Thu 100 đồng chỉ lãi có 5 đồng, 3 loại thuế 'ăn mòn' lợi nhuận của Sao Ta
Dù doanh thu quý II tăng hơn 50% nhờ hoạt động nuôi tôm hiệu quả và đẩy mạnh tiêu thụ, CTCP Thực phẩm Sao Ta (mã: FMC) vẫn đối mặt áp lực lớn từ chi phí tăng vọt. Đáng chú ý, ba loại thuế gồm thuế chống bán phá giá, thuế chống trợ cấp và thuế đối ứng từ Mỹ - thị trường xuất khẩu chủ lực - đã khiến chi phí bán hàng tăng tới 83%, bào mòn đáng kể biên lợi nhuận.
CTCP Thực phẩm Sao Ta (Fimex, mã: FMC) vừa công bố BCTC hợp nhất quý II/2025 với doanh thu thuần 1.876 tỷ đồng, tăng 51% so với cùng kỳ năm trước. Tuy vậy, biên lãi gộp Công ty giảm từ mức 11,3% xuống còn 10,5%.
Doanh thu hoạt động tài chính của Sao Ta tăng đáng kể nhờ lãi tiền gửi ngân hàng và lãi chênh lệch tỷ giá. Tuy vậy, các chi phí bán hàng tăng đến 83% lên mức 106 tỷ đồng đã bào mòn lợi nhuận doanh nghiệp trong quý II năm nay. Đặc biệt là chi phí thuế chống bán phá giá tăng 3 lần lên 40 tỷ, phát sinh thêm 17 tỷ thuế chống trợ cấp và lần đầu tiên chịu 27 tỷ thuế đối ứng, khi Mỹ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của đơn vị này
Theo thông tin từHiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản (Vasep), từ tháng 4, chính quyền Tổng thống Donald Trump áp thuế đối ứng 10% đối với hàng nhập khẩu từ hầu hết các nước. Đến tháng 7, mức thuế với Việt Nam được công bố là 20% (chính thức áp dụng từ 1/8). Cùng với đó là các nguy cơ từ thuế chống bán phá giá (AD) sơ bộ lên tới hơn 35% và thuế chống trợ cấp (CVD) cuối năm nay.
"Ba 'lưỡi kiếm thuế quan' đồng loạt treo lơ lửng khiến nhiều nhà nhập khẩu Mỹ dè chừng, trong khi doanh nghiệp Việt Nam cũng gặp khó khi định giá, lập kế hoạch sản xuất – giao hàng", Vasep đánh giá.
Các chi phí này khiến lợi nhuận của Sao Ta bị thu hẹp, xuống còn 102 tỷ đồng (tương đương biên lãi ròng khoảng 5,4%), tăng 23% so với quý II/2024. Theo giải trình từ doanh nghiệp, thành tích kinh doanh khả quan trong quý II chủ yếu nhờ việc đẩy mạnh doanh số bán hàng cũng như hoạt động nuôi tôm hiệu quả.

Nguồn: BCTC hợp nhất quý II của Sao Ta.
Dù vậy, biên lãi 5% trong quý II đã được cải thiện đáng kể so với con số 2% trong quý I trước đó.

Lũy kế 6 tháng, Sao Ta đã đạt 3.867 tỷ đồng doanh thu thuần, thực hiện được 59% kế hoạch đề ra cả năm. Tuy nhiên, lợi nhuận trước thuế của hãng mới chỉ ghi nhận 139 tỷ đồng, thực hiện được 33% kế hoạch.
Trong một diễn biến khác, hồi đầu tháng 7 mới đây, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã đăng trên mạng xã hội Truth Social thông báo rằng ông đã được thỏa thuận thương mại với Việt Nam. “Tôi vừa đạt được một thỏa thuận thương mại với Việt Nam. Các chi tiết sẽ được cung cấp sau!”, ông Trump viết.
Một trong những vấn đề được Mỹ quan tâm trong quá trình đàm phán là quy tắc xuất xứ hàng hóa và tỷ lệ nội địa hóa các sản phẩm được xuất sang Mỹ.
Với ngành thủy sản, một trong những mặt hàng có tỷ trọng xuất sang Mỹ lớn, nhiều doanh nghiệp và chuyên gia trong ngành cho biết thủy sản Việt Nam hoàn toàn tự tin về việc đảm bảo nguồn gốc nội địa.
Chia sẻ với phóng viên, ông Hồ Quốc Lực Chủ tịch HĐQT CTCP Thực phẩm Sao Ta (Mã: FMC), nguyên Chủ tịch Vasep, cho biết tỷ lệ nội địa hóa thủy sản Việt Nam gần như tuyệt đối.
Các doanh nghiệp chế biến có chuỗi cung ứng khép kín từ nuôi trồng đến chế biến phục vụ cho xuất khẩu là hoàn toàn trong nước. Chỉ có một phần trong chuỗi cung ứng này phải nhập khẩu từ nước ngoài là một số nguyên liệu để sản xuất thức ăn nuôi thủy sản và một lượng nhất định con giống tôm.
Ông nói thêm hiện chưa rõ mức thuế cụ thể với thủy sản nói chung và mặt hàng tôm nói riêng là bao nhiêu nên chưa thể đánh giá giá được tác động.
"Hiện chưa rõ cách thức Mỹ xác định hàng xuất xứ từ Việt Nam thế nào vì liên quan đến nhiều cấu phần để tạo ra một sản phẩm. Nhưng riêng con tôm tỷ lệ nội địa cực kỳ cao. Quá trình nuôi tôm đến chế biến đều từ Việt Nam. Chỉ có một phần nguyên liệu thức ăn và lượng nhỏ con giống nhập khẩu", ông Lực cho biết.
Theo số liệu từ Vasep, trong nửa đầu năm 2025, xuất khẩu tôm của Việt Nam đạt hơn 2 tỷ USD, tăng 27% so với cùng kỳ năm 2024. Trong đó, tôm chân trắng chiếm tỷ trọng cao nhất với 62,1%, tiếp theo là tôm loại khác (27,4%) và tôm sú (10,5%). Đáng chú ý, tôm loại khác ghi nhận mức tăng trưởng ngoạn mục tới 124%.
Về thị trường, Trung Quốc (bao gồm cả Hồng Kông) đã vươn lên vị trí số 1 với kim ngạch đạt gần 595 triệu USD, tăng mạnh 81% so với cùng kỳ. Sự phục hồi tiêu dùng, nhu cầu cao dịp hè và nhu cầu cao đối với tôm hùm từ Việt Nam tiếp tục giúp Trung Quốc trở thành thị trường bứt phá nhất.
Ngược lại, thị trường Mỹ – từng là đầu tàu xuất khẩu của tôm Việt – lại có dấu hiệu suy giảm rõ rệt. Dù tổng kim ngạch 6 tháng đạt 341 triệu USD, tăng 13% so với cùng kỳ, nhưng diễn biến theo tháng cho thấy xu hướng thiếu khả quan: tháng 5 tăng vọt (+66%) do doanh nghiệp tranh thủ xuất hàng trước khi áp thuế, thì sang tháng 6 giảm mạnh 37%.
"Các yếu tố thuế quan đã khiến thị trường Mỹ trở nên bất ổn, khó dự đoán. Nhập khẩu tôm của Mỹ tuy vẫn tăng trong 5 tháng đầu năm (+24% về giá trị), nhưng rõ ràng đây là kết quả của việc các doanh nghiệp "chạy đơn" trước ngày thuế có hiệu lực, không phải là tăng trưởng bền vững", Vasep cho hay.