Thông tin cơ bản về Cộng hòa Áo
Áo theo chế độ cộng hòa nghị viện với mô hình nhà nước có cấu trúc cấp Chính quyền Liên bang, Chính quyền bang và Chính quyền xã.
I. THÔNG TIN CƠ BẢN:
II. KHÁI QUÁT LỊCH SỬ:
- Từ thời tiền trung cổ, người La Mã rồi sau đó là người Awaren, người Slawen sinh sống tại đây, thuộc lãnh thổ của Đế chế La Mã. Năm 856 vùng đất Marcha Orientalis (tức Bang Hạ Áo ngày nay) được đặt dưới sự chiếm đóng của dòng họ Karolinger – hậu duệ của Hoàng đế Karl đại đế. Năm 976 Công quốc Kärnten (Bang Kärnten ngày nay) được thành lập và cùng trong năm đó vùng đất Marcha Orientalis được Hoàng đế Otto II (dòng họ Liudofinger) trao cho Bá tước Luitpold của dòng họ Babenberger cai quản. Năm 996 tên Ostarrichi (tức Österreich – Áo) lần đầu được nhắc đến trong văn bản tặng đất của Hoàng đế Otto III cho Giám mục vùng Freising. Năm 1156 Hoàng đế Friedrich (Barbarossa) cho phép nâng cấp vùng biên trấn Áo (Markgraf Österreich) thành Công quốc Áo. Năm 1273 Bá tước Rudolf của dòng họ Habsburg được bầu làm Hoàng đế của Thánh chế La mã. Dần dần dòng họ Habsburg nắm quyền kiểm soát lãnh thổ của các công quốc (tức Áo ngày nay) và liên tục làm Hoàng đế trị vì Thánh chế La mã của các nước Đức trong gần 600 năm.
Sau Cách mạng Pháp, Napoleon lên nắm quyền và tự xưng Hoàng đế năm 1804. Hoàng đế La mã Franz II (thuộc dòng họ Habsburg) đáp trả bằng việc thiết lập Đế chế Áo (bao gồm lãnh thổ nước Áo ngày nay, một phần của Italia, Hungary, Séc, Slovakia, Nam Tư cũ…). Năm 1806, trước sức ép của Napoleon, Hoàng đế Franz II tuyên bố giải thể Thánh chế La mã, trở thành Franz I của Đế chế Áo.
Năm 1867, đế chế Áo – Hung được thành lập. Franz Joseph là Hoàng đế Áo và Vua Hungary.
Năm 1918, Áo thất bại trong Chiến tranh thế giới thứ nhất. Hoàng đế Karl I bị ép từ bỏ mọi sự tham gia vào công việc quốc gia và phải đi lưu vong. Đế chế Áo – Hung sụp đổ, nước Áo theo thể chế cộng hòa thuộc Liên minh Đức được thành lập. Năm 1919, nhà nước Cộng hòa Áo chính thức ra đời.
Giai đoạn 1918 - 1945: chính trị nội bộ Áo gặp khủng hoảng do mâu thuẫn gay gắt giữa hai đảng cầm quyền (Đảng Dân chủ và Đảng Thiên chúa giáo). Tháng 3/1934, Đảng Quốc dân tuyên bố đòi sáp nhập Áo vào Đức. Tháng 3/1938, Phát xít Đức tấn công Áo và sát nhập Áo vào Đế chế Đức. Từ đó đến hết Chiến tranh Thế giới thứ II, Áo bị Phát xít Đức chiếm đóng hoàn toàn.
Giai đoạn 1945 đến nay: Tháng 04/1945, Áo được giải phóng khỏi Phát xít Đức và bị chia thành 4 vùng do Liên Xô, Mỹ, Anh và Pháp quân quản. Ngày 15/5/1955, bốn nước đồng minh ký Hòa ước với Áo, còn gọi là Hiệp ước quốc gia (Staatsvertrag) quy định về nền trung lập vĩnh viễn của Cộng hòa Áo, và rút khỏi Áo trong 90 ngày. Ngày 26/10/1955 – 1 ngày sau khi toàn bộ quân đồng minh rút khỏi Áo – trở thành ngày Quốc khánh của Cộng hòa Áo.
III. THỂ CHẾ CHÍNH TRỊ:
Áo theo chế độ cộng hòa nghị viện với mô hình nhà nước có cấu trúc cấp Chính quyền Liên bang, Chính quyền bang và Chính quyền xã.
1. Tổng thống là nguyên thủ quốc gia, trực tiếp do dân bầu với nhiệm kỳ 6 năm và có thể được bầu lại một lần ngay sau khi kết thúc nhiệm kỳ đầu. Tổng thống là tổng tư lệnh quân đội quốc gia, có quyền bổ nhiệm hoặc bãi miễn Nội các, các quan chức dân sự và đại diện của Áo ở nước ngoài, giải tán Quốc hội và ký các đạo luật hợp hiến.
