Thủ đoạn bớt lại tiền của cựu Phó Giám đốc Sở Ngoại vụ tỉnh Thái Nguyên
Như Báo SGGPO đã thông tin, Cơ quan An ninh điều tra đã hoàn tất kết luận điều tra giai đoạn 2 vụ án xảy ra tại Cục Lãnh sự (Bộ Ngoại giao), đồng thời đề nghị truy tố 17 bị can. Trong đó, xác định từng hành vi của các bị can liên quan.
Theo Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an, thực hiện chủ trương của Chính phủ về việc tiếp nhận công dân Việt Nam từ nước ngoài về nước bằng hình thức tự trả phí cách ly y tế tại khách sạn, UBND tỉnh Thái Nguyên đã ban hành các kế hoạch đảm bảo y tế phòng, chống dịch bệnh Covid-19 cho người nước ngoài nhập cảnh Việt Nam làm việc, học tập, thăm thân, cách ly y tế trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên.
Theo đó, UBND tỉnh Thái Nguyên giao Sở Ngoại vụ là đầu mối tổng hợp danh sách, hồ sơ của các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp đề nghị cho người nước ngoài nhập cảnh và thẩm định kế hoạch đón người của các đơn vị…
Tại Sở Ngoại vụ tỉnh Thái Nguyên, bị can Trần Tùng (cựu Phó Giám đốc) bị cáo buộc lợi dụng chức vụ, quyền hạn được giao trong việc tham mưu, đề xuất UBND tỉnh Thái Nguyên chấp thuận chủ trương cách ly tại tỉnh Thái Nguyên.
Được sự giúp sức của Trần Thị Quyên (Giám đốc Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ Sen vàng Đất Việt, viết tắt là Công ty Sen vàng Đất Việt), Trần Tùng đã có hành vi nhận hối lộ, lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ để trục lợi cá nhân.
Theo hồ sơ, khoảng cuối năm 2020, ông Vũ Hồng Nam (cựu Đại sứ Việt Nam tại Nhật Bản, bị can giai đoạn 1 vụ án) liên hệ với ông Nguyễn Đình Việt (Giám đốc Sở Ngoại vụ tỉnh Thái Nguyên) đề nghị giúp đỡ, tạo điều kiện đưa công dân Việt Nam từ Nhật Bản về nước cách ly tại Thái Nguyên.
Trước khi gửi công điện về UBND tỉnh Thái Nguyên, ông Vũ Hồng Nam đã giới thiệu và cho Lê Văn Nghĩa (Giám đốc Công ty Nhật Minh, bị can giai đoạn 1 vụ án) số điện thoại của Tùng để Nghĩa liên hệ thủ tục xin cách ly cho công dân ở tỉnh Thái Nguyên.
Nhận được cuộc gọi từ Nghĩa, Tùng hẹn gặp tại 1 nhà hàng ở TP Thái Nguyên để trao đổi. Ngoài các quy định chung, Tùng yêu cầu Nghĩa cho Công ty Sen Vàng Đất Việt do Trần Thị Quyên làm Giám đốc, thực hiện việc cách ly với chi phí trọn gói 18 triệu đồng/người, nhưng khi ký hợp đồng với Công ty Sen Vàng Đất Việt chỉ thể hiện từ 10 triệu đồng đến 12 triệu đồng/khách cách ly.
Số tiền chênh lệch từ 6 triệu đồng đến 8 triệu đồng còn lại sẽ chuyển ngoài hợp đồng cho Quyên, để chuyển lại cho Tùng.
Kết quả, Công ty Nhật Minh đã được tổ chức 3 chuyến bay đưa tổng số 668 người về cách ly tại tỉnh Thái Nguyên. Quá trình tổ chức thực hiện 3 chuyến bay, theo thỏa thuận, Nghĩa đã chuyển tổng cộng hơn 11 tỷ đồng cho Quyên.
Sau khi Quyên nhận được tiền từ Nghĩa, theo chỉ đạo của Tùng, Quyên chuyển cho Tùng hơn 2,4 tỷ đồng thông qua tài khoản ngân hàng của Trần Quyết (em trai Tùng) và Nguyễn Trung Dũng (bạn Tùng)…
Khi Bộ Công an khởi tố vụ án giai đoạn 1, Trần Tùng đã nhờ Trần Quyết chuyển hơn 1,2 tỷ đồng để Quyên hợp thức việc để tiền ngoài hợp đồng với lý do nộp tiền thuế vào Kho bạc Nhà nước tỉnh Thái Nguyên.
Trong vụ án, bị can Trần Tùng bị cáo buộc đã nhận hối lộ 3 lần của Lê Văn Nghĩa qua Trần Thị Quyên, tổng cộng hơn 4,4 tỷ đồng.
Trong vụ án, cơ quan điều tra cũng cáo buộc Lê Thị Phượng (cựu chuyên viên Phòng Khoa giáo Văn xã, Văn phòng UBND tỉnh Hải Dương) nhận hối lộ 2 lần với tổng số tiền hơn 650 triệu đồng để đề xuất lãnh đạo UBND tỉnh Hải Dương duyệt, ký công văn chấp thuận chủ trương đưa công dân về cách ly tại Hải Dương cho Công ty Sora và Công ty Biển Bạc.
Cơ quan điều tra cũng cáo buộc bị can Nguyễn Văn Văn (cựu Phó Giám đốc Sở Y tế tỉnh Quảng Nam) đã 5 lần nhận hối lộ, tổng cộng hơn 450 triệu đồng và bị can Lê Ngọc Tường (cựu Phó Giám đốc Sở VHTT-DL tỉnh Quảng Nam) đã 4 lần nhận hối lộ, tổng cộng 400 triệu đồng để tham mưu, đề xuất UBND tỉnh Quảng Nam chấp thuận chủ trương cách ly y tế cho các chuyến bay của doanh nghiệp.