Thông suốt hoạt động Quỹ tín dụng nhân dân sau sáp nhập đơn vị hành chính

Để bảo đảm hoạt động thông suốt của các Quỹ tín dụng nhân dân sau khi sáp nhập, NHNN chi nhánh các khu vực đã tăng cường công tác quản lý, giám sát đối với các quỹ chịu ảnh hưởng, bảo đảm hoạt động ổn định, thông suốt và xử lý kịp thời tình huống phát sinh…

Hệ thống Quỹ tín dụng nhân dân (QTDND) được thành lập từ năm 1993, với mục tiêu cốt lõi là huy động nguồn lực trong cộng đồng để tương trợ lẫn nhau giữa các thành viên, đặc biệt tại khu vực nông thôn, nơi người dân còn gặp nhiều khó khăn trong tiếp cận dịch vụ tài chính. QTDND hoạt động theo nguyên tắc tự nguyện, dân chủ, bình đẳng, cùng góp vốn, cùng quản lý và cùng hưởng lợi theo mô hình hợp tác xã (HTX).

Sau hơn ba thập kỷ hình thành và phát triển, hệ thống QTDND trong cả nước đã từng bước được mở rộng, củng cố, đóng vai trò quan trọng trong việc cung ứng dịch vụ ngân hàng ở khu vực nông thôn, góp phần tích cực vào công cuộc xóa đói giảm nghèo, phát triển kinh tế - xã hội, nông nghiệp, nông thôn và hỗ trợ an sinh xã hội tại cơ sở.

Bà Nguyễn Thị Phượng, Chủ tịch HĐQT QTDND liên xã Khang Thọ (Hà Tĩnh) cho biết, nhận thức được vai trò của mình, QTDND liên xã Khang Thọ luôn xác định huy động vốn và phát triển thành viên là hai trụ cột song hành, gắn bó chặt chẽ, quyết định đến sự phát triển bền vững của quỹ. Đây không chỉ đơn thuần là thu hút dòng tiền mà còn là quá trình xây dựng mối quan hệ tài chính - xã hội - cộng đồng với từng thành viên. Tính đến nay, quỹ có 4.084 thành viên với tổng nguồn vốn đạt 438 tỷ đồng, dư nợ cho vay 360 tỷ đồng…

Tuy nhiên, quá trình phát triển hệ thống QTDND ở khu vực miền Trung cũng như cả nước vẫn còn một số tồn tại, hạn chế. Trong đó, nổi bật là năng lực tài chính, quản trị và điều hành của một số quỹ còn yếu; tính liên kết hệ thống chưa chặt chẽ. Những bất cập này cần sớm được khắc phục để hệ thống QTDND thực sự gắn bó với cộng đồng thành viên, đóng góp thiết thực vào phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an toàn hệ thống và góp phần duy trì an ninh chính trị, trật tự xã hội tại các địa phương.

Hoạt động của các Quỹ tín dụng nhân dân ổn định, thông suốt sau sáp nhập hành chính.

Hoạt động của các Quỹ tín dụng nhân dân ổn định, thông suốt sau sáp nhập hành chính.

Thời gian gần đây, việc sắp xếp lại đơn vị hành chính cấp xã cũng tạo ra không ít thách thức đối với hoạt động của QTDND, vốn là loại hình tổ chức tín dụng đặc thù gắn với địa bàn cấp xã, chịu ảnh hưởng trực tiếp từ đặc điểm địa lý, dân cư và kinh tế của từng khu vực.

Thực tế tại nhiều địa phương cho thấy, việc sáp nhập xã gây khó khăn trong quá trình cấp, cấp đổi và đính chính giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất cho người dân, ảnh hưởng đến việc thế chấp và bảo đảm tiền vay tại các QTDND. Bên cạnh, công tác xử lý, thu hồi nợ xấu thông qua tố tụng dân sự, phát mại tài sản còn chậm và kéo dài. Trong khi đó, đa số QTDND có quy mô nhỏ, vốn tự có tích lũy chưa cao. Một số quỹ chưa có biện pháp hiệu quả trong thu hồi nợ, tiến độ xử lý nợ xấu còn chậm, thiếu quyết liệt.

