Thú chơi chuột Hamster chưa bao giờ 'hạ nhiệt'

Nở rộ từ cách đây nhiều năm, tuy nhiên, thú chơi chuột Hamster chưa bao giờ 'hạ nhiệt'. Nhìn những chú chuột nhỏ nhắn, xinh xắn nô đùa bên bập bênh, xích đu,... và nhiều phụ kiện đồ chơi khác khiến nhiều người thích thú.

Thu hút người chơi ở nhiều độ tuổi

Hiện nay, trên thế giới, chuột Hamster có khá nhiều dòng, tuy nhiên, tại Việt Nam chỉ chơi phổ biến 4 dòng: Roborovski, Winter White, Campell, Bear. Màu sắc chuột Hamster khá đa dạng, bao gồm trắng, vàng chanh, màu trà sữa, nhị thể, tam thể,... Tùy theo túi tiền và sở thích, người chơi sẽ chọn cho mình thú cưng phù hợp bởi ngoài màu sắc thì mỗi dòng Hamster sở hữu những tính cách khác nhau.

Theo chị Lương Thị Mỹ Hạnh - chủ cửa hàng thú cưng LoHa Pet, hiện nay, tùy theo dòng, chuột Hamster có giá dao động từ trên 80.000 - 180.000 đồng/con, tuy nhiên giá cả thay đổi tùy theo thời điểm nguồn hàng nhiều hay ít. Thông thường, các dòng Roborovski, Winter White được khách hàng chuộng nhiều nhất. Trong đó, Hamster Roborovski có giá thành cao hơn so với 3 dòng còn lại vì những chú chuột kiểng này rất đẹp, ít tốn thời gian chăm sóc, tính cách lanh lợi nhưng rất hiền lành. Còn đối với Winter White thì giá khá mềm, phù hợp với những bạn vừa tập chơi.

Hiện nay, có nhiều phụ kiện đi kèm thú chơi chuột Hamster

Hiện nay, có nhiều phụ kiện đi kèm thú chơi chuột Hamster

Mặc dù chỉ mới 10 tuổi nhưng em Phạm Thị Tuyết Ngân (phường 4, TP.Tân An) đã có "thâm niên" nuôi Hamster được 4 năm. Tuyết Ngân cho biết: “Trong một lần đến nhà bạn chơi, em thấy chuột Hamster nên rất thích, sau đó, em xin cha mẹ mua 2 con. Mỗi ngày, được chơi cùng Hamster, em cảm thấy rất vui! Lúc mới nuôi, cha mẹ giúp em vệ sinh chuồng nhưng giờ em có thể tự làm được”.

Không chỉ có sức hút với trẻ em, thú chơi này còn thu hút cả người lớn. Từng có ý định ngăn cản con gái đến với thú chơi này nhưng giờ đây, chị Nguyễn Thụy Quỳnh Như (xã Bình Tâm, TP.Tân An) cũng bắt đầu yêu thích Hamster. Chị Như chia sẻ: “Thông qua YouTube, con gái tôi biết và thích chuột Hamster, con xin tôi nuôi và hứa sẽ không đòi các món đồ chơi khác. Ban đầu, tôi sợ nguy cơ nhiễm bệnh từ Hamster nên không cho con nuôi, tuy nhiên, con năn nỉ mãi nên tôi cũng xiêu lòng. Sau đó, qua tìm hiểu thì được biết, nuôi chuột Hamster không nguy hiểm như tôi nghĩ, nhìn con vui đùa cùng những chú chuột nhỏ xíu và ít xem điện thoại hơn nên tôi cũng vui".

Từ ngày có Hamster, vợ chồng chị Như thường xuyên chơi cùng con nhiều hơn nên tình cảm gia đình ngày càng gắn kết. Thỉnh thoảng, cả nhà chị lại cùng nhau đi mua thêm phụ kiện, đồ chơi mới cho chúng.

