Thủ đoạn lập giả Fanpage Resort, lừa chuyển tiền cọc

Công an tỉnh Bình Thuận chỉ ra phương thức, thủ đoạn chủ yếu của chiêu lập giả Fanpage các resort để lừa khách chuyển tiền cọc đặt phòng.

Thời gian qua, nhiều du khách và các resort, cơ sở lưu trú ở Bình Thuận phản ánh tình trạng các đối tượng xấu lập giả trang Fanpage mang tên resort và đăng tải thông tin, hình ảnh giống như Fanpage chính thức để lừa đảo du khách có nhu cầu đặt phòng và chuyển tiền cọc.

Nhiều nhất là hơn 80 khách hàng bị lừa tiền đặt cọc phòng ở qua Fanpage mang tên resort T.C với tổng số tiền hơn 300 triệu đồng. Theo Công an tỉnh Bình Thuận, thủ đoạn chủ yếu của chiêu trò lừa đảo này là các trang Fanpage giả mạo sử dụng các hình ảnh, thông tin chính thống do cơ sở du lịch đăng tải trên các website, mạng xã hội Facebook.

Riêng thông tin tài khoản ngân hàng nhận tiền đặt phòng là giả mạo, các đối tượng sử dụng thông tin gần giống với thông tin tài khoản ngân hàng của cơ sở du lịch và khi khách hàng hỏi thì nêu lý do rằng, đó là tài khoản của nhân viên kế toán.

Đối tượng đưa ra giá tiền sử dụng dịch vụ ở cơ sở lưu trú thấp hơn từ 20 - 50% giá trị thực tế nên thu hút khách quan tâm. Các trang Fanpage giả mạo luôn có lượt theo dõi rất cao, từ vài ngàn đến hàng trăm ngàn lượt, nhưng đa số đều là số liệu theo dõi.

Theo ghi nhận của phóng viên, các đối tượng còn tinh vi hơn khi sử dụng tính năng đặt nickname là tên của resort cho số tài khoản ngân hàng nhận tiền cọc, từ đó tạo sự tin tưởng cho khách hàng hơn.

Một Fanpage lập giả mạo resort T.C và đăng nội dung, hình ảnh của resort

Một Fanpage lập giả mạo resort T.C và đăng nội dung, hình ảnh của resort

Thông tin tài khoản giống tên resort do phía Fanpage giả mạo gửi cho du khách để chuyển tiền cọc

Thông tin tài khoản giống tên resort do phía Fanpage giả mạo gửi cho du khách để chuyển tiền cọc

Công an tỉnh Bình Thuận đã tiếp nhận đơn trình báo của các cơ sở du lịch trên địa bàn và đang tiến hành xác minh. Để hạn chế những hành vi giả mạo các trang Fanpage chính thống của các doanh nghiệp du lịch, Công an tỉnh Bình Thuận sẽ phối hợp với các sở, ngành, địa phương đẩy mạnh tuyên truyền những phương thức, thủ đoạn lừa đảo của các đối tượng.

Để tránh gặp phải lừa đảo, người dân, du khách trước khi lựa chọn dịch vụ đặt tour, đặt phòng khách sạn cần tìm hiểu kỹ thông tin (chú ý kiểm tra tính minh bạch của trang Fanpage), lựa chọn đơn vị cung cấp dịch vụ du lịch, lữ hành uy tín và đặt phòng du lịch có sẵn trên các ứng dụng. Khi đã kiểm tra tính chính xác thông tin liên hệ, cần tìm hiểu kỹ chính sách đặt, hủy tour, yêu cầu khách sạn chuyển thông tin xác nhận đặt phòng.

Về phía các doanh nghiệp du lịch, Công an tỉnh Bình Thuận đề nghị công khai các trang Fanpage/website chính thống của mình để người dân, du khách biết và liên hệ. Đồng thời, chủ động, thường xuyên rà quét, phát hiện sớm các trang Fanpage/website giả mạo doanh nghiệp mình. Khi doanh nghiệp phát hiện các trang Fanpage giả mạo, cần thông tin kịp thời cho cơ quan chức năng để phối hợp ngăn chặn, xử lý.

Xác minh thông tin khách du lịch bị lừa hơn 1 tỷ đồng khi đặt phòng trên mạng

Trao đổi với báo chí ngày 05/02, đại diện Sở Du lịch tỉnh Ninh Bình cho biết Sở đã nắm được thông tin việc du khách đặt phòng trên Fanpage giả mạo một cơ sở lưu trú trên địa bàn tỉnh và bị lừa mất hơn 1 tỷ đồng. Sở đang phối hợp với các cơ quan chức năng xác minh làm rõ.

Ông Bùi Văn Mạnh, Giám đốc Sở Du lịch tỉnh Ninh Bình, cho biết sau khi có thông tin kể trên, Sở đã giao phòng chức năng đến làm việc với khu nghỉ dưỡng để hướng dẫn xử lý và tuyên truyền cho du khách biết. Trước đó, theo thông tin Sở Du lịch tỉnh Ninh Bình nhận được, một vị khách lên mạng đặt phòng cho 2 người lớn và 2 trẻ em, thời gian từ ngày 31/01 tới 03/02 tại khu nghỉ dưỡng Minawa Kênh Gà ở Ninh Bình.

Sau khi nhắn tin trên trang Fanpage của khu nghỉ dưỡng, khách được nhân viên tư vấn mức giá phòng cuối tuần có giá từ 2,9 triệu đồng, ngày lễ, Tết từ 3,6 triệu đồng cho hạng phòng Twin Room (phòng đôi).

Khu nghỉ dưỡng Minawa Kênh Gà ở Ninh Bình, nơi liên tục bị kẻ xấu giả mạo trang Fanpage Facebook để thực hiện hành vi lừa đảo

Qua quá trình trao đổi, khách chốt phòng rồi chuyển khoản tiền cọc cho khu nghỉ dưỡng 6,5 triệu đồng cho 2 phòng. Tuy nhiên, phía khu nghỉ dưỡng báo lại khách đã gửi chuyển khoản sai nội dung và yêu cầu khách sao chép mã do bên khu nghỉ dưỡng cung cấp vào nội dung chuyển khoản để phòng kế toán xác nhận. Sau nhiều lần liên tiếp khách chuyển khoản đều bị báo sai nội dung, vị khách đã chuyển tổng cộng số tiền hơn 1 tỷ đồng và không thể liên lạc được với đại diện khu nghỉ dưỡng, lúc này mới biết là đã bị lừa.

Cũng theo ông Bùi Văn Mạnh, trước Tết Nguyên đán 2025, khu nghỉ dưỡng này đã bị các đối tượng xấu giả mạo trang web, Fanpage Facebook... có giao diện gần giống trang chính của đơn vị để thực hiện hành vi lừa đảo. Sở Du lịch thường xuyên có khuyến cáo đối với các khu, điểm du lịch, các khách sạn, khu nghỉ dưỡng, homestay trên địa bàn về việc cảnh báo du khách để không bị kẻ xấu lợi dụng lừa đảo mất tiền. Các đơn vị khi phát hiện các trang web, Fanpage giả mạo... cần báo ngay cho cơ quan chức năng để kịp thời ngăn chặn và xử lý, tránh bị ảnh hưởng, thiệt hại cho du khách cũng như hình ảnh du lịch Ninh Bình.

HỒNG TRÚC

Nguồn CA TP.HCM: http://congan.com.vn/vu-an/canh-giac/thu-doan-lap-gia-fanpage-resort-lua-chuyen-tien-coc_173722.html