Thông xe cao tốc Bắc Giang - Lạng Sơn, rút ngắn thời gian chạy xe Hà Nội - Lạng Sơn 1,5 giờ
Chiều 29-9, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng cùng đại diện lãnh đạo UBND tỉnh Lạng Sơn và Tập đoàn Đèo Cả, nhà đầu tư dự án, đã phát lệnh thông xe kỹ thuật cao tốc Bắc Giang - Lạng Sơn, giúp ngắn thời gian chạy xe từ Hà Nội đi Lạng Sơn từ 3,5 giờ xuống 2 giờ.
Chiều 29-9, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng cùng lãnh đạo UBND tỉnh Lạng Sơn và Tập đoàn Đèo Cả - nhà đầu tư dự án, cùng lãnh một số bộ, ban, ngành Trung ương, đã phát lệnh thông xe kỹ thuật cao tốc Bắc Giang - Lạng Sơn đoạn Bắc Giang - Chi Lăng (cách TP Lạng Sơn 30 km) sau 2 năm thi công.
Đoạn tuyến thông xe có chiều dài gần 64 km, nối tiếp từ cao tốc Hà Nội - Bắc Giang đến huyện Chi Lăng (cách TP Lạng Sơn 30 km). Bề rộng làn đường 25 m, bao gồm 4 làn xe và 2 làn dừng khẩn cấp. Tốc độ thiết kế 100 km/h.
Dự án cao tốc Bắc Giang - Lạng Sơn do Công ty Cổ phần BOT Bắc Giang - Lạng Sơn (thuộcTập đoàn Đèo Cả) thực hiện, bao gồm 2 hợp phần: hợp phần QL1 (tăng cường mặt đường QL1 đoạn Km1+800 - Km106+500) với tổng chiều dài khoảng 110 km; hợp phần cao tốc (tuyến cao tốc Bắc Giang - TP. Lạng Sơn đoạn Km45+100 - Km108+500) với tổng mức đầu tư toàn dự án 12.189 tỉ đồng.
Trạm thu phí được đặt tại nút giao 279 qua xã Quang Lang, huyện Chi Lăng. Dự kiến, tuyến cao tốc được thu phí trong 17 năm (2020-2037). Mức phí thấp nhất dự kiến là 2.000 đồng/km với xe từ 9 chỗ ngồi trở xuống và cao nhất là 7.200 đồng/km với các xe tải trọng lớn.
Dự kiến, 64 km của tuyến cao tốc này sẽ được chính thức đưa vào khai thác vào đầu năm 2020. Khi đó thời gian di chuyển từ Hà Nội đến Lạng Sơn sẽ rút ngắn từ 3,5 giờ hiện nay xuống còn khoảng 2 giờ.
Phát biểu tại lễ thông xe kỹ thuật, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng biểu dương, đánh giá cao chủ đầu tư - Tập đoàn Đèo Cả, sau hơn 2 năm thực hiện dự án đã hoàn thành đoạn tuyến Bắc Giang - Chi Lăng dài 63 km. Phó Thủ tướng cũng gửi lời biểu dương của Chính phủ đến UBND tỉnh Lạng Sơn, cơ quan nhà nước có thẩm quyền của dự án. Chỉ trong 6 tháng sau khi dự án được triển khai, tỉnh này đã đã bàn giao mặt bằng cho chủ đầu tư được 80%; sau 9 tháng, cơ bản bàn giao xong mặt bằng. Đây là điều kiện cơ bản để chủ đầu tư đưa dự án sớm về đích, vượt tiến độ 3 tháng.
Phó Thủ tướng cho biết Chính phủ đang tái cấu trúc nền kinh tế, trong đó đột phá hạ tầng giao thông, nhất là đường cao tốc là nhân tố rất quan trọng. Theo Phó Thủ tướng, dự án cao tốc Bắc Giang - Lạng Sơn là tuyến đường quan trọng, là một trong những cửa ngõ giao thương đường bộ giữa Việt Nam và các nước trong khu vực, Phó thủ tướng khẳng định, trong tương lai gần, việc hoàn thiện thêm cao tốc Chi Lăng - Hữu Nghị dài 30 km sẽ kết nối toàn tuyến cao tốc Hà Nội - Lạng Sơn. Khi đưa vào khai thác, tuyến đường này sẽ rút ngắn thời gian di chuyển, giảm ùn tắc, thúc đẩy phát triển sản xuất, du lịch phía Đông Bắc.
Ông Hồ Minh Hoàng, Chủ tịch Tập đoàn Đèo Cả, vui mừng khi đoạn tuyến Bắc Giang - Lạng Sơn hoàn thành sớm, chỉ sau hơn 2 năm từ khi Tập đoàn này tham gia dự án. Theo ông, đây là cao tốc đầu tiên ở Việt Nam có thể hoàn thành trước 5 năm thi công.
Với kết quả này, ông Hoàng cho rằng dự án Bắc Giang - Chi Lăng là minh chứng cho thấy doanh nghiệp trong nước hoàn toàn có thể làm cao tốc nhanh, chất lượng, trong bối cảnh cao tốc Bắc - Nam phía Đông vừa được Bộ Giao thông vận tải hủy hồ sơ mời thầu quốc tế. "Đây cũng là minh chứng để người dân, chính quyền tin tưởng vào doanh nghiệp trong nước thực hiện được những công trình hạ tầng trọng điểm quốc gia"- ông Hồ Minh Hoàng nói.
Chủ tịch Tập đoàn Đèo Cả cũng nhấn mạnh để hoàn thành cao tốc Bắc Giang - Lạng Sơn, cần tiếp tục hoàn thành nốt thành phần hai của dự án, đoạn Chi Lăng - Hữu Nghị, dài 43 km. Hiện, đoạn tuyến này đang gặp khó do chưa tiếp cận được vốn tín dụng. Vì vậy ông Hồ MInh Hoàng đề nghị Ngân hàng Nhà nước, lãnh đạo Chính phủ quan tâm, tạo điều kiện để nhà đầu tư tiếp tục hoàn thành đoạn tuyến còn lại của dự án.