Thu, chi ngân sách nhà nước bị tác động mạnh bởi đại dịch COVID-19

Chiều 20/10, tiếp tục chương trình làm việc, Quốc hội đã nghe đại diện Chính phủ trình bày Báo cáo tình hình thực hiện ngân sách nhà nước (NSNN) năm 2020, dự toán NSNN và phương án phân bổ ngân sách trung ương năm 2021; tình hình thực hiện kế hoạch tài chính 5 năm quốc gia 2016-2020 và định hướng kế hoạch tài chính 5 năm quốc gia 2021-2025. Ngay sau đó, Ủy ban Tài chính – Ngân sách (TCNS) của Quốc hội đã có Báo cáo Thẩm tra về Báo cáo này của Chính phủ.

Tăng cường quản lý thu, phân bổ, sử dụng NSNN

Trình bày Báo cáo Thẩm tra về Báo cáo của Chính phủ, ông Nguyễn Đức Hải – Chủ nhiệm Ủy ban TCNS của Quốc hội cho biết, trong bối cảnh tình hình kinh tế - xã hội năm 2020 gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng nghiêm trọng của đại dịch COVID-19… Song, với sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, sự cố gắng, nỗ lực của các bộ, ngành, địa phương và của cộng đồng doanh nghiệp… đã tích cực thực hiện nhiều giải pháp tăng cường quản lý thu, phân bổ, sử dụng NSNN chặt chẽ, tiết kiệm, hiệu quả, bảo đảm nguồn lực để thực hiện các nhiệm vụ cấp thiết... góp phần quan trọng trong khống chế, kiểm soát dịch bệnh, từng bước phục hồi và phát triển các hoạt động kinh tế - xã hội, bảo đảm đời sống nhân dân, duy trì ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế.

 Quang cảnh ngày làm việc đầu tiên của Kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIV.

Quang cảnh ngày làm việc đầu tiên của Kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIV.

Theo ông Nguyễn Đức Hải, Ủy ban TCNS cơ bản thống nhất với các báo cáo của Chính phủ về NSNN và nhấn mạnh một số vấn đề cơ bản như sau:

Thứ nhất, về đánh giá tình hình thu NSNN: Dự ước cả năm thu NSNN đạt 1.323,1 nghìn tỷ đồng, hụt 189,2 nghìn tỷ đồng (giảm 12,5%) so với dự toán… Ủy ban TCNS đề nghị Chính phủ đánh giá sát hơn khả năng thu NSNN, nhất là thu tiền bán cổ phần nhà nước, thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp và các tổ chức kinh tế, thu từ dầu thô để có giải pháp điều hành NSNN phù hợp, tiếp tục chỉ đạo thực hiện quyết liệt các giải pháp để phấn đâúthu NSNN đạt mức cao nhất trong những tháng còn lại của năm 2020.

Thứ 2, về chi NSNN: Ước thực hiện tổng chi NSNN năm 2020 là 1.686,2 nghìn tỷ đồng, giảm 60,89 nghìn tỷ đồng (giảm 3,5%) so với dự toán. Trong bối cảnh đại dịch COVID-19, thu NSNN khó khăn, Chính phủ đã chỉ đạo thực hiện cắt giảm các khoản chi chưa thực sự cần thiết, điều hành chi NSNN chặt chẽ, tiết kiệm trong phạm vi dự toán được Quốc hội quyết định, tăng cường kỷ luật tài chính, tập trung nguồn lực đảm bảo cho công tác phòng, chống dịch COVID-19, hỗ trợ người dân, doanh nghiệp gặp khó khăn, khắc phục kịp thời hậu quả bão lũ, thiên tai, dịch bệnh và các nhiệm vụ chi quan trọng, cấp bách, đột xuất phát sinh, góp phần duy trì và phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh.

Thứ 3, về bội chi và cân đối NSNN: Bội chi NSNN năm 2020 ước khoảng 4,99% GDP, tăng 1,55% so với dự toán. Ủy ban TCNS cho rằng, do ảnh hưởng của dịch COVID-19, các nguồn thu ngân sách giảm mạnh, nhưng nhiệm vụ chi ngân sách vẫn cần được bảo đảm, dẫn đến việc cân đối ngân sách không đạt được dự toán Quốc hội giao. Vì vậy, mức bội chi tăng cao hơn là hợp lý. Tuy nhiên, nhiều khả năng bội chi NSNN sẽ tăng thêm 38,5 nghìn tỷ đồng do không thu được tiền bán vốn nhà nước tại doanh nghiệp, dẫn đến bội chi NSNN vượt dự toán cao (khoảng 357,96 nghìn tỷ đồng), bằng 5,59% GDP.

