Thủ đoạn mới cất giấu ma túy qua tuyến hàng không

Ngày 5/5, Chi cục Điều tra chống buôn lậu (Cục Hải quan) có văn bản số 126/ĐTCBL-P1 về việc cảnh báo phương thức thủ đoạn cất giấu ma túy qua tuyến hàng không.

Thủ đoạn tinh vi, phức tạp

Theo Chi cục Điều tra chống buôn lậu (Cục Hải quan), trong thời gian qua, các vụ việc được phát hiện, bắt giữ tại tuyến đường hàng không quốc tế (bao gồm hành khách - hành lý - hàng hóa - chuyển phát nhanh) có tần suất liên tục, thủ đoạn tinh vi, phức tạp.

Chi cục Hải quan khu vực I đã phối hợp với các lực lượng chức năng phát hiện lô hàng từ Đức về Mỹ Đình qua đường hàng không nghi vấn có chứa ma túy (Ảnh: Q.N)

Chi cục Hải quan khu vực I đã phối hợp với các lực lượng chức năng phát hiện lô hàng từ Đức về Mỹ Đình qua đường hàng không nghi vấn có chứa ma túy (Ảnh: Q.N)

Các đối tượng vận chuyển trái phép ma túy qua biên giới đã lợi dụng việc được tạo điều kiện thuận lợi về quy trình, thủ tục hải quan về xuất nhập khẩu, qua đó lợi dụng các kẽ hở về mặt khách quan (điểm chưa hoàn thiện về mặt thủ tục hải quan, trucking, logistic), và những lý do chủ quan như (tiêu chí quản lý rủi ro, năng lực kiểm soát hải quan chưa đồng bộ) để vận chuyển trái phép chất ma túy vào/ra lãnh thổ Việt Nam.

Ngoài ra, việc một số quốc gia lân cận như Thái Lan, Philippines... tăng cường công tác phòng, chống ma túy cũng làm các đối tượng lấy Việt Nam làm điểm trung chuyển ma túy các nước, thay thế cho các tuyến vận chuyển ma túy truyền thống.

Đặc biệt, trên tuyến chuyển phát nhanh, với sự phát triển nhanh của Darkweb và sự tiện lợi của tiền điện tử (BTC, ETH...) và các sàn luân chuyển tiền trung gian, tội phạm hiện nay dễ dàng thực hiện đặt hàng ma túy trực tiếp từ nước ngoài về Việt Nam với số lượng nhỏ (khoảng 20-50 gam). Với số lượng ma túy rất nhỏ, gây khó khăn cho lực lượng phòng chống ma túy trong việc phát hiện, bắt giữ.

Theo đó, Chi cục Điều tra chống buôn lậu cập nhật, lưu ý Chi cục Hải quan các khu vực (nơi có sân bay quốc tế) thông tin về những phương thức thủ đoạn mới qua các vụ việc đã được phát hiện, bắt giữ thời gian qua, cùng một số lưu ý về loại ma túy Fentanyl hiện nay.

Cụ thể, ma túy dạng thảo mộc (chủ yếu là cần sa): Cần sa được ép chặt thành bánh và hút chân không sau đó cho vào hộp, phủ thực phẩm xung quanh. Thực phẩm vùi lấp thường là loại được tẩm ướp có nhiều gia vị, có mùi mạnh (mắm tôm, tỏi ...) nhằm vô hiệu hóa chó nghiệp vụ.

Việc vùi lấp ma túy dạng thảo mộc khô trong thực phẩm thực tế gây nhiều khó khăn trong hoạt động kiểm soát không xâm lấn do màu sắc trên máy soi khá tương đồng với thực phẩm xung quanh. Cần sa thường được giấu trong thực phẩm là đồ ăn được các đối tượng gửi từ Việt Nam đi các nước như: Anh, Úc, Đài Loan...

Với ma túy dạng bột và bột mịn (cocaine, heroine, ketamine, methamphetamine...): Các đối tượng đã chia ma túy thành các gói nhỏ để giấu trong thực phẩm như giấu trong bụng gà ủ muối, heo khô, bò khô qua đó dễ gây lầm là gói gia vị của thực phẩm. Khi soi chiếu, hình ảnh quang phổ của gói ma túy tương đối giống gia vị bình thường.

Bên cạnh đó, ma túy dạng bột cũng được chia nhỏ, sau đó đổ sáp nến xung quanh. Khi sáp nến nguội, túi ma túy hoàn toàn vùi lấp trong sáp nến. Thực tế khi soi chiếu, nếu lượng sáp nến đủ dày thì rất khó phát hiện ma túy bên trong.

Đáng chú ý, trên thế giới hiện đang phố biến loại Opioid tổng hợp có tên Fentanyl. Khi vận chuyển xuyên biên giới, Fentanyl thường ở dạng bột mịn (phóng to sẽ có dạng tinh thể không màu như bột ngọt (mì chính), tuy nhiên cũng có thể ở dạng lỏng như thuốc xịt (ví dụ: thuốc xịt mũi); hoặc ở dạng viên nén, được trộn lẫn với các loại ma túy khác với liều lượng rất nhỏ. Hiện tại, cơ quan chức năng Việt Nam chưa phát hiện loại ma túy này tại Việt Nam.

