Thông qua luật mở rộng: Châu Âu nỗ lực xóa bỏ nạn buôn người
Hơn một thập kỷ qua, Chỉ thị 2011/36/EU, còn gọi là Chỉ thị Chống buôn bán người năm 2011, là công cụ chính của Liên minh Châu Âu (EU) trong việc giải quyết nạn buôn người và bảo vệ nạn nhân. Tuy nhiên, do diễn biến ngày càng phức tạp, Ủy ban Châu Âu mới đây đã thông qua luật mới, nhằm củng cố hành lang pháp lý, thúc đẩy chiến lược toàn diện để xóa bỏ vấn nạn này.
Phần nổi của tảng băng trôi
Buôn bán người là một hiện tượng toàn cầu, xảy ra ở mọi quốc gia, mọi khu vực. Tại EU, các hình thức tiếp cận, kiểm soát, khai thác, bóc lột nạn nhân ngày càng thích nghi với môi trường mới, phát triển tinh vi hơn nhờ khoa học công nghệ hiện đại và khả năng kết nối rộng khắp trên không gian mạng.
Ở góc độ pháp luật, Hiến chương EU xác định buôn bán người là một hiện tượng tội phạm phức tạp, vi phạm quyền cơ bản của con người và bị nghiêm cấm. Trong đó, “xương sống” của cuộc chiến chống buôn bán người của EU trong suốt hơn thập kỷ qua chính là Chỉ thị 2011/36/EU. Chỉ thị Chống buôn bán người năm 2011 đã cung cấp các quy tắc chung về việc hình sự hóa, điều tra và truy tố tội buôn bán người; cùng với đó là các quy định về hỗ trợ, bảo vệ nạn nhân, các nguyên tắc phòng, chống buôn bán người. Chỉ thị này được xây dựng dựa trên Nghị định thư của Công ước Liên Hợp quốc về tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia và Công ước của Hội đồng châu Âu về hành động chống buôn bán người. So với Quyết định Khung của Hội đồng năm 2002, Chỉ thị này đại diện một bước tiến xa hơn trong cuộc chiến chống buôn người ở EU. Tuy nhiên, điểm thiếu sót của luật này là chỉ tập trung vào kiểm soát tội phạm mà ít chú trọng đến phòng ngừa và bảo vệ nạn nhân, tức là “mới chỉ xử lý được một phần nổi của tảng băng chìm”.
Thực tế những năm vừa qua, đặc biệt trong thời COVID-19, buôn bán người vẫn là một loại hình tội phạm lợi nhuận cao ở châu lục này. Báo cáo của Ủy ban Châu Âu (EC) cho thấy trung bình mỗi năm có 7.000 người trở thành nạn nhân của buôn bán người trong khối EU, chi phí ước tính của tội phạm này là 2,7 tỷ euro mỗi năm. Europol tuyên bố rằng tất cả các hình thức khai thác từ buôn bán người sẽ tạo ra lợi nhuận toàn cầu hơn 29,4 tỷ euro mỗi năm cho bọn buôn người.
Trong thập kỷ qua, các cơ quan thực thi pháp luật ở EU đã chứng kiến số lượng nạn nhân buôn người nội khối gia tăng đáng báo động. Nạn nhân là công dân EU chiếm tới 53% tổng số nạn nhân, chủ yếu đến từ Romania, Pháp, Ý, Bulgaria, Ba Lan. Trong đó, những người dễ bị tổn thương, một số dân tộc thiểu số thường bị nhắm mục tiêu cụ thể cho một số loại buôn bán nhất định. Ví dụ, người Roma và người khuyết tật thường bị cưỡng ép ăn xin, trong khi phụ nữ di cư thường là nạn nhân của các cuộc hôn nhân cưỡng ép, giả mạo.
Về khía cạnh giới, có tới 63% nạn nhân là phụ nữ, trẻ em gái. Tuy nhiên, trong giai đoạn 2019 - 2020, tỷ lệ nạn nhân nam đã tăng lên 33%, so với mức 23% của giai đoạn 2017 - 2018. Phụ nữ, trẻ em gái chiếm 87% số nạn nhân buôn bán vì mục đích khai thác tình dục, trong khi nam giới chiếm 66% số nạn nhân buôn bán vì mục đích lao động. Ngoài các hình thức khai thác phổ biến nhất là khai thác tình dục và lao động, các hình thức khác bao gồm hoạt động tội phạm cưỡng bức, ăn xin cưỡng bức, nhận con nuôi bất hợp pháp, hôn nhân cưỡng bức, giả tạo, đẻ thuê bất hợp pháp, lấy nội tạng.
Dù vậy, những con số này có thể chỉ là phần nổi của tảng băng trôi, vì vẫn còn rất nhiều hoạt động tội phạm vẫn chưa được các cơ quan chức năng phát hiện hay được người dân báo cáo, nên vẫn “nhởn nhơ ngoài vòng pháp luật”.
