Thông tin mới về điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp đối với người lao động
Để được hưởng trợ cấp thất nghiệp, người lao động phải đóng bảo hiểm thất nghiệp từ đủ 12 tháng trở lên trong thời gian 24 tháng trước khi chấm dứt hợp đồng.
Thời gian qua, việc thực hiện chính sách bảo hiểm thất nghiệp đã giúp người lao động duy trì được cuộc sống khi bị mất việc làm; giúp người sử dụng lao động không bị áp lực về tài chính vì không phải chi trả trợ cấp thôi việc, mất việc làm cho người lao động, và giảm gánh nặng cho ngân sách nhà nước.
Đến nay, số người tham gia bảo hiểm thất nghiệp tăng qua các năm, bình quân hằng năm tăng 6,08%. Tỷ lệ số người tham gia bảo hiểm thất nghiệp so với lực lượng lao động trong độ tuổi tăng theo từng năm, đến năm 2023 tỷ lệ này là 31,6%, vượt so với mục tiêu đặt ra tại Nghị quyết số 28-NQ/TW (đến năm 2021, khoảng 28% lực lượng lao động trong độ tuổi tham gia bảo hiểm thất nghiệp).
Cũng trong giai đoạn này, bình quân mỗi năm có 826.000 người nhận trợ cấp thất nghiệp, cao nhất là năm 2020, có trên 1,087 triệu người hưởng trợ cấp thất nghiệp (chiếm khoảng 6 - 8% số lao động tham gia bảo hiểm thất nghiệp). Bình quân mỗi năm chi trợ cấp thất nghiệp khoảng 10.000 tỷ đồng. Xu hướng số tiền chi cho trợ cấp thất nghiệp năm sau sẽ cao hơn năm trước, vì số người tham gia tăng, mức đóng - hưởng tăng.
Bảo hiểm Xã hội Việt Nam cho biết, theo quy định tại Điều 49 Luật Việc làm và văn bản hướng dẫn, người lao động quy định tại khoản 1 Điều 43 của Luật này đang đóng bảo hiểm thất nghiệp được hưởng trợ cấp thất nghiệp khi có đủ các điều kiện sau đây:
Chấm dứt hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc, trừ các trường hợp sau đây: Người lao động đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc trái pháp luật; hưởng lương hưu, trợ cấp mất sức lao động hàng tháng.
Đã đóng bảo hiểm thất nghiệp từ đủ 12 tháng trở lên trong thời gian 24 tháng trước khi chấm dứt hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc đối với trường hợp quy định tại điểm a và điểm b khoản 1 Điều 43 của Luật này; đã đóng bảo hiểm thất nghiệp từ đủ 12 tháng trở lên trong thời gian 36 tháng trước khi chấm dứt hợp đồng lao động đối với trường hợp quy định tại điểm c khoản 1 Điều 43 của Luật này.
Đã nộp hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp tại trung tâm dịch vụ việc làm trong thời hạn 03 tháng kể từ ngày chấm dứt hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc.
Chưa tìm được việc làm sau 15 ngày, kể từ ngày nộp hồ sơ hưởng bảo hiểm thất nghiệp, trừ các trường hợp sau đây: Thực hiện nghĩa vụ quân sự, nghĩa vụ công an; Đi học tập có thời hạn từ đủ 12 tháng trở lên; Chấp hành quyết định áp dụng biện pháp đưa vào trường giáo dưỡng, cơ sở giáo dục bắt buộc, cơ sở cai nghiện bắt buộc; d) Bị tạm giam; chấp hành hình phạt tù; Ra nước ngoài định cư; đi lao động ở nước ngoài theo hợp đồng; Chết.
Còn theo quy định tại khoản 2 Điều 12 Nghị định số 28/2015/NĐ-CP đã được sửa đổi, bổ sung tại khoản 4 Điều 1 Nghị định số 61/2020/NĐ-CP thì người lao động được xác định là đang đóng bảo hiểm thất nghiệp theo quy định tại Điều 49 Luật Việc làm khi thuộc một trong các trường hợp sau:
Người lao động đã đóng bảo hiểm thất nghiệp của tháng chấm dứt hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc và được cơ quan bảo hiểm xã hội xác nhận trên sổ bảo hiểm xã hội. Người lao động đã đóng bảo hiểm thất nghiệp của tháng liền kề trước tháng chấm dứt hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc và được cơ quan bảo hiểm xã hội xác nhận trên sổ bảo hiểm xã hội;
Người lao động có tháng liền kề trước tháng chấm dứt hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc hoặc tháng chấm dứt hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc mà nghỉ việc do ốm đau, thai sản từ 14 ngày làm việc trở lên trong tháng, không hưởng tiền lương tháng tại đơn vị và được cơ quan bảo hiểm xã hội xác nhận trên sổ bảo hiểm xã hội;
Người lao động có tháng liền kề trước tháng chấm dứt hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc hoặc tháng chấm dứt hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc mà nghỉ việc không hưởng lương từ 14 ngày làm việc trở lên trong tháng tại đơn vị và được cơ quan bảo hiểm xã hội xác nhận trên sổ bảo hiểm xã hội;
Người lao động có tháng liền kề trước tháng chấm dứt hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc hoặc tháng chấm dứt hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc mà tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc từ 14 ngày làm việc trở lên trong tháng tại đơn vị và được cơ quan bảo hiểm xã hội xác nhận trên sổ bảo hiểm xã hội.
Về nộp hồ sơ hưởng bảo hiểm thất nghiệp, theo quy định tại khoản 1 Điều 17 Nghị định số 28/2015/NĐ-CP thì trong thời hạn 3 tháng kể từ ngày chấm dứt hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc, người lao động chưa có việc làm và có nhu cầu hưởng trợ cấp thất nghiệp phải trực tiếp nộp 1 bộ hồ sơ đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp theo đúng quy định tại Điều 16 của Nghị định này cho trung tâm dịch vụ việc làm tại địa phương nơi người lao động muốn nhận trợ cấp thất nghiệp.
Hiện, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội đang sửa Luật Việc làm theo hướng hỗ trợ người sử dụng lao động, người lao động duy trì việc làm, phát huy đầy đủ các chức năng của chính sách này, bảo đảm thực sự là công cụ quản trị thị trường lao động. Theo đó, Luật sẽ sửa đổi quy định về điều kiện hỗ trợ người sử dụng lao động đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề để duy trì việc làm cho người lao động, đảm bảo tính khả thi trong thực tế. Công tác tư vấn, giới thiệu việc làm và hỗ trợ học nghề cũng sẽ được tăng cường hơn nữa, nhằm khắc phục tình trạng người lao động chỉ nhận trợ cấp thất nghiệp.