Những điều cần biết khi chơi Hamster

Nhìn những chú chuột nhỏ nhắn, xinh xắn nô đùa bên bập bênh, xích đu,... và nhiều phụ kiện đồ chơi khác khiến nhiều người thích thú. Theo chị Lương Thị Mỹ Hạnh, chỉ cần biết ý thì Hamster rất dễ nuôi. Bên cạnh hướng dẫn người chơi cách chăm sóc theo chỉ dẫn trên giấy, chị Hạnh còn thành lập kênh YouTube để đăng tải nhiều video hướng dẫn cách chăm sóc thú cưng. Hiện kênh của chị thu hút trên 260.000 lượt đăng ký.

Theo đó, mỗi ngày, người chơi nên cho Hamster ăn 2 lần vào buổi sáng và buổi chiều. Thức ăn khá đa dạng, người chơi có thể chọn thức ăn đã được trộn sẵn bao gồm các loại ngũ cốc: Hạt hướng dương, hạt kê, hạt bí, yến mạch, cốm gạo,... Tuy nhiên, nếu Hamster chỉ thích một loại nào đó thì người chơi cũng có thể mua riêng theo sở thích của chúng. Ngoài ra, còn có các loại thức ăn dinh dưỡng như sâu gạo rang, phô mai, vitamin,... và các loại thức ăn khác giúp nuôi Hamster mau mập.

Chuột Hamster thường chơi đùa vào buổi chiều tối và ngủ nhiều vào ban ngày

Chuột Hamster thường chơi đùa vào buổi chiều tối và ngủ nhiều vào ban ngày

Bên cạnh thức ăn, hiện nay, trên thị trường có rất nhiều loại phụ kiện dành cho Hamster: Chỗ ở, lót chuồng, nhà tắm, cát tắm, bập bênh, xích đu,... Chị Hạnh cho biết thêm: “Về chỗ ở, tùy theo sở thích và túi tiền mà khách hàng có thể chọn chuồng có chất liệu mica, sắt, hồ kính. Khách hàng có thể mua chuồng đã được thiết kế sẵn hoặc chuồng không phụ kiện để có thể tự thiết kế theo sở thích. Lót chuồng có loại có mùi thơm và loại không mùi, hãy thay lót chuồng khi cảm thấy chuồng có mùi hôi. Nếu có thời gian, người chơi có thể tắm cho Hamster mỗi ngày hoặc ít nhất 1 lần/tuần bằng cát tắm dành riêng cho Hamster”.

Ngoài ra, người chơi nên lưu ý không đặt chuồng ở vị trí có ánh nắng chiếu trực tiếp sẽ gây nguy hiểm cho thú cưng vì chuột Hamster là loài ưa mát. Thông thường, tuổi thọ của Hamster kéo dài từ 2 - 3 năm và sinh sản nhiều vào mùa mưa. Theo nhiều người chia sẻ, khoảng 2 tháng tuổi, Hamster đã có thể sinh sản, tùy theo từng dòng, cơ địa mà thời kỳ mang thai của chuột kéo dài từ 15 ngày đến gần 1 tháng và số lượng con cũng khác nhau.

Chuột Hamster thường tự sinh sản mà không cần sự trợ giúp của con người. Hamster con bú mẹ, sau khoảng 7-10 ngày thì bắt đầu tập ăn. Sau khi Hamster con khoảng 1 tháng tuổi thì nên tách đàn để tránh tình trạng kết đôi sớm và giao phối cận huyết. Cũng theo chị Hạnh, nếu chuột sinh sản nhiều, người chơi có thể mang chuột con đến cửa hàng của chị để đổi lấy thức ăn và các phụ kiện khác.

Hiện nay, nuôi chuột cảnh giúp người chơi tìm được niềm vui và giải tỏa những căng thẳng trong cuộc sống. Tương tự những thú chơi khác, mọi người hãy trang bị cho mình những kiến thức cần thiết trước khi chơi chuột Hamster./.

Nguyễn Dung

Nguồn Long An: https://baolongan.vn/thu-choi-chuot-hamster-chua-bao-gio-ha-nhiet-a141241.html