Thu dịch vụ ngoài học phí: Cần những quy định phù hợp thực tiễn

Từ thực tế cho thấy, nhu cầu sinh hoạt của học sinh trong thời gian ở trường đòi hỏi nhiều chi phí ngoài học phí. Việc xây dựng và ban hành quy định về các khoản thu này sẽ đảm bảo tính thống nhất, tránh tình trạng lạm thu của các trường.

Nhu cầu sinh hoạt của học sinh trong thời gian ở trường đòi hỏi nhiều chi phí ngoài học phí. Trong ảnh: Giờ học của cô và trò lớp 5A, Trường Tiểu học Núi Voi (TP. Thái Nguyên).

Nhu cầu sinh hoạt của học sinh trong thời gian ở trường đòi hỏi nhiều chi phí ngoài học phí. Trong ảnh: Giờ học của cô và trò lớp 5A, Trường Tiểu học Núi Voi (TP. Thái Nguyên).

Toàn tỉnh hiện có 694 CSGD với trên 351 nghìn học sinh. Mỗi năm học, ngoài tiền học phí, các CSGD tổ chức thu rất nhiều khoản để phục vụ hoạt động giáo dục. Tuy nhiên, hiện nay trên địa bàn tỉnh chưa có văn bản quy định thực hiện các khoản thu dịch vụ phục vụ, hỗ trợ giáo dục đối với các CSGD mầm non, phổ thông… Do đó trong quá trình tổ chức các hoạt động giáo dục liên quan đến các khoản thu dịch vụ, các trường thường gặp nhiều khó khăn, bất cập.

Một số nội dung như: tiền nước uống, sổ liên lạc điện tử, thẻ học sinh, giấy thi, giấy vệ sinh, hóa chất tẩy rửa, dụng cụ quét dọn… mặc dù trước đó đã được nghiên cứu đưa vào Nghị quyết để hỗ trợ bằng ngân sách Nhà nước, song có địa phương bố trí được kinh phí nhưng rất ít, có nơi không có nguồn để hỗ trợ.

Nhằm gỡ khó cho các CSGD, Sở Giáo dục và Đào tạo đã tham mưu với UBND tỉnh trình HĐND tỉnh tại kỳ họp tháng 12 này thông qua nghị quyết về các khoản thu dịch vụ ngoài học phí trong các CSGD công lập thuộc tỉnh quản lý.

Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Đức Thịnh, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo, thông tin: Căn cứ vào Luật Giáo dục, Nghị định số 24/2021/NĐ-CP, Nghị định số 81/2021/NĐ-CP của Chính phủ quy định về cơ chế thu, quản lý học phí đối với CSGD thuộc hệ thống giáo dục quốc dân, toàn quốc đã có gần 50 tỉnh ban hành nghị quyết này. Trên thực tế, để đảm bảo thực hiện nhiệm vụ của các CSGD thì ngoài học phí, kinh phí được Nhà nước cấp, rất cần sự đóng góp của phụ huynh và người dân để phục vụ các hoạt động giáo dục.

Để có cơ sở pháp lý, ngoài các quy định nêu trên, Sở Giáo dục và Đào tạo Thái Nguyên đã khảo sát tại nhiều CSGD thuộc các cấp học và xin ý kiến đối với cán bộ quản lý của nhiều trường học. Cô giáo Hứa Thị Thắng, Hiệu trưởng Trường THPT Dương Tự Minh, rất phấn khởi khi biết dự thảo nghị quyết sẽ được trình tại kỳ họp thứ 16 của HĐND tỉnh vào đầu tháng 12 này. Cô cho rằng: Nghị quyết được ban hành tạo điều kiện cho các trường tổ chức các hoạt động giáo dục. Bởi đây là cơ sở pháp lý để các trường xây dựng danh mục thu cho phù hợp. Nếu không có khoản thu này, các trường gặp rất nhiều khó khăn khi tổ chức các hoạt động, bởi kinh phí đảm bảo chi thường xuyên rất hạn hẹp.

