Thu 300 tỷ bồi thường đất, Cao su Phước Hòa báo lãi quý II tăng gấp 5,2 lần
Cao su Phước Hòa báo lãi quý II/2020 tăng gấp 5,2 lần nhờ tăng cho thuê đất, tăng lãi tiền gửi và khoản tiền 300 tỷ đồng bồi thường đất tại KCN Nam Tân Uyên.
Công ty Cổ phần Cao su Phước Hòa (HoSE: PHR) vừa công bố báo cáo tài chính hợp nhất quý II/2020 với doanh thu thuần đạt 274,5 tỷ đồng, không thay đổi nhiều so với cùng kỳ năm trước. Tuy vậy, giá vốn hàng bán trong kỳ chỉ là 186,4 tỷ đồng, giảm 27% so với cùng kỳ năm trước giúp lãi gộp PHR tăng gần 4 lần lên 88,15 tỷ đồng.
Doanh thu tài chính trong kỳ của PHR ghi nhận đạt 29,8 tỷ đồng, tăng 1,4 tỷ đồng so với cùng kỳ năm trước, chủ yếu đến từ lãi tiền gửi ngân hàng. Tính tới cuối quý II, PHR có 1.831 tỷ đồng tiền và các khoản tương đương (bao gồm tiền gửi có kỳ hạn), chiếm 31% tổng tài sản công ty.
Trong kỳ, hoạt động liên doanh liên kết mang về cho công ty 18,4 tỷ đồng, chủ yếu đến từ lợi nhuận CTCP Khu công nghiệp Nam Tân Uyên (NTC). Bên cạnh đó, PHR thu về 314 tỷ đồng lợi nhuận khác trong quý II, gấp 7,5 lần cùng kỳ năm trước chủ yếu nhờ ghi nhận khoản tiền đền bù đất cho dự án KCN Nam Tân Uyên với số tiền 300 tỷ đồng.
Tổng chi phí bán hàng và quản lý doanh nghiệp trong kỳ chiếm 18,5 tỷ đồng, không thay đổi nhiều so với cùng kỳ năm trước. Kết quả, PHR ghi nhận 344,6 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế trong quý II/2020, gấp 5,2 lần cùng kỳ năm trước.
Công ty lý giải sự tăng trưởng này là do lợi nhuận cốt lõi cho thuê đất khu công nghiệp tăng lên, lãi tiền gửi ngân hàng tăng và khoản tiền đền bù đất cho dự án KCN Nam Tân Uyên mở rộng số tiền 300 tỷ đồng.
Lũy kế 6 tháng đầu năm, công ty ghi nhận doanh thu thuần giảm 13% xuống 495 tỷ đồng, trong đó, doanh thu cho thuê đất khu công nghiệp vẫn tăng 52% lên 114 tỷ đồng. Cộng thêm khoản lợi nhuận khác đột biến, Phước Hòa có lãi 556 tỷ đồng, gấp hơn 3 lần cùng kỳ.
Kết thúc quý II, tổng tài sản PHR đạt 5.938 tỷ đồng, thay đổi không đáng kể trong nửa đầu năm. Trong đó, các khoản tăng đột biến trong kỳ gồm đầu tư tiền gửi có kỳ hạn (tăng 40% lên 1.719 tỷ đồng) và tài sản cố định hữu hình (tăng 26% đạt 1.794 tỷ đồng). Ngược lại, chi phí xây dựng dở dang dài hạn giảm mạnh 45% còn 493 tỷ đồng, tập trung tại vườn cây kiến thiết cơ bản ở Việt Nam.
Hiện, PHR còn 1.576 tỷ đồng doanh thu chưa thực hiện từ cho thuê KCN Tân Bình tại tỉnh Bình Dương. Khoản doanh thu này sẽ được phân bổ dần vào kết quả kinh doanh của các năm tiếp theo căn cứ vào thời gian thuê đất còn lại mà khách hàng đã trả tiền trước.
Theo tài liệu ĐHĐCĐ của PHR, dự án KCN Tân Bình đã cho thuê được 83%, tương đương 203 ha, còn khoảng 30 ha vướng đất dân sẽ cho thuê khi thực hiện xong đền bù. Việc mở rộng giai đoạn hai sẽ được bổ sung vào phát triển KCN tỉnh Bình Dương giai đoạn 2021 - 2025.
Trong dài hạn, PHR dự kiến chuyển đổi 10.000 ha đất để phát triển sang các lĩnh vực khác như phát triển công nghiệp - đô thị - dịch vụ (6.000 ha); đầu tư cho nông nghiệp công nghệ cao (2.500 ha); và khoảng 1.500 ha bàn giao địa phương sử dụng đầu tư phát triển kinh tế xã hội.