Thông tin mới về nâng mức giảm trừ gia cảnh khi tính thuế thu nhập cá nhân
Bộ Tài chính đề xuất Chính phủ cho phép nghiên cứu điều chỉnh tăng mức giảm trừ gia cảnh, bổ sung các khoản giảm trừ đặc thù, góp phần giảm gánh nặng cho người nộp thuế thu nhập cá nhân.
Loạt kiến nghị từ các bộ, ngành, địa phương
Trong quá trình xây dựng dự án Luật Thuế thu nhập cá nhân (thay thế), Bộ Tài chính đã nhận được nhiều ý kiến từ các bộ, ngành, địa phương đề xuất tăng mức giảm trừ gia cảnh để phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội và mức sống của người dân hiện nay.
Mức giảm trừ gia cảnh quy định tại Điều 19 dự thảo Luật Thuế thu nhập cá nhân (thay thế) là 11 triệu đồng/tháng với người nộp thuế, 4,4 triệu đồng/tháng đối với mỗi người phụ thuộc, đã được áp dụng từ ngày 1/7/2020 và áp dụng từ kỳ tính thuế năm 2020.
Cổng thông tin điện tử Chính phủ tổng hợp ý kiến từ bạn đọc cho rằng quy định về mức giảm trừ gia cảnh đã lỗi thời, đồng thời, điều kiện điều chỉnh (chỉ số giá tiêu dùng CPI thay đổi 20%) không phù hợp với diễn biến mặt bằng giá cả tiêu dùng, nhất là tại các thành phố lớn.
![Nhiều bộ, ngành, địa phương đề xuất tăng mức giảm trừ gia cảnh để phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội và mức sống của người dân hiện nay. Ảnh: Nam Khánh](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w700_r1/2025_02_09_23_51431156/a7f919f623b8cae693a9.jpg)
Nhiều bộ, ngành, địa phương đề xuất tăng mức giảm trừ gia cảnh để phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội và mức sống của người dân hiện nay. Ảnh: Nam Khánh
Vì vậy, đề xuất Bộ Tài chính nghiên cứu phương thức cho phép bổ sung các khoản giảm trừ khác (trên cơ sở xét duyệt hồ sơ do người nộp thuế cung cấp), bên cạnh mức giảm trừ gia cảnh chung áp dụng cho tất cả người nộp thuế. Ví dụ, hóa đơn viện phí, tiền mua thuốc, hóa đơn thanh toán học phí, hóa đơn sửa chữa, thay thế tài sản có giá trị lớn như nhà cửa, phương tiện giao thông, công cụ sản xuất...
Cùng với đó, chia nhỏ các mức giảm trừ gia cảnh theo vùng (tương tự như 4 vùng áp dụng với lương tối thiểu vùng).
Mặt khác, đề xuất giao Chính phủ công bố và điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh hàng năm hoặc 2 năm/lần, thay vì căn cứ vào mức biến động CPI. Điều này sẽ đảm bảo chính sách thuế linh hoạt, thay đổi phù hợp với biến động của đời sống xã hội.
Với mức giảm trừ cho bản thân người nộp thuế là 11 triệu đồng/tháng và cho mỗi người phụ thuộc là 4,4 triệu đồng/tháng như hiện nay thì người có thu nhập từ tiền lương, tiền công ở mức 17 triệu đồng/tháng (nếu có 1 người phụ thuộc) hay mức 22 triệu đồng/tháng (nếu có 2 người phụ thuộc) sau khi trừ các khoản bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp... chưa phải nộp thuế thu nhập cá nhân.
Bộ Thông tin và Truyền thông cũng đề nghị nâng mức giảm trừ gia cảnh so với hiện nay để phù hợp với việc tăng chỉ số giá tiêu dùng, tốc độ tăng trưởng kinh tế và mức tăng lương cơ sở từ ngày 1/7/2024; xây dựng mức giảm trừ gia cảnh theo vùng để phù hợp với chính sách tiền lương hiện nay (Nghị định số 74/2024 quy định mức lương tối thiểu theo 4 vùng).
Bộ Quốc phòng đề nghị nâng mức giảm trừ gia cảnh với người nộp thuế từ 11 triệu đồng/tháng lên 17,3 triệu đồng/tháng, với mỗi người phụ thuộc từ 4,4 triệu đồng/tháng lên 6,9 triệu đồng/tháng. Bởi mức lương cơ sở tại thời điểm ban hành quy định về mức giảm trừ gia cảnh là 1,49 triệu đồng/tháng, đến tháng 12/2024 đã tăng lên 2,34 triệu đồng/tháng (tăng 57,05%).
