không lệ thuộc nhiều vào ngân sách công mà sẽ tạo điều kiện thu hút nguồn vốn đầu tư trong nước và nước ngoài.

Ngoài ra, cần định hướng phát triển không gian ngầm, trong đó có 2 không gian quan trọng: dưới khu trung tâm hiện hữu (đường Lê Lợi, Nguyễn Huệ, khu chợ Bến Thành) và không gian ngầm ở trung tâm tài chính Thủ Thiêm.

PGS-TS Phạm Trung Lương, nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu du lịch:

Định hướng sản phẩm du lịch, kinh tế đêm

Cần bổ sung định hướng về liên kết phát triển du lịch, đặc biệt liên kết nội vùng Đông Nam Bộ và liên kết với vùng ĐBSCL. Trong đó, cần định hướng sản phẩm du lịch gắn với kinh tế đêm. Đặc biệt, cần chú trọng đối với các sản phẩm du lịch mang tính vùng mà TP HCM phải là chủ thể dẫn dắt như du lịch đường sông, du lịch sự kiện. Cần khai thác tiềm năng, lợi thế về du lịch tại Cần Giờ để đóng góp cho tăng trưởng kinh tế của TP HCM.

TS Nguyễn Hữu Nguyên, Hội Quy hoạch phát triển đô thị TP HCM:

Đẩy nhanh giải phóng mặt bằng

Thành phố định hướng phát triển hướng biển nên trong quá trình triển khai cần lưu ý vấn đề biến đổi khí hậu, ngập ở khu vực phía Nam thành phố vì việc thành phố bị ảnh hưởng bởi biến đổi khí hậu đã được đưa ra từ lâu. Việc xây dựng cảng trung chuyển Cần Giờ phù hợp với hướng phát triển ra biển của thành phố, tuy nhiên cần lưu ý nhiều vấn đề nếu thành phố triển khai. Trong đó có việc phát triển giao thông đường bộ kết nối khu vực này với hệ thống giao thông liên vùng, môi trường, vấn đề khai thác hiệu quả các cảng hiện có ở khu vực này… Khi triển khai quy hoạch trong thời gian tới, thành phố cần giải pháp để khắc phục tình trạng giải phóng mặt bằng chậm, dự án "treo". Muốn giải phóng mặt bằng nhanh để triển khai dự án, nâng cao hiệu quả sử dụng đất đai thì cần 2 giải pháp: hành chính và tài chính. Nếu tiền đền bù tăng thì giải phóng mặt bằng nhanh hơn. Hành chính kiên quyết hơn thì công việc sẽ nhanh hơn.

Q.Anh - M.Chiến ghi

Minh Chiến

Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/thong-qua-ho-so-quy-hoach-tp-hcm-196240612211439445.htm