Thủ đoạn của công ty ghép ảnh nhạy cảm để đòi nợ ở TP.HCM

Công ty Luật TNHH Power Law không có chức năng cho vay, nhưng mua lại các gói nợ xấu rồi ghép ảnh nhạy cảm của con nợ, người thân để uy hiếp.

Liên quan đến vụ ghép ảnh nhạy cảm để đòi nợ xảy ra tại Công ty Luật TNHH Power Law, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an quận 12, TP.HCM, đã khởi tố bị can đối với 13 người về tội Vu khống.

Danh tính những người này gồm Phạm Lê Duy (25 tuổi, quê Vĩnh Long), Bùi Thị Thu Huyền (25 tuổi, quê Gia Lai), Nguyễn Thị Quyên (19 tuổi, quê Thanh Hóa), Nguyễn Văn Hiếu (24 tuổi, quê Đắk Lắk), Lê Thế Bình (30 tuổi, quê Đắk Lắk), Lê Khánh Duy (24 tuổi, quê tỉnh Gia Lai), Phạm Thị Ngọc Tính (24 tuổi, quê Bình Định), Đinh Thanh Long (27 tuổi, quê Bình Định), Hoàng Trọng Hiếu (23 tuổi, ngụ huyện Hóc Môn), Nguyễn Duy Khanh (23 tuổi, ngụ quận Tân Phú), Lê Quang Khải (27 tuổi, quê Gia Lai); Lê Thanh Duy (24 tuổi, quê Cà Mau và Phan Thanh Trường (31 tuổi, quê Gia Lai).

Mua lại nợ xấu rồi đòi bằng thủ đoạn

Trả lời tại buổi họp báo, cung cấp thông tin về chuyên án, thượng tá Phạm Đình Ngọc, trưởng Công an quận 12, cho biết Công ty Luật TNHH Power Law có chức năng tư vấn pháp luật. Tuy nhiên, số lượng nhân viên rất đông, 160-200 người. Điều này khiến cảnh sát nghi ngờ công ty này hoạt động mờ ám.

Qua thâm nhập điều tra, Công an quận 12 nghi vấn công ty này nhắc nợ sai pháp luật. Cụ thể, họ mua lại hợp đồng nợ xấu của ngân hàng, công ty tài chính và các app trên không gian mạng, sau đó giao cho nhân viên thực hiện thu hồi nợ.

Sau khi nắm tình hình, Công an quận 12 báo cáo Ban giám đốc Công an TP.HCM. Đại tá Mai Hoàng sau đó chỉ đạo Công an quận 12 chủ trì, phối hợp với Phòng Cảnh sát hình sự Công an TP.HCM lên kế hoạch triệt phá thành công. Hiện nay, ngoài những người bị khởi tố, Công an quận 12 còn mở rộng điều tra, thu thập tài liệu, chứng cứ để xử lý đối với ban lãnh đạo công ty trên.

 Thượng tá Phạm Đình Ngọc trả lời tại họp báo. Ảnh: Lê Trai.

Thượng tá Phạm Đình Ngọc trả lời tại họp báo. Ảnh: Lê Trai.

Thượng tá Dương Đình Lập, phó trưởng Công an quận 12, cho biết công ty luật này có số lượng nhân viên rất lớn, nhưng chỉ có 3 người có bằng luật sư.

Ông Lập đánh giá mô hình này không phải tín dụng đen truyền thống mà đã biến tướng. Thậm chí, công ty mua lại nợ xấu, nhận hợp đồng của các ngân hàng để đòi, với mức hưởng lợi lớn, 25-55%.

Các nhân viên đòi nợ theo 3 cấp độ. Cấp độ thấp nhất là nhắc nợ với việc nhắn tin bình thường, cấp độ 2 nhắn tin đe dọa, cấp độ thứ 3 là cắt ghép hình ảnh nhạy cảm. Trong đó, nhóm này không chỉ cắt ghép hình ảnh con nợ, mà còn có những người thân, đồng nghiệp và những người thân quen của con nợ để khủng bố.

Tuy nhiên, thượng tá Lập cho rằng để xử lý được lãnh đạo của công ty này là rất khó khăn, bởi bọn họ đã đưa ra những quy chế có lợi trong trường hợp bị cơ quan chức năng “sờ gáy”, đồng thời nhiều bị hại cũng không hợp tác với cơ quan điều tra.

Cần làm gì khi bị vu khống bằng ảnh nhạy cảm?

Đại tá Trần Văn Hiếu, trưởng phòng Cảnh sát hình sự Công an TP.HCM, cho biết phương thức, thủ đoạn hoạt động của “tín dụng đen” hiện nay chuyển từ hình thức rải tờ rơi sang hình thức cho vay qua các app chuyên dùng cho điện thoại di động. Hình thức biến tướng này gây khó khăn cho công tác điều tra xử lý.

Cụ thể, bọn họ sử dụng mạng xã hội quảng cáo, dụ dỗ người có nhu cầu vay tiền và vẽ ra nhiều loại phí dịch vụ để cắt xén tiền từ các khoản vay. Lãi suất cho vay rất cao, 2,5-5%/ngày, thậm chí 900-2.000%/năm.

 Đại tá Trần Văn Hiếu khuyến cáo người dân không vay tiền qua app. Ảnh: Lê Trai.

Đại tá Trần Văn Hiếu khuyến cáo người dân không vay tiền qua app. Ảnh: Lê Trai.

Đại tá Hiếu cho biết khi nạn nhân mất khả năng chi trả, nhóm cho vay dùng đe dọa, tin nhắn, gọi điện để khủng bố tinh thần hoặc tạt sơn, ném chất bẩn, thậm chí bắt giữ con nợ để giam giữ, tra tấn nhằm đòi tiền.

Trước tình trạng trên, trưởng phòng Cảnh sát hình sự Công an TP.HCM khuyến cáo người dân không nên vay tiền qua các app trên mạng. Trường hợp phát hiện các app cho vay tiền có dấu hiệu cho vay lãi nặng, người dân liên hệ cơ quan công an gần nhất để cung cấp thông tin.

“Nếu bị gọi điện, nhắn tin, cắt ghép hình ảnh nhạy cảm, người dân cần lưu lại bằng chứng, cung cấp cho công an nhằm làm cơ sở xử lý. Đồng thời, các nạn nhân nên phối hợp cơ quan chức năng, tránh tâm lý e ngại hoặc thỏa hiệp, tạo điều kiện cho các kẻ xấu hoạt động vi pháp”, đại tá Trần Văn Hiếu nói.

Lê Trai

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/thu-doan-cua-cong-ty-ghep-anh-nhay-cam-de-doi-no-o-tphcm-post1380874.html