Thông tin mới nhất vụ 'suối' bùn đất bất ngờ phun trào giữa khu dân cư Hà Nội
UBND quận Ba Đình khẳng định, đơn vị thi công sẽ có trách nhiệm khắc phục và bồi thường nếu xảy ra thiệt hại về người hay vật chất cho người dân. Còn đại diện đơn vị chủ đầu tư thông tin, bùn từ lòng đất tràn lên là dung dịch Bentonite khi thi công; dung dịch này không độc hại, vì vậy người dân không nên hoang mang, lo lắng.
Hiện trường bùn lỏng vẫn phun lên khỏi mặt đất được PV Tiền Phong ghi lại sáng 21/2.
Bùn lỏng vẫn phun trào
Ghi nhận của phóng viên Tiền Phong vào sáng nay (21/2), bùn nhão vẫn tiếp tục đùn và phun lên từ dưới lòng đất theo một số lỗ nhỏ và cống thoát nước trong ngõ 7 phố Giang Văn Minh, phường Kim Mã, quận Ba Đình. Dù trong ngày hôm qua, các đơn vị liên quan đã huy động công nhân, xe hút bùn để xử lý sự cố và đậy bịt các vị trí hố, miệng phun.

Phương tiện và nhân công được huy động đến xử lý sự cố trong sáng 21/2.
Sự cố này xảy ra vào chiều 20/2, đến 23h đêm qua, một số vị trí phun chất lỏng lên mặt đường tại ngõ số 7 phố Giang Văn Minh vẫn tiếp tục. Để tránh chất lỏng phun cao và bắn, chảy vào nhà dân, nhiều dụng cụ bạt và tấm bìa cứng đã được các đơn vị thi công huy động che, bịt các vị trí còn phun chất lỏng.
Bà Lan (sống ở cuối ngõ 7 phố Giang Văn Minh) cho biết: "Ban đầu tôi và nhiều hộ dân xung quanh rất bất ngờ, hoang mang, tưởng rằng trong lòng đất bị làm sao mới có sự việc trào ngược bùn lên như vậy. Tuy nhiên sau đó có nhân viên đơn vị thi công nói là ở dự án đường sắt đô thị và đang khoan ngầm bên dưới chúng tôi mới đỡ lo lắng. Nhưng sự việc xảy ra đã làm chúng tôi gặp khó khăn trong việc đi lại, nhà cửa bị bám bẩn do bùn đất phun và dâng cao".
Dừng hoạt động rô bốt TBM1 và khoan hầm
Trưa nay (21/2), trao đổi với PV Tiền Phong, lãnh đạo Ban Quản lý Đường sắt đô thị Hà Nội (MRB - chủ đầu tư) cho biết, ngay trong ngày 20/2, Dự án đã huy động 6 xe hút bùn, 2 xe rửa đường, cùng hơn 100 công nhân đến hiện trường để theo sát diễn biến, có biện pháp ứng phó kịp thời.
Hiện tượng còn phun hỗn hợp dung dịch bentonit trong sáng 21/2 khu vực ngõ 7 phố Giang Văn Minh vẫn còn xảy và được các lực lượng chức năng túc trực xử lý hút, thu dọn ngay. Hiện nay, chủ đầu tư đã yêu cầu nhà thầu tạm dừng hoạt động của máy đào hầm tự động (robot) TBM1 cũng như việc khoan hầm tại khu vực này.
"Việc này nhằm tránh gây ảnh hưởng đến cuộc sống người dân và để tìm rõ nguyên nhân, đánh giá lại quá trình khoan hầm tại đây" - lãnh đạo MRB nói.


Bùn đất vẫn đang phun lên từ các miệng hố trong sáng nay.
Theo lãnh đạo MRB, qua test kiểm tra nhanh bùn lỏng bị đùn lên mặt đường, các cơ quan có trách nhiệm cho biết bùn thải là các phụ gia được trộn lẫn với đất và nước trong lòng đất trong quá trình khoan hầm, do khu vực khoan hầm có các lỗ, rãnh hở nên lượng chất lỏng này bị đùn lên, hoàn toàn không gây nguy hại, ảnh hưởng đến sức khỏe con người.
Trước đó, MRB cũng đã đưa ra nhận định ban đầu về nguyên nhân dẫn tới sự việc, cụ thể trong lòng đất tồn tại các công trình ngầm cũ như giếng nước hoặc cống thoát nước không còn sử dụng. Các kết cấu này tạo ra lỗ hổng, khiến phụ gia khoan theo đó trào lên bề mặt trong quá trình thi công.
Máy đào TMB đang thực hiện khoan và lắp tấm bê tông vỏ hầm nên hiện tượng phụ gia đào hầm trào lên mặt đất sẽ chấm dứt khi máy đào đi qua khu vực.

Người dân sống trong ngõ 7 phố Giang Văn Minh gặp nhiều bất tiện để di chuyển vào nhà do bùn lỏng vẫn phun trào ra đường.
Theo quy trình của Dự án, trước khi thi công khoan hầm, tư vấn và nhà thầu đã tiến hành khảo sát công trình dọc tuyến. Tuy nhiên, do sự thay đổi chủ sở hữu các công trình theo thời gian, nhiều thông tin không được cung cấp đầy đủ nên không tránh khỏi còn thiếu dữ liệu về các công trình ngầm như giếng nước, giếng khoan của nhà dân, hoặc các lỗ khoan khảo sát địa chất từ các dự án trước đây không được lấp lại.
Trong quá trình khoan, phụ gia khoan hầm được phun áp lực để giữ ổn định đất trước gương đào. Khi gặp phải lỗ hở như giếng nước, lỗ khoan thì phụ gia khoan hầm sẽ theo các lỗ rỗng này trào lên mặt đất. Hiện tượng này chỉ xảy ra trong thời gian ngắn và kết thúc ngay sau khi máy TBM khoan qua và lắp đặt vỏ hầm. Đây là một hiện tượng thông thường trong quá trình thi công các công trình khoan hầm trong đô thị.
Chủ đầu tư khẳng định, hiện tượng nói trên không gây ảnh hưởng đến kết cấu công trình cũng như không có thiệt hại về người hay vật chất. MRB đang phối hợp chặt chẽ với các đơn vị liên quan để đánh giá chính xác nguyên nhân, triển khai các biện pháp kỹ thuật nhằm ngăn ngừa sự việc tương tự trong giai đoạn tiếp theo.
Chiều 21/2, UBND quận Ba Đình đã lên tiếng trấn an người dân về vụ việc trên.
UBND quận Ba Đình cho biết, đã thông tin và khuyến cáo đến người dân tại khu vực máy khoan TBM đi qua từ năm 2024. Đồng thời, vận động, bảo đảm quyền lợi cho các hộ dân đi tạm cư trong thời gian thi công khoan hầm.Về vụ việc này, đại diện liên danh nhà thầu Hyundai & Ghella và Tư vấn giám sát khẳng định, dung dịch Bentonite khi thi công là dung dịch không độc hại. Vì vậy, người dân không nên hoang mang, lo lắng.
Cũng theo UBND quận Ba Đình, đơn vị thi công sẽ có trách nhiệm khắc phục và bồi thường nếu xảy ra thiệt hại về người hay vật chất cho người dân bị ảnh hưởng.