Củng cố “cột sống” của chiến lược chống buôn người
Do tính chất phức tạp của tệ buôn bán người, tỷ lệ kết án thấp, hỗ trợ yếu kém cho nạn nhân và sự thay đổi trong bản chất của tội phạm qua các năm, EC đã phải nhanh chóng cập nhật một cách tiếp cận toàn diện mới để chống lại tệ nạn này. Trong tất cả các giai đoạn, các cơ quan lập pháp, hành pháp, tư pháp chú trọng đến việc bảo vệ nạn nhân, đặc biệt các đối tượng dễ bị tổn thương.
Diễn biến của quá trình này có thể tóm lược qua một số dấu mốc quan trọng. Tháng 7/2020, EC giới thiệu một chiến lược mới của Liên minh An ninh EU giai đoạn 2020 - 2025, trong đó nhấn mạnh buôn bán người là tội phạm dai dẳng và mang lại lợi nhuận cao. Ủy ban tiết lộ ý định phát triển một cách tiếp cận toàn diện chống lại nạn buôn người. Trong Nghị quyết ngày 10/2/2021, Nghị viện đã ủng hộ hướng hành động này và kêu gọi Ủy ban nhanh chóng thông qua một chiến lược cụ thể. Ngày 14/4/2021, Ủy ban đã công bố chiến lược mới về chống buôn bán người trong giai đoạn 2021 - 2025. Trọng tâm của chiến lược là phòng ngừa, đưa những kẻ buôn bán ra trước công lý, bảo vệ và trao quyền cho nạn nhân. Trong đó, việc sửa đổi, bổ sung Chỉ thị 2011/36/EU (năm 2011) đóng vai trò thiết yếu trong tiến trình hoàn thiện khung pháp lý và chính sách toàn diện của EU về buôn bán người.
Nghị sĩ Eugenia Rodríguez Palop (Tây Ban Nha) cho biết: “Mười hai năm sau khi thông qua chỉ thị, các nghị sĩ châu Âu đã phải đại tu các quy tắc của EU, vì buôn bán người đã trở nên phức tạp hơn và các nguồn lực mà chúng ta có vẫn còn sơ khai. Chúng ta cần phải tìm ra các nạn nhân sớm, bảo vệ, hỗ trợ họ. Buôn bán người là sự tra tấn; những kẻ phạm tội phải trả giá cho những gì chúng đã làm và các nạn nhân phải nhận được bồi thường, sự phục hồi cho sự đau khổ của họ”. EC đã đệ trình đề xuất sửa đổi Chỉ thị 2011/36/EU vào ngày 19/12/2022. Tháng 1/2024, Nghị viện Châu Âu và Hội đồng đã đạt được thỏa thuận liên tổ chức, dự luật sửa đổi cả hai tổ chức phê duyệt. Sau khi Hội đồng chính thức thông qua, luật này đã được công bố trên Công báo EU vào ngày 24/6/2024.
Luật mới ra đời góp phần tăng cường phối hợp giữa các cơ quan chống buôn bán người và cơ quan tị nạn để bảo vệ nạn nhân; đồng thời cung cấp những công cụ mạnh mẽ hơn để điều tra và truy tố tội phạm, thông qua việc mở rộng phạm vi của hoạt động buôn bán người vượt ra ngoài khai thác lao động và tình dục. Cụ thể, luật mới hình sự hóa hôn nhân cưỡng bức, nhận con nuôi bất hợp pháp, khai thác việc mang thai hộ, cũng như các hoạt động sử dụng dịch vụ của nạn nhân buôn người nói chung. Những thay đổi quan trọng khác kể tới: giới thiệu các tội phạm mới được thực hiện hoặc tạo điều kiện bởi công nghệ thông tin hoặc truyền thông; thay thế chế độ trừng phạt tùy chọn đối với pháp nhân bằng hai chế độ trừng phạt bắt buộc; điều chỉnh điều khoản về thu giữ và tịch thu tài sản từ tội phạm…
Được biết, luật mới của EU về chống buôn người sẽ có hiệu lực 20 ngày sau khi được công bố trên Công báo EU. Các quốc gia thành viên có hai năm để thực hiện các điều khoản trong luật. Nghị sĩ Malin Björk (Thụy Điển) cho rằng luật mới sẽ bảo vệ tốt hơn quyền của nạn nhân, bao gồm cả những người di cư, cũng như hạn chế nạn bóc lột tình dục. “Chúng ta đã bắt đầu một sự thay đổi và bây giờ các quốc gia thành viên phải tận dụng tối đa chỉ thị này và bảo đảm rằng phụ nữ, trẻ em gái không bị mua bán ở châu Âu”, ông Björk nói.