Thủ đoạn 'lùa gà' chứng khoán từ mã cổ phiếu KDM

Sử dụng thủ đoạn tinh vi bằng các thủ thuật nghiệp vụ kế toán và tài chính, để biến một doanh nghiệp yếu kém thành một doanh nghiệp hào nhoáng, rồi tung lên sàn chứng khoán, tạo cung cầu giả để 'lùa' nhà đầu tư mua theo. Chiêu trò cũ nhưng vẫn xuất hiện nhiều nạn nhân mới…

Nhắm đến nhà đầu tư "non tay"

Bằng thủ đoạn “phù phép” cho các “xác” doanh nghiệp hoạt động kinh doanh yếu kém, rồi tiến hành công bố thông tin để thu hút sự chú ý của các nhà đầu tư và sử dụng 20 tài khoản để liên tục mua bán mã chứng khoán KDM hòng tạo cung cầu giả, Nguyễn Khánh Toàn (SN 1979, trú tại 1 khu đô thị ở quận Long Biên, Hà Nội) đã thu lợi bất chính gần 10 tỷ đồng.

“Kịch bản” của Nguyễn Khánh Toàn là mua lại các “xác” doanh nghiệp yếu kém, rồi “tân trang” bằng cách làm gian dối báo cáo tài chính và hoạt động của các doanh nghiệp này. Có được “vỏ bọc” đẹp cho các “xác” doanh nghiệp, đường dây của Nguyễn Khánh Toàn tiến hành mua bán nội nhóm, nhằm mục đích nâng giá cổ phiếu, thao túng tâm lý nhà đầu tư, sau đó bán ra thị trường thu lợi bất chính.

Đối tượng Nguyễn Khánh Toàn tại cơ quan công an

Đối tượng Nguyễn Khánh Toàn tại cơ quan công an

Được biết, Nguyễn Khánh Toàn từng là Chủ tịch của hai công ty trên sàn chứng khoán Việt Nam. Đây là đối tượng có kiến thức sâu trong lĩnh vực chứng khoán. Với nỗ lực quyết tâm điều tra, làm rõ và phối hợp với các cơ quan chức năng có liên quan, Cơ quan CSĐT - CAQ Long Biên đã làm rõ hành vi thao túng thị trường chứng khoán của Toàn và đồng bọn.

Tính từ tháng 3 đến tháng 12-2021, Nguyễn Khánh Toàn đã chỉ đạo các nhân viên Công ty chứng khoán Trí Việt sử dụng 20 tài khoản chứng khoán đứng tên của nhiều người khác nhau để liên tục mua, bán cổ phiếu mã chứng khoán KDM (Là mã chứng khoán của Công ty CP Tổng Công ty Phát triển Khu đô thị Dân cư mới; nay đổi tên là Công ty Cổ phần Tập đoàn GCL), tạo ra cung, cầu giả tạo; liên tục đặt lệnh mua cổ phiếu KDM với khối lượng chi phối vào thời điểm đóng cửa thị trường, tạo ra mức giá đóng cửa mới cho cổ phiếu KDM, thao túng giá của cổ phiếu KDM trong giai đoạn từ tháng 3 đến tháng 12- 2021. Thông qua hành vi phạm tội, tính đến thời điểm này, Nguyễn Khánh Toàn cùng đồng bọn đã thu lợi bất chính hơn 9,8 tỷ đồng.

CTCP Tập đoàn GCL ngày nay thành lập tháng 6/2009 với tên gọi ban đầu CTCP Xây dựng và thương mại Long Thành, địa chỉ trụ sở chính tại Hà Nam. Công ty có vốn điều lệ 68 tỷ đồng. Trong khoảng 5-6 năm trở lại đây, GCL là doanh nghiệp liên tục thay tên đổi họ. Tháng 3/2021 công ty Lê Gia lại tiếp tục đổi tên thành CTCP Tổng công ty phát triển khu đô thị dân cư mới. Dùng tên mới hơn 1 năm, KDM lại đổi tên, cái tên CTCP Tập đoàn GCL bắt đầu từ thời điểm này.

Chỉ cần thủ thuật "bánh vẽ" cho các "xác" doanh nghiệp, các đối tượng đã thao túng, đẩy giá mã cổ phiếu KDM lên cao

Chỉ cần thủ thuật "bánh vẽ" cho các "xác" doanh nghiệp, các đối tượng đã thao túng, đẩy giá mã cổ phiếu KDM lên cao

6,8 triệu cổ phiếu KDM được giao dịch trên sàn chứng khoán từ năm 2016 và cổ phiếu này cũng từng “dính” loạt lùm xùm thao túng chứng khoán trước đó, và cũng từng bị xử lý các cá nhân đã sử dụng 32 tài khoản để liên tục mua, bán, tạo cung cầu giả nhằm thao túng giá cổ phiếu KDM (tên lúc đó là Thương mại Long Thành).

Đến năm 2021, Nguyễn Khánh Toàn lại tiếp tục thao túng giá cổ phiếu này, lúc này công ty vừa chuyển tên là CTCP Tổng công ty phát triển đô thị dân cư mới. Giai đoạn năm 2021 cũng là thời điểm cổ phiếu KDM liên tục có những giao dịch mua bán cổ phiếu. Một cổ phiếu có “vết đen” như KDM, qua bàn tay của Nguyễn Khánh Toàn, các nhà đầu tư, nhất là nhà đầu tư “lướt sóng”, nhỏ lẻ, lại một lần nữa “dính bẫy”.