Đề nghị chấp thuận bổ sung dự toán thu, chi ngân sách

Về một số vấn đề phát sinh trong điều hành NSNN năm 2020, ông Nguyễn Đức Hải cho biết: Tại phiên họp thứ 47, 48, 49, Ủy ban TVQH đã nhất trí đề nghị Quốc hội bổ sung dự toán thu, chi NSNN năm 2020 theo các Tờ trình của Chính phủ. Ủy ban TCNS thống nhất đề nghị Quốc hội chấp thuận bổ sung dự toán thu, chi ngân sách và một số vấn đề phát sinh trong điều hành NSNN năm 2020 vì đây là các khoản thu, chi NSNN phát sinh, cần thiết và phù hợp với yêu cầu nhiệm vụ đặt ra, cụ thể:

Thứ nhất: Điều chỉnh tăng bội chi NSNN năm 2020 để bảo đảm nguồn đáp ứng nhiệm vụ chi của NSNN trong trường hợp NSTW bị hụt thu so với dự toán do bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh COVID-19, nhưng theo nguyên tắc chỉ tăng bội chi cho đầu tư phát triển và chỉ huy động vay bù đắp bội chi theo khả năng thực tế giải ngân của năm 2020. Trường hợp thu ngân sách địa phương giảm so với dự toán, các địa phương phải chủ động sử dụng nguồn lực hợp pháp, bao gồm cả nguồn CCTL còn dư để xử lý cân đối NSĐP, thực hiện việc cắt giảm, giãn các nhiệm vụ chi năm 2020 sang năm 2021.

Thứ 2: Bổ sung dự toán thu, chi NSTW một số khoản: 26.142,81 tỷ đồng từ Quỹ hỗ trợ sắp xếp và phát triển doanh nghiệp và nguồn tài chính hợp pháp khác để thực hiện một số nhiệm vụ cần thiết phát sinh; dự toán chi hành chính sự nghiệp (vốn nước ngoài) cho Kiểm toán Nhà nước 6,64 tỷ đồng; dự toán thu NSNN 533,647 tỷ đồng, dự toán chi NSNN 440,424 tỷ đồng để thực hiện 3 dự án của Bộ Công an; dự toán vay nước ngoài 50,547 tỷ đồng và bổ sung vốn viện trợ không hoàn lại 76,296 tỷ đồng của Chính phủ Ailen cho các xã đặc biệt khó khăn thuộc Chương trình 135.

Thứ 3: Cho phép sử dụng 3.233 tỷ đồng để thực hiện chính sách phát triển thủy sản tiếp tục chuyển nguồn để sử dụng đến hết năm 2021 và cho phép các khoản chi của doanh nghiệp, tổ chức để ủng hộ, tài trợ cho hoạt động phòng, chống đại dịch COVID-19 được tính vào chi phí được trừ khi tính thuế TNDN, áp dụng từ kỳ tính thuế TNDN năm 2020.

Về dự toán NSNN năm 2021: Chính phủ dự kiến tổng thu NSNN là 1.343,33 nghìn tỷ đồng, tổng chi NSNN là 1.687 nghìn tỷ đồng, bội chi NSNN là 343,67 nghìn tỷ đồng. Do thay đổi chỉ tiêu kinh tế tổng hợp GDP điều chỉnh để xây dựng dự toán NSNN năm 2021; GDP điều chỉnh dự kiến tăng 25,4%, theo đó, điều chỉnh giảm tỷ lệ các chỉ tiêu về thu, chi NSNN, bội chi, nợ công trên GDP từ năm 2021 trở đi. Như vậy, về số tương đối sẽ giảm so với hiện hành nhưng số tuyệt đối vẫn tăng lên. Ủy ban TCNS cơ bản thống nhất với các chỉ tiêu tổng hợp về dự toán NSNN năm 2021 và đề nghị Chính phủ giải trình rõ hơn…

Vũ Cảnh

Nguồn BVPL: https://baovephapluat.vn/kiem-sat-24h/van-de-su-kien/thu-chi-ngan-sach-nha-nuoc-bi-tac-dong-manh-boi-dai-dich-covid-19-96428.html