Thông tư của nhiều bộ trưởng còn 'thủ thuật', đánh đố nhau
Một vấn đề doanh nghiệp hỏi ý kiến vẫn phải chờ vài ba bộ trả lời. Chỉ cần một bộ kéo dài đến ba tháng là các khâu khác cùng phải chậm lại để… chờ.
Sáng 21-8, Tổ công tác của Thủ tướng làm việc với 14 bộ, ngành để kiểm tra, xem xét việc ban hành văn bản quy phạm pháp luật (VBQPPL) còn nợ đọng và cắt giảm thực chất điều kiện kinh doanh.
Phát biểu khai mạc, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng cho biết: Xây dựng thể chế, đôn đốc các bộ, cơ quan ban hành kịp thời VBQPPL là nhiệm vụ được Thủ tướng đặc biệt quan tâm trong nhiệm kỳ này và được thường xuyên đặt ra trong các phiên họp Chính phủ, họp chuyên đề.
Đây cũng là nội dung được Quốc hội liên tục đốc thúc, đề cập, gần nhất là phiên chất vấn Phó Thủ tướng, 15 bộ trưởng, trưởng ngành tại Ủy ban Thường vụ Quốc hội ngày 15-8 vừa qua.
Hiện nay, theo thống kê của VPCP còn 14 VPQPPL quy định chi tiết các luật, pháp lệnh đã có hiệu lực thi hành đang nợ. Trong đó có sáu văn bản nợ quá hạn đã lâu, thậm chí nợ tới tám tháng.
“Đây là những rào cản lớn cho việc thực thi pháp luật”, Bộ trưởng Dũng nói. Bộ trưởng cho hay ngày 1-1-2020 tới đây có 16 nghị định phải ban hành. Như vậy, chậm nhất 15-11 các bộ, ngành phải hoàn thành dự thảo các văn bản. Tiếp đó, thêm 12 nghị định sẽ có hiệu lực từ 1-7-2020. Khối lượng văn bản cần ban hành rất lớn, nếu không quyết liệt sẽ không thể hoàn thành.
Về việc cắt giảm thực chất điều kiện kinh doanh (ĐKKD), thủ tục kiểm tra chuyên ngành (KTCN) liên quan đến xuất nhập khẩu cũng được đề cập rất sâu. Bộ trưởng Mai Tiến Dũng nói các bộ, ngành đã làm rất tích cực, quyết liệt, cắt giảm được 3.100 ĐKKD, 6.700 thủ tục KTCN… tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp.
Tuy vậy, theo Bộ trưởng vẫn còn nhiều ý kiến nói cần xem xét thực chất các kết quả này. Có việc chuyển từ tiền kiểm sang hậu kiểm trước khi thông quan chứ không phải là xóa bỏ việc KTCN như Thủ tướng chỉ đạo. Cũng có ý kiến nhận định KTCN còn hình thức, việc sửa đổi các văn bản quy phạm pháp luật còn chậm.
“Có những văn bản, thông tư thuộc thẩm quyền của các Bộ trưởng còn nhiều vấn đề phải xem xét, như “thủ thuật” chuyển ĐKKD thành tiêu chuẩn, quy chuẩn đánh đố doanh nghiệp”, Bộ trưởng Dũng nhận xét.
Dẫn kết quả điều tra của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, Bộ trưởng Dũng nói vẫn còn hơn 300 văn bản quy định phạm vi rất rộng, rất khó cho việc tra cứu, áp dụng. Vẫn còn tình trạng một mặt hàng, sản phẩm chịu sự kiểm tra của nhiều đầu mối trong một bộ hoặc nhiều bộ. Nhiều hiệp hội doanh nghiệp cũng than là các bộ, ngành chưa tuân thủ chỉ đạo của Thủ tướng.
Bộ trưởng Dũng cũng không quên nhắc tới Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương và cho biết cơ quan này cũng “bất bình” khi thực tế việc cắt giảm ĐKKD mới chỉ là hình thức vì thủ tục thì giảm nhưng thời gian xử lý công việc không giảm.
“Một vấn đề doanh nghiệp hỏi ý kiến vẫn phải chờ vài ba bộ trả lời. Nếu các bộ trả lời đúng hạn nhưng chỉ cần một bộ kéo dài đến ba tháng là các khâu khác cùng phải chậm lại để… chờ”, Bộ trưởng nói và đề nghị Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương theo dõi kỹ tình trạng này.
Đại diện 14 bộ đang tiếp tục phát biểu, báo cáo thành tích về cắt giảm ĐKKD, thủ tục KTCN và quy ra số ngày công, số tiền tiết kiệm được cụ thể. Có bộ nói tiết kiệm được trên 3.300 tỉ đồng, có bộ thì chỉ tiết kiệm cho doanh nghiệp, người dân được gần 300 triệu đồng.