Thông xe cầu Thịnh Long, mở ra tương lai phát triển cho Nam Định
Sau 27 tháng thi công, dự án cầu Thịnh Long thuộc tuyến đường bộ ven biển tỉnh Nam Định đã hoàn thành đảm bảo chất lượng và tiến độ theo hợp đồng.
Vượt mọi thách thức
Sáng 28/5, Bộ GTVT phối hợp với UBND tỉnh Nam Định tổ chức Lễ Thông xe công trình cầu Thịnh Long thuộc tuyến đường bộ ven biển tỉnh Nam Định. Sau 27 tháng thi công, dự án đầu tư xây dựng công trình cầu Thịnh Long thuộc tuyến đường bộ ven biển tỉnh Nam Định đã hoàn thành đảm bảo chất lượng và tiến độ theo hợp đồng.
Có được thành quả này là nhờ sự chỉ đạo quyết liệt của lãnh đạo Bộ GTVT, sự nỗ lực phấn đấu của toàn thể các đơn vị gồm Ban QLDA Thăng Long, Tư vấn, Nhà thầu thi công cũng như sự ủng hộ, giúp đỡ nhiệt tình của các cấp ủy, chính quyền, nhân dân địa phương, dự án đầu tư xây dựng công trình cầu Thịnh Long thuộc.
Phát biểu tại Lễ thông xe, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Ngọc Đông cho biết, quá trình thi công gặp nhiều khó khăn do phải đảm bảo giao thông trên tuyến đường thủy huyết mạch Ninh Cơ, nền địa chất phức tạp, chịu tác động lớn của mưa lũ nhưng vẫn đưa công trình hoàn thành đúng tiến độ, chất lượng, quy chuẩn với công nghệ kỹ thuật tiên tiến. Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông cũng biểu dương sự nỗ lực, chủ động của Ban QLDA Thăng Long, đơn vị tư vấn, thi công đã vượt qua mọi khó khăn, thách thức để hoàn thành công trình đảm bảo chất lượng và tiến độ.
“Cầu Thịnh Long hoàn thành, đưa vào khai thác không chỉ là niềm vui của chính quyền, nhân dân tỉnh Nam Định mà còn là niềm vui, tự hào của tập thể cán bộ, người lao động ngành GTVT nói chung”, Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông bày tỏ.
Để công trình cầu Thịnh Long đưa vào khai thác hiệu quả, Bộ GTVT yêu cầu các cơ quan quản lý, khai thác và các đơn vị liên quan phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương và các cơ quan chức năng thực hiện tốt công tác tổ chức giao thông, quản lý duy tu, sửa chữa thường xuyên, khai thác hiệu quả công trình, bảo đảm ATGT đường bộ, đường thủy và vệ sinh môi trường.
Có mặt từ rất sớm với niềm háo hức chứng kiến cầu Thịnh Long chính thức thông xe, cụ Phan Thanh Hải (xã Hải Hòa, huyện Hải Hậu, tỉnh Nam Định) vui mừng bày tỏ: “Đây là công trình từ trước tới nay chưa bao giờ có tại địa phương và là niềm tự hào, phấn khởi của nhân dân, làm ‘thay da đổi thịt’ cho quê hương chúng tôi”.
Chung niềm hân hoan với cụ Hải, cụ Phạm Thất (xã Hải Hòa, huyện Hải Hậu, tỉnh Nam Định) cho biết, trước đây, giao thông kết nối giũa hai huyện Hải Hậu và Nghĩa Hưng chủ yếu bằng phà, việc đi lại của người dân rất khó khăn, mất nhiều thời gian chờ đợi. Thời gian đi lại bằng phà nhanh thì mất 15 phút, lâu thì có thể là 45 phút, thậm chí là cả tiếng đồng hồ chờ đợi.
“Giờ có cầu, chúng tôi không phải đi phà nữa, đi lên thành phố Nam Định rút ngắn khoảng 20km. Cây cầu này quả thực là đúng theo nguyện vọng của nhân dân chúng tôi”, cụ Phạm Thất bày tỏ.
Video: Chính thức thông xe cầu Thịnh Long thuộc tuyến đường bộ ven biển tỉnh Nam Định
Mở ra tương lai phát triển
Dự án được khởi công từ tháng 1/2018 với tổng mức đầu tư là 1.158.102 triệu đồng, sử dụng nguồn vốn ngân sách nhà nước cấp từ vốn vay của Quỹ Hợp tác phát triển kinh tế Hàn Quốc (EDCF) và vốn đối ứng trong nước của Chính phủ Việt Nam, chi phí giải phóng mặt bằng (GPMB) được thực hiện bằng nguồn ngân sách của địa phương.
