Thủ đoạn tinh vi của đường dây sản xuất, tiêu thụ hơn 1,6 triệu cuốn sách giáo khoa giả

Gần 1,2 triệu cuốn sách giáo khoa giả đã lọt ra thị trường; sản phẩm mang tên hai nhà xuất bản uy tín, được dán tem chống giả và vận chuyển giao hàng rất chuyên nghiệp. Đây là đường dây tội phạm tinh vi, thao túng từ in ấn đến tiêu thụ sách giả quy mô lớn trên toàn quốc.

Các bị cáo tại phiên tòa xét xử.

Các bị cáo tại phiên tòa xét xử.

Trong đường dây này, Nguyễn Trung Luật (1981, trú quận 12, TPHCM) được xác định là đối tượng cầm đầu, tổ chức sản xuất và tiêu thụ sách giả với số lượng lên đến hơn 1,6 triệu cuốn, làm nhái nhãn hiệu của Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam và Nhà xuất bản Đại học Sư phạm TPHCM. Cụ thể, Luật đã chỉ đạo in ra tổng cộng 1.648.737 cuốn sách thành phẩm và 347.220 bản in bán thành phẩm, với tổng trị giá theo giá bìa hơn 51 tỷ đồng.

Để “vận hành” được khối lượng khổng lồ này, Luật thiết lập một hệ thống khép kín như một doanh nghiệp: có xưởng in, người vận chuyển, kho hàng, đại lý tiêu thụ, thậm chí tem giả, phiếu xuất kho và hóa đơn nội bộ.

Trong khâu in ấn, Phạm Ngọc Quang (1977, trú quận Gò Vấp, TPHCM) phụ trách toàn bộ xưởng in, quản lý công nhân, trực tiếp in sách và dán khoảng 600.000 tem giả. Hỗ trợ Quang là Phan Xuân Năng (1990, trú quận 12) và Trần Huy Cường (1971, trú quận Gò Vấp).

Việc vận chuyển cũng được tổ chức bài bản với kế hoạch cụ thể do Lê Hà Thanh (2001, trú Bà Rịa – Vũng Tàu) trông kho và xuất hàng cho Luật. Đặc biệt, khâu giao nhận vận hành như doanh nghiệp hợp pháp với chứng từ, hóa đơn rõ ràng khiến hành vi phạm tội trở nên tinh vi, khó phát hiện.

Trong giai đoạn phân phối, Luật bán sách giả với chiết khấu lên tới 69% so với giá bìa. Đối tượng tiêu thụ lớn nhất là Phạm Thạch Kim Điền (1985, trú quận Bình Tân, TPHCM), đặt 251 đơn hàng, tương đương 1.176.744 cuốn sách, trị giá gần 38 tỷ đồng; Phạm Tin (1982, trú TP Thủ Đức) cũng nhận 17 đơn hàng, khoảng 86.274 cuốn, trị giá hơn 3 tỷ đồng.

Từ TPHCM, sách giả được vận chuyển đi khắp các địa phương bằng nhiều phương tiện. Nguyễn Văn Tiến (1994, trú quận 12) lái xe, vận chuyển sách cho Điền. Điền cũng thuê Phạm Đức Hậu (1973, trú quận 8) quản lý kho hàng, nhận hàng và điều phối đơn với mức lương 8 triệu đồng/tháng.

Tại Đà Nẵng, đầu mối tiêu thụ chủ lực là Lê Duy Quang (1982, trú quận Sơn Trà) đã mua 9 đơn hàng, tương đương 19.804 cuốn sách, giá bìa hơn 632 triệu đồng, sau chiết khấu chỉ còn 270 triệu đồng. Hỗ trợ Quang là Lê Minh Trí (1988, trú quận Sơn Trà để kiểm đếm, đóng gói, vận chuyển. Ngoài ra, Quang còn mua 416 cuốn sách Tiếng Anh giả từ Trần Ngọc Tấn (1990, trú tỉnh Đồng Nai) với giá bìa hơn 31 triệu đồng, nhưng thực trả chỉ hơn 9,5 triệu đồng. Từ đây, sách được phân phối đến nhà sách tại Đà Nẵng, Quảng Nam và các tỉnh lân cận, chiết khấu từ 35 – 40%, đem lại lợi nhuận khoảng 10% mỗi cuốn.

Một mắt xích khác tại Đà Nẵng là Nguyễn Văn Ánh (1980, trú quận Sơn Trà) đã mua 4.795 cuốn sách giả từ Điền, giá bìa hơn 302 triệu đồng, nhưng chỉ trả hơn 103 triệu đồng sau chiết khấu. Sách tiếp tục được Ánh bán lại cho các cửa hàng văn phòng phẩm địa phương với chiết khấu 50%, hưởng lợi khoảng 10%.

Đáng nói, toàn bộ hoạt động từ sản xuất đến tiêu thụ đều có tổ chức, phân vai rõ ràng, chi tiết. Từng bị cáo đều tham gia theo chức năng, nhận lương và nhiệm vụ cụ thể như một dây chuyền sản xuất, kinh doanh thực sự. Việc sử dụng tem giả, vận hành xe tải có thương hiệu, ký gửi hàng tại kho, giao nhận hợp đồng bằng văn bản... đã khiến quá trình “phù phép” sách giả trở nên tinh vi, che mắt người tiêu dùng lẫn cơ quan chức năng trong thời gian dài.

Cơ quan Công an đã kịp thời phát hiện và thu giữ 385.719 cuốn thành phẩm cùng 347.220 bản in bán thành phẩm chưa kịp đưa ra thị trường. Tuy nhiên, hàng triệu cuốn sách giả đã lọt ra thị trường, đến tay người tiêu dùng.

Tại tòa, bị cáo Nguyễn Trung Luật thừa nhận toàn bộ hành vi phạm tội, Luật là người khởi xướng và chủ động đề xuất với Phạm Ngọc Quang việc in sách giả, vì biết Quang có sẵn dây chuyền in ấn. Luật nhận thấy các loại sách giáo khoa của Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam và Nhà xuất bản Đại học Sư phạm TPHCM đang bán chạy trên thị trường, có khả năng sinh lời cao nên tổ chức sản xuất trái phép. Các bị cáo còn lại cũng thành khẩn khai báo, thừa nhận hành vi phạm tội, xin HĐXX xem xét giảm nhẹ hình phạt.

Sau 2 ngày xét xử (12 và 13-5), TAND TP Đà Nẵng đã tuyên phạt các bị cáo: Nguyễn Trung Luật 12 năm tù về tội: “Sản xuất, buôn bán hàng giả”; Phạm Ngọc Quang 7 năm tù; Phan Xuân Năng 7 năm 6 tháng tù; Trần Huy Cường 4 năm 6 tháng tù cùng về tội “Sản xuất hàng giả”.

Các bị cáo phạm tội “Buôn bán hàng giả”, gồm: Lê Hà Thanh 8 năm 6 tháng tù; Phạm Thạch Kim Điền 9 năm tù; Phạm Đức Hậu 4 năm 6 tháng tù; Nguyễn Văn Tiến 3 năm tù; Phạm Tin 6 năm tù; Lê Duy Quang 6 năm tù; Lê Minh Trí 3 năm tù; Nguyễn Văn Ánh 21 tháng tù và Trần Ngọc Tấn bị phạt hành chính 200 triệu đồng.

THANH HOA

Nguồn CAĐN: https://cadn.com.vn/thu-doan-tinh-vi-cua-duong-day-san-xuat-tieu-thu-hon-16-trieu-cuon-sach-giao-khoa-gia-post313072.html