Thủ Đức cần chính sách, cơ chế đặc thù của 1 thành phố
Hiện cơ chế, chính sách 'áp' cho TP Thủ Đức là cho một đơn vị cấp huyện nhập lại từ ba quận/huyện, chưa phải là cho 'một TP trong TP'.
Ngày 12-9, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) thảo luận, cho ý kiến kết quả giám sát “việc thực hiện các nghị quyết của UBTVQH về việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã trong giai đoạn 2019-2021”.
Sau TP.HCM, Hà Nội cũng có “TP trong TP”
Tại cuộc họp, Chủ tịch QH Vương Đình Huệ đề nghị báo cáo giám sát làm rõ hiệu quả và tiêu chí để sắp xếp TP Thủ Đức. Ông cho hay TP.HCM đang đề nghị xây dựng cơ chế đặc thù cho TP Thủ Đức vì “cái áo chật quá”.
“Khi ban hành nghị quyết thành lập TP Thủ Đức nói đây là cấp quận. Trước tách thành ba, giờ nhập ba thành một. Đây là loại hình gì trong tổ chức đơn vị hành chính của chúng ta?” - ông Huệ đặt vấn đề.
Ông Huệ cho hay tại cuộc làm việc với TP.HCM vừa qua có đề xuất chính đáng là nên nghiên cứu cơ chế, chính sách hoặc thể chế đặc thù cho TP Thủ Đức và tới đây có mô hình quản trị chung là “TP thuộc TP”.
Ông Huệ cũng thông tin Hà Nội đang chuẩn bị thành lập TP trong TP. Như vậy, căn cứ pháp luật, tiêu chí, tiêu chuẩn thế nào để thực hiện việc này? “Nghị quyết giám sát có làm rõ nội dung này không hay để ngỏ? Tới đây làm tiếp thế nào?” - ông Huệ hỏi.
Trả lời, Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Duy Thăng cho hay việc thành lập TP Thủ Đức thuộc trường hợp khuyến khích sáp nhập. Đây cũng là mô hình mới “TP trong TP” được quy định tại Luật Tổ chức chính quyền địa phương.
Theo ông Thăng, qua trao đổi giữa Bộ Nội vụ với TP.HCM cho thấy năng lực đội ngũ, cách quản trị trên địa bàn này (TP Thủ Đức) cần phải xem xét, tiếp tục củng cố. Cạnh đó là vấn đề phân cấp, phân quyền như thế nào trong mô hình đô thị dưới cấp tỉnh.
“Mô hình đô thị và nông thôn thì phân cấp, phân quyền chắc cũng phải khác nhau. Quá trình nghiên cứu mô hình TP Thủ Đức vừa rồi đặt ra vấn đề này. Tới đây, chúng ta sẽ phải tiếp tục hoàn thiện thể chế” - ông Thăng nói và cho hay Bộ Nội vụ đang được giao xây dựng đề án mô hình đô thị dưới cấp tỉnh để báo cáo các cấp có thẩm quyền.
“Hiện TP.HCM đang nghiên cứu đề xuất sửa Nghị quyết 54 của QH về cơ chế đặc thù cho TP, trong đó có vấn đề về TP Thủ Đức. Vừa rồi làm việc với TP.HCM, tôi cũng nói rồi, đây (TP Thủ Đức) rõ ràng là cấp huyện, mình không thể nói đây là cấp tỉnh nhưng có thể có những cơ chế về phân cấp, phân quyền cho phù hợp” - ông Thăng nhấn mạnh.
Theo Chủ tịch QH Vương Đình Huệ, cần nghiên cứu cơ chế, chính sách hoặc thể chế đặc thù cho TP Thủ Đức và tới đây có mô hình quản trị chung là “TP thuộc TP”.
Đang nghiên cứu chính sách đặc thù cho TP Thủ Đức
Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng thông tin: TP Thủ Đức được UBTVQH thành lập theo đề xuất của Chính phủ, trên cơ sở sáp nhập ba quận là quận 2, quận 9 và quận Thủ Đức. Quá trình thẩm tra khi đó, Ủy ban Pháp luật đã nêu ý kiến với Chính phủ, UBND TP.HCM trong việc đề xuất một số cơ chế, chính sách đặc thù đối với TP Thủ Đức để làm sao phát huy được những tiềm năng, lợi thế như trong đề án.
Theo Luật Tổ chức chính quyền địa phương, TP thuộc TP trực thuộc trung ương là đơn vị hành chính cấp huyện, do đó nghị quyết của UBTVQH không thể quy định trái luật.
“Hơn nữa, ở thời điểm đó, Chính phủ và chính quyền TP.HCM chưa kịp chuẩn bị những cơ chế, chính sách đặc thù một cách kỹ lưỡng để có thể đề xuất với UBTVQH. Vì vậy, khi đó chúng ta mới chỉ quyết định thành lập TP Thủ Đức trên cơ sở sáp nhập ba quận mà thôi, chưa có cơ chế, chính sách cụ thể kèm theo” - ông Tùng nói.
Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật thông tin thêm: Chính phủ đang chỉ đạo UBND TP.HCM nghiên cứu để sắp tới có thể đề xuất những chính sách đặc thù nhằm phát huy những tiềm năng, lợi thế của TP Thủ Đức và sẽ phải báo cáo QH ban hành nghị quyết thí điểm về vấn đề này.•
Trong 30 năm, hầu như chỉ thực hiện việc chia tách
“Suốt 30 năm từ 1986 đến 2015, hầu như chúng ta chỉ thực hiện việc chia tách” - Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà nói tại cuộc họp.
Số liệu cho thấy giai đoạn 1986-2015, từ 38 tỉnh lên 63 tỉnh, tăng tới 25 tỉnh. Cấp huyện từ 530 đơn vị lên 713 đơn vị, tăng tới 183 đơn vị. Cấp xã từ 9.657 đơn vị lên 11.162 đơn vị, tăng tới 1.505 đơn vị.
“Khi đang trong một xu thế tăng, bây giờ ta quay ngược lại, sắp xếp giảm thì thực sự đây là một vấn đề rất lớn về tư tưởng” - bà Trà cho biết và nêu một trong những khó khăn lớn khi thực hiện việc sắp xếp các đơn vị hành chính là sức ép về thời gian.
Cạnh đó là những khó khăn, vướng mắc về việc giải quyết chế độ, chính sách đối với cán bộ, công chức và người hoạt động không chuyên trách dôi dư.
Theo báo cáo của đoàn giám sát, đến tháng 4-2022 mới sắp xếp được khoảng 41% cán bộ, công chức cấp huyện dôi dư và khoảng gần 70% đối với cấp xã.
Nguồn PLO: https://plo.vn/thu-duc-can-chinh-sach-co-che-dac-thu-cua-1-thanh-pho-post698295.html