Mục tiêu chính của dự án là kết nối Quốc lộ 21 với Tỉnh lộ 490C, rút ngắn thời gian, chi phí đi lại; kết nối các khu công nghiệp trong vùng; hoàn thiện mạng lưới giao thông đường bộ, đặc biệt mạng lưới đường bộ ven biển. Hoàn thiện hệ thống giao thông khu vực kinh tế trọng điểm của miền Bắc, tạo động lực phát triển kinh tế cho khu vực theo quy hoạch phát triển giao thông quốc gia.
Việc đưa công trình vào khai thác sử dụng có ý nghĩa vô cùng quan trọng đối với tỉnh Nam Định; tăng hiệu quả kết nối Quốc lộ 21 với Dự án xây dựng tuyến đường trục phát triển nối khu kinh tế Ninh Cơ với đường cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình đoạn từ cầu Thịnh Long đến khu công nghiệp Rạng Đông do UBND tỉnh Nam Định làm chủ đầu tư. Dự án cũng góp phần giảm tải lưu lượng giao thông cho Quốc lộ 21, nâng cao hiệu quả khai thác cho các phương tiện, đáp ứng nhu cầu đi lại của nhân dân, kết nối các khu kinh tế, khu công nghiệp, dịch vụ nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế và du lịch, tăng sức hút đầu tư đối với các nhà đầu tư trong nước và nước ngoài.
Phát biểu tại buổi lễ, ông Phạm Đình Nghị - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Nam Định chia sẻ, cầu Thịnh Long đi vào khai thác, sử dụng có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, không chỉ tăng cường khả năng kết nối giao thông trong nội tỉnh, mà còn kết nối hệ thống giao thông huyết mạch của khu vực và quốc gia; mở ra nhiều cơ hội cho phát triển công nghiệp, thương mại, du lịch, dịch vụ khu vực kinh tế biển của tỉnh Nam Định, cũng như khu vực ven biển của đồng bằng Bắc Bộ, đồng thời tăng cường khả nâng đảm bảo quốc phòng, an ninh.
Việc hoàn thành và đưa vào khai thác cầu Thịnh Long không chỉ là niềm vui chung của cấp ủy Đảng, chính quyền, nhân dân tỉnh Nam Định mà còn là niềm vui lớn, niềm tự hào của tập thể cán bộ, công nhân viên, người lao động ngành cầu đường nói riêng và ngành GTVT nói chung. Đồng thời, việc hoàn thành cầu Thịnh Long còn mang ý nghĩa to lớn để chào mừng Đại hội Đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, cũng như minh chứng cho sự hợp tác hiệu quả, toàn diện trong lĩnh vực GTVT và hình hữu nghị sâu sắc giữa Chính phủ và Nhân dân hai nước Việt Nam và Hàn Quốc.
Một số hình ảnh tại Lễ thông xe:
Dự án đầu tư xây dựng công trình cầu Thịnh Long thuộc tuyến đường bộ ven biển tỉnh Nam Định.
Chủ đầu tư là Bộ GTVT; Ban Quản lý dự án Thăng Long là đại diện thực hiện tổ chức và quản lý dự án.
Đơn vị tổ chức Tư vấn lập dự án là Công ty Cổ phần Tư vấn Thiết kế đường bộ (HECO). Đơn vị tổ chức Tư vấn thiết kế kỹ thuật và Giám sát thi công là Liên danh Tư vấn Hàn Quốc Sambo Engineering Co.,Ltd & Jinwoo Engineering Korea Co.,Ltd. Nhà thầu thi công là Liên danh Hanshin Engineering & Construction Co.,Ltd - Công ty Cổ phần cầu đường Long Biên.
Về quy mô dự án, phần đường là đường cấp III đồng bằng TCVN 4054-2005, Vtk=80km/h, tần suất thủy văn thiết kế p=4%; Bnền=12m, Bmặt=11m; Eyc ≥140Mpa. Chiều dài phần đường dẫn là 1,37km.
Phần cầu được bố trí bao gồm 19 nhịp; chiều dài toàn cầu Ltc=988,47m (bao gồm cả 20m tường chắn và 24,5m cống chui kết hợp cống thoát nước sau mố); Bcầu=12m bao gồm: 2 làn xe cơ giới Bcg=2x3,5m=7,0m; Làn thô sơ Blềgc 2x2,0=4m; Lan can cầu Blc=2x0,5m=1,0m.