Ông Hoàng Thế Sơn, Chủ tịch HĐQT QTDND Vạn Trạch (Quảng Trị) cho biết, trước khi sáp nhập hành chính, quỹ có một trụ sở chính và bốn phòng giao dịch hoạt động tại năm xã liền kề. Hiện, quỹ có 8.000 thành viên, tổng nguồn vốn hoạt động đạt 1.250 tỷ đồng, dư nợ cho vay 900 tỷ đồng, nợ xấu chỉ chiếm 0,3% tổng dư nợ.

Ông Sơn cho rằng, chủ trương sáp nhập đơn vị hành chính của Đảng là đúng đắn và cần thiết để tinh gọn bộ máy, nâng cao hiệu quả quản lý. Tuy nhiên, sau sáp nhập sẽ xuất hiện tình trạng nhiều QTDND hoạt động trên cùng một xã, hoặc một số quỹ bị chia tách địa bàn hoạt động sang xã liền kề, nơi đã có QTDND khác hoạt động. Do đó, NHNN cần nghiên cứu, hướng dẫn cụ thể để tạo điều kiện cho các quỹ tín dụng tiếp tục hoạt động ổn định, phát triển bền vững, nâng cao năng lực tài chính để phục vụ tốt hơn nhu cầu của người dân.

QTDND đóng vai trò quan trọng trong việc cung ứng dịch vụ ngân hàng ở khu vực nông thôn.

QTDND đóng vai trò quan trọng trong việc cung ứng dịch vụ ngân hàng ở khu vực nông thôn.

Hiện nay, tại khu vực miền Trung cũng như nhiều nơi khác trong cả nước, các QTDND có sự thay đổi về địa bàn hoạt động do sáp nhập hành chính nhưng phần lớn vẫn giữ nguyên hiện trạng hoạt động, bao gồm cả các địa bàn không liền kề với trụ sở chính. Tại các khu vực này, các quỹ đã tạm thời dừng việc kết nạp thành viên mới.

Theo đại diện NHNN chi nhánh khu vực 8, để bảo đảm hoạt động thông suốt của các QTDND sau khi sáp nhập hành chính, đơn vị đã tăng cường công tác quản lý, giám sát đối với các quỹ chịu ảnh hưởng, bảo đảm hoạt động bình thường và xử lý kịp thời các tình huống phát sinh như chồng lấn địa bàn, mất an toàn tín dụng (nếu có).

Song song đó, các QTDND cũng cần tiếp tục nâng cao năng lực quản lý, điều hành cả về chuyên môn lẫn đạo đức nghề nghiệp; lành mạnh hóa tài chính; củng cố năng lực hoạt động; nâng cao mức độ an toàn và hiệu quả tín dụng. Đặc biệt, hệ thống QTDND phải bảo đảm việc phục vụ thành viên đúng quy định của pháp luật, giữ vững nguyên tắc tự nguyện, tự chủ, tự chịu trách nhiệm, cùng có lợi và hợp tác vì sự phát triển cộng đồng.

Bên cạnh đó, nhiều QTDND đang tích cực thực hiện các giải pháp hiện đại hóa hoạt động như phát triển ngân hàng số, tăng năng lực cạnh tranh, hướng tới mô hình ngân hàng xanh, tín dụng xanh gắn với phát triển bền vững ở từng khu vực cụ thể.

Về phía chính quyền địa phương, sau sáp nhập, UBND cấp xã cần tăng cường vai trò quản lý nhà nước đối với các QTDND, phối hợp chặt chẽ trong công tác giám sát, tuyên truyền, định hướng dư luận, đảm bảo ổn định chính trị và trật tự xã hội. Đồng thời, hỗ trợ QTDND trong việc xử lý các khó khăn còn tồn tại như quy hoạch đất đai, bố trí trụ sở, công tác cán bộ và thu hồi nợ xấu...

Nghi Lộc

Nguồn TBNH: https://thoibaonganhang.vn/thong-suot-hoat-dong-quy-tin-dung-nhan-dan-sau-sap-nhap-don-vi-hanh-chinh-167379.html