2. Cơ quan lập pháp bao gồm Hội đồng Liên bang (Thượng viện) và Quốc hội Liên bang (Hạ viện).
- Hội đồng Liên bang (Bundesrat): có 61 đại biểu, là cơ quan đại diện cho lợi ích của các bang tại Liên bang, gồm các nghị sỹ được Quốc hội bang của các Bang cử ra theo tỷ lệ thuận với dân số của từng Bang (Tối thiểu là 3, tối đa là 12 nghị sỹ). Theo quy định của Hiến pháp, Hội đồng Liên bang có quyền phủ quyết các đạo luật đã được Quốc hội thông qua trong thời hạn 8 tuần. Tuy nhiên, trong thực tế nếu Quốc hội đưa ra “Nghị quyết kiên quyết” (Beharrungsbeschluss), thì việc việc phủ quyết không còn hiệu lực. Hội đồng liên bang chỉ có quyền phủ quyết tuyệt đối (Veto) khi các đạo luật mới hạn chế các quyền hạn của các Bang đã được ghi trong Hiến pháp.
- Quốc hội Liên bang (Nationalrat) là cơ quan đại diện của nhân dân, do dân trực tiếp bầu ra với nhiệm kỳ 5 năm, có nhiệm vụ ban hành các văn bản luật, giám sát việc thực thi pháp luật và là diễn đàn chính trị của các đảng phái. Chỉ có các đảng đạt được từ 4 % số phiếu bầu trong bầu cử Quốc hội Liên bang mới được có mặt trong Quốc hội Liên bang.
3. Chính phủ Liên bang: Do luật bầu cử của Áo rất phức tạp nên hiếm khi có đảng nào có thể tự thành lập chính phủ mà thường phải liên minh với đảng khác. Thủ tướng thường là chủ tịch đảng đạt được nhiều phiếu nhất trong kỳ bầu cử Quốc hội Liên bang, do Quốc hội chỉ định và được Tổng thống bổ nhiệm. Các thành viên của chính phủ được Tổng thống bổ nhiệm theo đề nghị của Thủ tướng. Thủ tướng điều hành công việc của chính phủ nhưng không có quyền chỉ thị cho các bộ trưởng. Chính phủ có thẩm quyền quyết định các dự luật trước khi trình Quốc hội. Vì chính phủ áp dụng nguyên tắc nhất trí nên tất cả các dự luật đưa ra đều phải có chữ ký của tất cả các bộ trưởng. Bộ trưởng nào cũng có quyền phủ quyết và không thể quyết định được điều gì nếu nó đi ngược lại ý muốn của bộ trưởng khác.
- Bầu cử: Áo áp dụng chế độ bầu cử trực tiếp (Quốc hội Liên bang, Tổng thống và Quốc hội Bang) hoặc gián tiếp (Hội đồng Liên bang). Mọi công dân Áo đủ 16 tuổi đều có quyền tham gia bầu cử trên cơ sở bình đẳng, trực tiếp, bỏ phiếu kín. Ngoài ra Áo còn áp dụng một số công cụ dân chủ trực tiếp như trưng cầu dân ý và sáng kiến công dân, cho phép công dân tham gia trực tiếp vào quá trình quyết định các vấn đề chính trị.
- Hành chính cấp bang: Áo có 9 bang, trong đó Viên vừa là thủ đô, vừa là một bang. Đứng đầu mỗi bang là Thủ hiến bang.
IV. KINH TẾ:
- Áo là nước công nghiệp phát triển với phúc lợi xã hội cao. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của dịch Covid-19 năm 2020, kinh tế Áo bị sụt giảm nghiêm trọng, giảm -7,3% và bắt đầu phục hồi năm 2021. Áo có thế mạnh về các ngành công nghiệp như luyện kim, cơ khí chế tạo, chế biến gỗ, điện tử, dệt, may mặc, sứ thủy tinh (chiếm 30,4%) và các ngành dịch vụ như ngân hàng, bảo hiểm (chiếm 67,8%).
- Kinh tế của Áo phụ thuộc rất lớn vào ngoại thương, chủ yếu giao thương với các nước Châu Âu, đặc biệt với Đức.
- Về thương mại, Áo chủ yếu xuất khẩu máy móc, động cơ mô tơ, hóa chất, thép, giấy, thực phẩm… nhập khẩu máy móc, hóa chất, hàng kim khí, xăng dầu, thực phẩm… Thị trường chính của Áo bao gồm Đức 31,3%, Italia 8,7%, Mỹ 5,9%, Thụy Sĩ 5,2%, Pháp 4,2%, Anh 4%.
- Một số công ty và tập đoàn lớn của Áo: Tập đoàn hóa chất OMV, Tập đoàn Bưu chính viễn thông Áo, Tập đoàn BML, Tập đoàn Siemens Áo...
https://kinhtexaydung.petrotimes.vn
Nguồn PetroTimes: https://kinhtexaydung.petrotimes.vn/thong-tin-co-ban-ve-cong-hoa-ao-689915.html