UBND các tỉnh Ninh Thuận, Sơn La,... đề xuất bổ sung các khoản giảm trừ hỗ trợ chi phí giáo dục, y tế, nhà ở và các khoản đầu tư cho sự phát triển con người. Nên có nhiều chính sách khuyến khích đầu tư vào giáo dục bằng cách giảm trừ thuế nhiều hơn cho chi phí học tập và các khóa đào tạo chuyên môn, nghiệp vụ, nâng chuẩn.
Đồng thời, bổ sung các khoản giảm trừ để hỗ trợ các trường hợp đặc biệt (người lao động là cha/mẹ đơn thân hoặc có người thân mắc bệnh hiểm nghèo... nên được áp dụng mức giảm trừ cao hơn).
Bộ Tài chính thống nhất đề xuất giảm gánh nặng cho người nộp thuế
Tiếp thu ý kiến của các bộ, ngành, địa phương, trong Tờ trình Chính phủ đề nghị xây dựng dự án Luật Thuế thu nhập cá nhân (thay thế) mới đây, Bộ Tài chính nhìn nhận “mức giảm trừ gia cảnh hiện hành được áp dụng từ năm 2020 đến nay cần phải rà soát, đánh giá lại để đề xuất phương án sửa đổi, bổ sung phù hợp với các điều kiện mới”.
Bộ Tài chính đề xuất nghiên cứu điều chỉnh tăng mức giảm trừ gia cảnh cho cá nhân người nộp thuế và người phụ thuộc nhằm phù hợp với diễn biến chỉ số CPI và các chỉ số kinh tế vĩ mô, xu hướng phát triển cũng như thông lệ quốc tế, góp phần giảm gánh nặng thuế cho người nộp thuế.
Báo cáo khảo sát mức sống dân cư năm 2023 của Tổng cục Thống kê (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho thấy, thu nhập bình quân đầu người/tháng của Việt Nam trong năm 2023 (theo giá hiện hành) là 4,96 triệu đồng và nhóm hộ có thu nhập cao nhất (nhóm gồm 20% dân số giàu nhất) có thu nhập bình quân là 10,86 triệu đồng/tháng/người. Căn cứ số liệu này, Bộ Tài chính nhấn mạnh, mức giảm trừ cho người nộp thuế hiện nay (11 triệu đồng/tháng) là bằng hơn 2,21 lần so với mức thu nhập bình quân đầu người (cao hơn nhiều so với mức phổ biến mà các nước đang áp dụng, chẳng hạn tỷ lệ này năm 2023 ở Malaysia là 0,16 lần, Indonesia là 0,68 lần, Trung Quốc là 0,67 lần), tương đương thu nhập bình quân của nhóm 20% dân số giàu nhất.
Tuy nhiên, cần tính toán kỹ lưỡng, tránh trường hợp mức giảm trừ “quá cao” sẽ đưa chính sách thuế thu nhập cá nhân trở lại “chính sách thuế đối với người có thu nhập cao” như giai đoạn trước đây.
Ngoài ra, Bộ Tài chính cũng đề xuất bổ sung phạm vi xác định các khoản đóng góp từ thiện, nhân đạo được giảm trừ; nghiên cứu bổ sung các khoản giảm trừ đặc thù khác; giao Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành để phù hợp với thực tiễn phát sinh.
Tham khảo kinh nghiệm quốc tế, các nước thường chia giảm trừ gia cảnh thành 3 nhóm: Giảm trừ chung cho cá nhân người nộp thuế; Các khoản giảm trừ cho người phụ thuộc, như giảm trừ cho con, cho vợ hoặc chồng, cho bố, mẹ;... Các khoản giảm trừ có tính chất đặc thù (ví dụ, giảm trừ cho chi phí y tế, giáo dục... ).
Đối với các khoản giảm trừ đặc thù, có quốc gia cho phép giảm trừ các khoản đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế... để khuyến khích người dân tham gia các dịch vụ này; có quốc gia cho phép giảm trừ các khoản chi phí về y tế, chi phí giáo dục của con; có quốc gia cho phép giảm trừ đối với các khoản lãi tiền vay mua nhà trả góp...
“Nhằm phát huy tốt vai trò, ý nghĩa của chính sách thuế thu nhập cá nhân trong việc điều tiết thu nhập nhưng có tính đến điều kiện, hoàn cảnh của người nộp thuế, cần thiết rà soát, nghiên cứu bổ sung các khoản giảm trừ đặc thù khác trước khi tính thuế cho cá nhân người nộp thuế.
Tuy nhiên, phạm vi các khoản chi được giảm trừ và mức độ được giảm trừ đối với các khoản chi cần phải được cân nhắc, tính toán phù hợp để vừa đạt được mục tiêu đề ra nhưng cũng không làm giảm vai trò của chính sách thuế thu nhập cá nhân dưới phương diện là một công cụ tiết thu nhập, thực hiện phân phối lại thu nhập trong nền kinh tế”, Bộ Tài chính lưu ý.