Thu Bồn, dòng sông qua miền di sản

Thu Bồn là một dòng sông mang nhiều huyền thoại dân gian và chứng tích hào hùng chảy qua các miền di sản của Quảng Nam.

Sông Thu Bồn có lưu vực rộng lớn nhất tỉnh Quảng Nam với diện tích trên 10.000 km², có tiềm năng thủy điện lớn thứ 4 cả nước và là một dòng sông mang nhiều huyền thoại dân gian và chứng tích hào hùng chảy qua các miền di sản của Quảng Nam.

Đầu nguồn sông Thu Bồn chỉ là dòng suối mang một cái tên nghe rất là “đồng bào” đó là “Dak Di”, khi qua địa bàn Tiên Phước, Hiệp Đức, suối đã thành sông, với cái tên rất chi là dân dã: “Sông Tranh”.

Thu Bồn: Dòng sông “thi ca” (Điện Hồng, Điện Bàn).

Thu Bồn: Dòng sông “thi ca” (Điện Hồng, Điện Bàn).

Vòng vèo qua bao cánh rừng, ngọn đồi, ghềnh đá cheo leo… mang phù sa bồi đắp cho vùng Quế Sơn, Đại Lộc, Duy Xuyên… Tại đây, Thu Bồn hội ngộ cùng sông Vu Gia, trải phù sa ra khắp vùng đất Điện Bàn theo hai hướng: Hướng Bắc vẫn là hướng chính với tên Thu Bồn (có nơi còn gọi là sông Chợ Củi), hướng Nam nhánh nhỏ hơn là sông Bà Rén.

Gần đến biển, Thu Bồn và Bà Rén gặp lại nhau để hòa với dòng Trường Giang chảy qua phố cổ Hội An rồi đổ ra biển Cửa Đại, với chiều dài gần 100 km.

Bến đò Trung Phước.

Bến đò Trung Phước.

Trong suốt hành trình đi bằng thuyền máy trên sông Thu Bồn, ta mới thấy hết cái kỳ thú, dòng sông xuyên qua nhiều làng quê nổi tiếng với nghề trồng dâu nuôi tằm, ươm tơ dệt lụa, với những nà bắp, biển dâu trù phú, xanh ngát một màu, những hàng tre rủ bóng;

Ngày trước có những xóm vạn đò tỏa khói, hư ảo trên sông; những bến đò tấp nập khách “thương hồ”, những tiếng vọng gọi đò ơi ới, những danh thắng nổi tiếng như Hòn Kẽm Đá Dừng, mỏ than Nông Sơn, làng nghề trồng cây trái Đại Bình, làng nghề trầm cảnh Trung Phước, làng nghề gốm La Tháp, An Hòa; làng nghề khai thác dầu rái Phương Trạnh, rải rác các làng nghề đánh cá ven sông…

Món đặc sản mì Quảng cá mòi sông bên bờ sông Thu Bồn.

Món đặc sản mì Quảng cá mòi sông bên bờ sông Thu Bồn.

Trên suốt hành trình dòng sông còn chứa bao dấu tích về sự phồn thịnh của nền văn minh gắn với con đường giao thương sầm uất này. Tại quãng sông thuộc Khu Tây Duy Xuyên nơi gắn với Thánh địa Mỹ Sơn, là nơi hợp lưu của các nhánh sông như Vu Gia, Quảng Huế…

Còn nhớ, năm 2009, Cù Lao Chàm chính thức được UNESCO công nhận là khu dự trữ sinh quyển duy nhất hiện nay gắn giữa thiên nhiên với phạm vi Khu dự trữ sinh quyển rộng gần 40.000 ha, trong đó có vùng nước ngập mặn của lưu vực sông Cửa Đại (Hội An).

Thánh địa Mỹ Sơn.

Thánh địa Mỹ Sơn.

Lễ hội Bà Thu Bồn trên bến sông Thu Bồn.

Lễ hội Bà Thu Bồn trên bến sông Thu Bồn.

Phố cổ Hội An.

Phố cổ Hội An.

Như vậy, sông Thu Bồn được xem là “dòng sông di sản”, duy nhất trên đất nước ta xuyên qua 3 giá trị tầm cỡ quốc tế, đó là Thánh địa Mỹ Sơn - Phố cổ Hội An – Cù Lao Chàm (Khu sinh quyển rừng ngập mặn Cửa Đại).

Tiên Sa

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/thu-bon-dong-song-qua-mien-di-san-post612820.html