Giải bài toán 'được mùa, rớt giá'

Xã Si Ma Cai, tỉnh Lào Cai đang bước vào chính vụ thu hoạch lê VH6 - giống lê ôn đới được coi là đặc sản vùng cao. Năm nay, sản lượng tăng mạnh nhưng giá bán giảm, đặt ra thách thức lớn trong việc tìm đầu ra ổn định cho người trồng và chính quyền địa phương.

Lê VH6 được kỳ vọng là cây trồng chủ lực giúp giảm nghèo và mang lại thu nhập bền vững cho bà con vùng cao. Tuy nhiên, giá lê năm nay giảm mạnh khiến nhiều hộ dân lo lắng. Không ít gia đình buộc phải bán cả vườn cho thương lái với giá thấp hơn hẳn so với năm trước.

 Lê VH6 được kỳ vọng là cây trồng giúp mang lại thu nhập bền vững cho bà con Si Ma Cai.

Lê VH6 được kỳ vọng là cây trồng giúp mang lại thu nhập bền vững cho bà con Si Ma Cai.

Tại thôn Seo Cán Hồ, chị Sùng Thị Đông vừa bán trọn vườn hơn 200 cây lê. Chị Đông chia sẻ: Tôi đã bán cả vườn cho tư thương, vì nếu để chín đồng loạt thì nhân lực của gia đình sẽ không kịp thu hoạch. Năm ngoái, gia đình bán được khoảng 60 triệu đồng; năm nay, thương lái trả 35 triệu đồng, trừ chi phí chỉ còn khoảng 30 triệu đồng.

Chị Đông cho biết thêm, chi phí đầu vào ngày càng cao làm gia tăng áp lực cho nông dân. Trong khi giá quả to năm ngoái được 45 - 50 nghìn/kg, nay chỉ còn 33 - 35 nghìn/kg (mà phải có khách đặt trước), nếu tự mang xuống chợ bán thì thương lái chọn quả đẹp ép giá, quả còn lại bán khó.

Chị Giàng Thị Pằng, thương lái tại xã Lùng Phình cho hay, giá thu mua quả lê năm nay buộc phải giảm theo thị trường. “Giá bán lê trên thị trường năm nay giảm nên chúng tôi thu mua của bà con cũng thấp hơn năm trước. Mỗi vườn tính theo diện tích, thỏa thuận giá rồi đặt cọc trước 30%, khi hái xong mới trả hết tiền. Năm nay giá bán ra cũng rẻ hơn nên lời lãi ít, có vườn còn lỗ.

Theo chị Pằng, đầu ra chủ yếu vẫn là chợ địa phương, bán đi xa chỉ vài mối quen, trong khi chi phí vận chuyển cao, làm giảm khả năng cạnh tranh.

 Bà Bùi Thị Chung, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp xã Si Ma Cai trao đổi với người dân thôn Seo Cán Hồ.

Bà Bùi Thị Chung, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp xã Si Ma Cai trao đổi với người dân thôn Seo Cán Hồ.

Bà Bùi Thị Chung, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp xã Si Ma Cai cho biết, toàn xã hiện có hơn 842 ha cây ăn quả ôn đới, riêng lê và mận hơn 300 ha, với hơn 600 hộ tham gia trồng.

“Vài năm gần đây, chất lượng lê VH6 được cải thiện nhờ bà con được tập huấn kỹ thuật. Tuy nhiên, năm nay, sản lượng tăng do nhiều vườn mới cho quả nhưng nhu cầu tiêu thụ giảm, khiến giá bán bị kéo xuống" - bà Bùi Thị Chung chia sẻ.

Qua tìm hiểu chúng tôi được biết, giá quả to đầu mùa năm ngoái có thể lên 50–60 nghìn/kg, giữa mùa còn 40–50 nghìn/kg, nhưng năm nay chỉ còn 30–40 nghìn/kg. Địa phương đang nghiên cứu các giải pháp như quy hoạch vùng trồng đồng đều chất lượng, phát triển chế biến sâu (làm nước ép, mứt) để tận dụng sản phẩm đạt chuẩn bán vào các siêu thị. Đồng thời, mô hình du lịch trải nghiệm vườn lê cũng được xem là hướng đi để tăng giá trị sản phẩm.

Ông Trương Văn Tiến, Phó Chủ tịch UBND xã Si Ma Cai, cho biết, địa phương đã và đang tập trung tháo gỡ khó khăn đầu ra cho nông dân. Ngay vụ này, xã đã chỉ đạo Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp phối hợp các đầu mối thu mua, thương lái quen để tiêu thụ sản phẩm. Đồng thời, đẩy mạnh bán sản phẩm trên các sàn thương mại điện tử (Lazada, Shopee, TikTok). Hiện, xã có 2 sản phẩm OCOP 3 sao là mận Tả Van Si Ma Cai và lê Si Ma Cai. Chúng tôi đang nâng chất lượng để khẳng định thương hiệu lê Si Ma Cai.

 Thương lái vào thu mua lê ở vườn tại thôn Seo Cán Hồ.

Thương lái vào thu mua lê ở vườn tại thôn Seo Cán Hồ.

Ông Tiến cũng nhấn mạnh, hạ tầng giao thông vẫn là trở ngại lớn. Si Ma Cai cách trung tâm tỉnh cũ hơn 100 km, đường sá khó khăn làm tăng chi phí vận chuyển, giảm sức cạnh tranh.

“Xã sẽ tiếp tục tập huấn kỹ thuật, kết nối thương mại điện tử, cải tạo vườn cũ để ổn định sản lượng và chất lượng. Mục tiêu lâu dài là giúp cây lê trở thành cây trồng chủ lực, thực sự mang lại thu nhập bền vững cho nông dân vùng cao”- ông Tiến cho biết thêm.

Lê VH6 đã trở thành đặc sản nổi tiếng của Si Ma Cai. Tuy nhiên, để xây dựng thương hiệu OCOP bền vững và cạnh tranh trên thị trường, địa phương cần những giải pháp căn cơ về hạ tầng, logistics, chế biến sâu và kết nối tiêu thụ. Đây là bài toán mà người trồng, thương lái và chính quyền địa phương cần phối hợp chặt chẽ để cùng tháo gỡ trong các vụ mùa tới.

Lê Lý - Vũ Tiến Dũng

Nguồn Lào Cai: https://baolaocai.vn/giai-bai-toan-duoc-mua-rot-gia-post648852.html