Thủ thuật thao túng tinh vi

Trao đổi với phóng viên, Trung tá Nguyễn Anh Tuấn, Đội trưởng Đội Cảnh sát điều tra tội phạm về kinh tế, CAQ Long Biên nhận định, thủ đoạn hoạt động của Nguyễn Khánh Toàn và đường dây của đối tượng dù đã cũ nhưng vẫn có những nạn nhân mới, nhất là những nhà đầu tư ưa mạo hiểm, thích lướt sóng thiếu kinh nghiệm đầu tư.

Thời gian qua, các vụ án liên quan đến thị trường chứng khoán có nhiều diễn biến phức tạp, ảnh hưởng đến môi trường đầu tư kinh doanh và tình hình an ninh, trật tự. Từ vụ án “Thao túng thị trường chứng khoán” và “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” xảy ra tại Công ty CP Tập đoàn FLC, Công ty CP Chứng khoán BOS, Công ty CP Xây dựng Faros và ngay với vụ án về mã cổ phiếu KDM này, Cơ quan Cảnh sát điều tra đã chỉ rõ thủ đoạn các đối tượng phạm tội lợi dụng chiếm đoạt tài sản của nhà đầu tư.

Phân tích thêm về hành vi thao túng thị trường chứng khoán, Trung tá Nguyễn Anh Tuấn nêu rõ, thủ đoạn là liên tục mua/ bán cùng một loại chứng khoán; mua bán khớp lệnh nội nhóm để không dẫn đến chuyển nhượng sở hữu; đặt nhiều lệnh mua/ bán để chi phối thị trường tại thời điểm mở và đóng cửa; đặt lệnh mua/ bán sau đó hủy lệnh nhằm tạo cung cầu giả để "lùa" nhà đầu tư mua theo.

“Một số đối tượng sử dụng thủ đoạn tinh vi bằng các thủ thuật nghiệp vụ kế toán và tài chính, để biến một doanh nghiệp có thể tự “tăng vốn” mà không cần cổ đông phải góp thêm bất cứ một đồng tiền thật nào, nhằm nâng khống vốn điều lệ công ty để thực hiện hành vi vi phạm pháp luật, thu lợi bất chính. Nhiều đối tượng còn đứng sau các công ty, doanh nghiệp thao túng các hoạt động đấu thầu, đấu giá; thao túng thị trường chứng khoán... gây thiệt hại tài sản Nhà nước, doanh nghiệp, nhà đầu tư...”, Trung tá Nguyễn Anh Tuấn cho biết.

Nhà đầu tư cần tìm hiểu kỹ thông tin trước khi "xuống tiền"

Nhà đầu tư cần tìm hiểu kỹ thông tin trước khi "xuống tiền"

Ngoài cách thức thao túng trên, theo Bộ Công an, còn có 2 hình thức thao túng mà các đối tượng thường sử dụng là: Lợi dụng việc mở tài khoản chứng khoán một cách dễ dàng, không kiểm soát, rồi thuê, nhờ người khác đứng tên mở hộ tài khoản để sử dụng mua bán, từ đó tạo cung cầu giả, đẩy giá lên cao, bán ra thu lợi bất chính.

Lợi dụng sơ hở trong quá trình kiểm soát vay vốn theo hình thức hợp tác đầu tư, lợi dụng Công ty chứng khoán và Công ty thứ ba để lách luật ký hợp đồng cho khách hàng vay (dưới hình thức hợp tác đầu tư góp vốn khác) với lãi suất hưởng cố định để thu lợi, từ đó các đối tượng có nguồn tiền giao dịch, mua bán, đẩy giá, thao túng mã chứng khoán để thu lợi bất chính.

Qua các vụ án thao túng thị trường chứng khoán, Cơ quan Công an khuyến cáo người dân và các nhà đầu tư:Trước khi quyết định đầu tư vào một cổ phiếu cần tìm hiểu và nắm bắt rõ thông tin về doanh nghiệp, tình hình hoạt động sản xuất kinh doanh thực chất của doanh nghiệp thông qua những nguồn uy tín, các báo cáo tài chính đã được kiểm toán bởi những đơn vị kiểm toán uy tín, đặc biệt, cần nghiêm túc nghiên cứu và tham khảo ý kiến khuyến cáo của các tổ chức đơn vị kiểm toán uy tín...

Có một thực tế là thao túng thị trường chứng khoán chủ yếu diễn ra trong một thời gian ngắn và mục tiêu của các đối tượng thao túng cổ phiếu thường sẽ nhắm các nhà đầu tư nhỏ lẻ, đầu tư theo kiểu lướt sóng cổ phiếu hay đầu cơ ngắn hạn để kiếm lời nhanh chóng. Do đó, cách tốt nhất để bảo vệ mình khỏi sự thao túng thị trường chứng khoán là suy nghĩ dài hạn, tầm nhìn dài hạn; tỉnh táo, thận trọng trong quyết định lựa chọn cổ phiếu, kiểm soát được lòng tham và tránh xa hiệu ứng đám đông, hoặc từ sự kêu gọi của những hội - nhóm trên mạng xã hội, hay diễn đàn internet thiếu uy tín... Khi gặp phải trường hợp như trên phải nhanh chóng thông tin, tố giác với cơ quan Công an gần nhất để điều tra, xử lý theo quy định.

Nguồn ANTĐ: https://anninhthudo.vn/thu-doan-lua-ga-chung-khoan-tu-ma-co-phieu-kdm-post580638.antd