Bên cạnh đó, theo ghi nhận thì tình trạng tàng trữ, vận chuyển ma túy tuyến hàng không nói chung vẫn diễn biến phức tạp, tập trung chủ yếu tại các địa bàn có sân bay quốc tế lớn như: Hà Nội, Đà Nẵng, TP. Hồ Chí Minh.

Ở chiều đi thì ma túy có điểm xuất phát từ sân bay Tân Sơn Nhất - TP. Hồ Chí Minh hoặc sân bay Nội Bài - Hà Nội đi Hàn Quốc, Nhật, Đài Loan (Trung Quốc), Úc và Anh.

Ở chiều về Việt Nam thì ma túy đa số có điểm đến từ châu Âu như: Anh, Séc, Đức, Pháp, Ba Lan, Hungary, Tây Ban Nha. Một số vụ được phát hiện đến từ Nam Mỹ như: Braxin, Canada, Mỹ. Loại ma túy được phát hiện: MDMA, cần sa, ketamine, cocain trong đó nổi bật nhất là MDMA.

Tăng cường tuần tra kiểm soát

Nhằm chủ động phòng ngừa, phát hiện, đấu tranh có hiệu quả với phương thức thủ đoạn mới của các đối tượng, đồng thời nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống ma túy đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ và tình hình mới, Chi cục Điều tra chống buôn lậu đề nghị các đơn vị quán triệt, triển khai, thực hiện một số biện pháp kiểm tra, kiểm soát, giám sát.

Thứ nhất, các đơn vị căn cứ theo nội dung đã cảnh báo liên quan đến phương thức thủ đoạn, tuyến trọng điểm, loại hình... để tổ chức triển khai các kế hoạch, biện pháp, giải pháp nghiệp vụ nhằm tăng cường kiểm soát phòng chống ma túy.

Đặc biệt lưu ý tới những hàng hóa được khai báo là thực phẩm, hàng hóa được xác định thuộc nhóm kiểm tra không xâm lấn, chủ động phân tích những trường hợp hàng hóa có hành trình đi/đến không hợp lý giữa các quốc gia, vùng lãnh thổ để đánh giá rủi ro, xác định trọng điểm.

Thứ hai, rà soát, nắm tình hình, lập danh sách đối với những hành khách, đặc biệt là những hành khách có lịch sử đi lại nhiều lần cùng một tuyến hành trình thuộc các tuyến trọng điểm, có dấu hiệu khả nghi; đặc biệt là các đối tượng có hành trình đi cùng các đối tượng đã từng bị phát hiện, bắt giữ trước đây.

Thứ ba, tăng cường tuần tra kiểm soát bằng việc sử dụng chó nghiệp vụ, các công cụ, máy móc trong công tác phòng chống buôn lậu, vận chuyển trái phép qua biên giới như máy soi khe hẹp, máy thử ma túy, máy soi hành lý... đồng thời, chủ động theo dõi nắm bắt diễn biến tâm lý của các đối tượng khi bị kiểm tra, đặc biệt hành khác có biểu hiện nghi vấn như: thể hiện qua điệu bộ đi đứng, thái độ lấm lét, thiếu tự tin hoặc biểu hiện của người có sử dụng chất ma túy nhằm phát hiện và ngăn chặn kịp thời.

Thư tư, tiếp tục nắm, nghiên cứu, phổ biến, quán triệt các nội dung về kiểm tra, giám sát hoạt động vận chuyển hàng hóa có chứa tiền chất ma túy và ma túy Fentanyl bất hợp pháp vào Việt Nam theo công văn số 82/ĐTCBL-P1 của Chi cục Điều tra chống buôn lậu ngày 22/04/2025.

Thứ năm, thường xuyên phối hợp, trao đổi thông tin với các lực lượng kiểm soát về ma túy trong ngành như Chi cục Điều tra chống buôn lậu và các lực lượng chuyên trách về phòng chống ma túy ngoài ngành để chủ động trong công tác phòng ngừa, đấu tranh bắt giữ.

Theo Chi cục Điều tra chống buôn lậu, dựa theo những vụ việc bắt giữ ma túy điển hình thời gian qua cho thấy về phương thức thủ đoạn: Gần đây gia tăng các trường hợp ma túy giấu lẫn trong thực phẩm, đặc biệt là những thực phẩm được tẩm ướp gia vị nặng mùi với mục đích để vô hiệu hóa chó nghiệp vụ và gây khó khăn cho công tác kiểm tra hàng hóa không xâm lấn; hoặc cất giấu ma túy trong nhiều lớp chống soi chiếu như giấy bạc và trộn lẫn với các loại thảo dược...

Ma túy được cất giấu trong hàng hóa được khai báo theo loại hình xuất/nhập khẩu hàng hóa thông thường, hàng quà biếu hoặc hàng chuyển phát nhanh, hoặc mang theo hành lý của hành khách xuất nhập cảnh.

Quỳnh Nga

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/thu-doan-moi-cat-giau-ma-tuy-qua-tuyen-hang-khong-386172.html