Ngoài tiền ăn, trẻ học tại các trường mầm non ở bán trú cần được mua sắm, trang bị nhiều vật dụng phục vụ sinh hoạt cá nhân. Trong ảnh: Giờ ăn trưa tại Trường Mầm non số 2 Hóa Thượng (Đồng Hỷ).

Ngoài tiền ăn, trẻ học tại các trường mầm non ở bán trú cần được mua sắm, trang bị nhiều vật dụng phục vụ sinh hoạt cá nhân. Trong ảnh: Giờ ăn trưa tại Trường Mầm non số 2 Hóa Thượng (Đồng Hỷ).

Năm học 2023-2024, Trường Tiểu học Núi Voi (TP. Thái Nguyên) có 18 lớp, với 591 học sinh, trong số này có 60% học sinh đăng ký ăn bán trú. Song để thống nhất các khoản thu theo thỏa thuận đầu năm, Nhà trường mất rất nhiều thời gian.

Cô giáo Nguyễn Thu Hoài, Hiệu trưởng Nhà trường, cho biết: Thực tế cho thấy, nhu cầu sinh hoạt của học sinh trong thời gian ở trường đòi hỏi nhiều chi phí ngoài học phí, như: Hoạt động bán trú, vệ sinh môi trường lớp học đối với học sinh tiểu học, giáo dục kỹ năng sống cho học sinh… Việc HĐND tỉnh xem xét ban hành Nghị quyết quy định các khoản thu dịch vụ phục vụ, hỗ trợ hoạt động giáo dục ngoài học phí trong các CSGD công lập là rất phù hợp với tình hình thực tế hiện nay. Khi nghị quyết chính thức được ban hành, Hội đồng Trường và Ban đại diện cha mẹ học sinh sẽ có căn cứ để bàn bạc, thống nhất mức thu phù hợp với điều kiện của địa phương.

Không riêng khối trường tiểu học mà trẻ học tại các trường mầm non ở bán trú cũng cần mua sắm, trang bị nhiều vật dụng sinh hoạt cá nhân (như: chiếu, chăn, màn, gối, khăn rửa mặt…), chưa kể việc phải mua mới hoặc bổ sung, sửa chữa các vật dụng dùng chung để tổ chức bán trú (như: tủ lưu mẫu thức ăn, tủ lạnh, tủ đông, giá kệ, nồi cơm điện...). Chính vì chưa có quy định đảm bảo thống nhất giữa danh mục và mức thu đối với các dịch vụ nên các trường "trăm hoa đua nở", dẫn đến tình trạng lạm thu khiến nhiều phụ huynh bức xúc.

Cô giáo Nguyễn Minh Thu, Hiệu trưởng Trường Mầm non 19-5 (TP. Thái Nguyên) cho rằng: Khi Nghị quyết được thông qua, các CSGD sẽ được thực hiện một số dịch vụ sự nghiệp công không sử dụng ngân sách Nhà nước, như: Dịch vụ bán trú, dịch vụ ngoài giờ lên lớp, đưa đón trẻ. Đây cũng là sở cứ để các CSGD tổ chức thu, chi, đáp ứng được nhu cầu của người học và đảm bảo chất lượng nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục trẻ theo chương trình được Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định.

Bên cạnh những nội dung nêu trên, Nghị quyết được thông qua sẽ giúp ngành Giáo dục tăng cường công tác quản lý Nhà nước đối với việc thực hiện các khoản thu, tránh lạm thu, đảm bảo yêu cầu thu đủ chi và thực hiện các nhiệm vụ theo đúng mục đích được quy định trong Nghị quyết. Đây cũng là cơ sở để các trường từng bước tự chủ tài chính một phần…

Nguồn Thái Nguyên: https://baothainguyen.vn/giao-duc/202312/thu-dich-vu-ngoai-hoc-phi-can-nhung-quy-dinh-phu-hop-thuc-tien-25621bf/