Thủ Đức phải trở thành 'thành phố cảng'
TP. Hồ Chí Minh sẽ có 7 trung tâm logistics, trong đó 4 vị trí nằm trên địa bàn TP. Thủ Đức. Với ưu thế vị trí cảng, ưu thế dịch vụ hậu cần logistics có sẵn và định hướng phát triển, Thủ Đức đang có lợi thế hơn tất cả các địa phương khác để trở thành một 'thành phố cảng'.
Cảng Cát Lái, TP. Thủ Đức nhìn từ trên cao. Ảnh: Băng Tâm
Thủ Đức lợi thế hơn tất cả
TP. Hồ Chí Minh sẽ hình thành 7 trung tâm logistics, gồm: Trung tâm Cát Lái - Phú Hữu, Trung tâm Long Bình, Trung tâm Linh Trung, Trung tâm Khu công nghệ cao TP. Hồ Chí Minh, Trung tâm Tân Kiên (huyện Bình Chánh), Trung tâm Củ Chi, Trung tâm Hiệp Phước (huyện Nhà Bè).
Sự phân bổ vị trí của 7 trung tâm được xây dựng trên cơ sở lắng nghe ý kiến của giới chuyên môn và các doanh nghiệp logistics. Trong đó TP. Thủ Đức có 4 trung tâm, gồm: Cát Lái - Phú Hữu, Linh Trung, Khu công nghệ cao và Long Bình.
Theo đánh giá của giới chuyên môn, Thủ Đức hội tụ đầy đủ các điều kiện để trở thành trung tâm logistics của TP. Hồ Chí Minh. Trước hết là ở vị trí đắc địa, Thủ Đức nằm ở trung tâm vùng sản xuất Đông Nam Bộ và trung tâm của thị trường tiêu thụ nội địa lớn nhất cả nước.
Thống kê số liệu xuất nhập khẩu của TP. Hồ Chí Minh trong hơn 20 năm qua cho thấy, nước ta nhập hơn 80% hàng hóa từ châu Á, 10% nhập từ châu Âu và 10% nhập từ châu Mỹ. Đối với hàng xuất khẩu, 60% hàng hóa từ Việt Nam xuất đi châu Á, 20% xuất đi châu Âu và 20% đi châu Mỹ và các thị trường khác.
Với kết cấu như vậy, luồng hàng đi qua khu vực Cát Lái tiếp tục tăng trưởng, vì nơi đây phục vụ xuất hàng đi nội Á, trong khi hàng hóa đi châu Âu và châu Mỹ xuất từ Cái Mép - Thị Vải. Do vậy, cụm cảng Cát Lái vẫn là vị trí chiến lược trong quy hoạch phát triển logistics, phục vụ thị trường xuất nhập khẩu chính của nước ta vẫn là châu Á.
Bà Đặng Minh Phương - Chủ tịch Hội Logistics TP. Hồ Chí Minh, cho rằng khi logistics trở thành yếu tố thúc đẩy sự phát triển toàn diện của TP. Thủ Đức thì cảng Cát Lái sẽ đảm nhiệm vị trí trung tâm các hoạt động logistics, là điểm kết nối hàng hóa xuất nhập khẩu của vùng Nam Bộ đi cả nước cũng như nội Á, kết nối hàng hóa đi cụm cảng nước sâu Cái Mép - Thị Vải đi châu Âu, Mỹ, nhờ đó thu hút lượng lớn nhà đầu tư vào TP. Thủ Đức, nhất là Khu công nghệ cao và khu công nghiệp (KCN) Cát Lái.
Gỡ nút thắt kết nối cho cụm cảng Cái Lái
Vị trí chiến lược của cụm cảng Cát Lái là lợi thế đặc biệt của Thủ Đức trong quy hoạch phát triển logistics. Tuy nhiên, hệ thống hạ tầng kết nối từ Cát Lái đi các hướng cũng chính là điểm nghẽn lớn đối với sự phát triển của TP. Hồ Chí Minh. Tình trạng kẹt xe từ các hướng dẫn vào Cát Lái đã kéo giảm hiệu quả vận hành của các hãng vận tải và đẩy chi phí logistics nội địa tăng cao.
Ông Bùi Tá Hoàng Vũ - Giám đốc Sở Công thương TP. Hồ Chí Minh, cho rằng so với các nước đang phát triển, chi phí logistics của nước ta gần gấp đôi, chiếm khoảng 19% GDP. Nếu không có biện pháp kéo giảm thì rất khó cạnh tranh, rất khó để tận dụng các hiệp định thương mại tự do.
“Chúng ta phải biến KCN Cát Lái thành trung tâm phân phối dịch vụ của cả nước, là khu vực văn phòng làm việc của các hãng tàu, có khách sạn, có khu vực nghỉ ngơi cho thủy thủ đoàn, các câu lạc bộ giải trí, hãng tàu đến thì họ có chỗ chơi, ăn, nghỉ ngơi. KCN Cát Lái rất phù hợp với dịch vụ này, trở thành một “thành phố cảng” - ông Việt Anh nêu ý tưởng.
Cụ thể tại TP. Hồ Chí Minh, nông sản đang chịu chi phí logistics chiếm 10% tổng chi phí của doanh nghiệp; với thủy sản là 25 - 30%. Có những ngành chi phí vận tải chiếm 60% chi phí logistics.
Chi phí vận tải tăng cao một phần do giá xăng dầu, nhưng có một phần không nhỏ do tình trạng kẹt xe ở các cửa ngõ, nhất là quanh các cụm cảng như Cát Lái.
Dẫn ra số liệu từ USAID, ông Trần Việt Anh - Phó Chủ tịch Hội doanh nghiệp TP. Hồ Chí Minh, cho biết hiện mỗi ngày có khoảng 16.400 xe tải ra vào cảng Cát Lái, trung bình mỗi xe tải phải dừng chờ 2 - 3 giờ, kéo dài đến hàng trăm cây số. Đây là thế kẹt về hạ tầng, khó có thể đáp ứng nhu cầu vận chuyển ngày càng lớn của nền kinh tế.
Có ý kiến cho rằng cần phân tuyến giao thông rõ ràng, nên tách biệt giao thông hàng hóa ra, vào cảng Cát Lái với các tuyến đường di chuyển cho người dân tại những khu vực đông dân, ví dụ như tuyến đường Nguyễn Thị Định, Nguyễn Duy Trinh.
Còn ông Trần Việt Anh thì đề xuất một tuyến đường trên cao tách biệt kết nối từ cụm cảng Cát Lái - Phú Hữu vào cao tốc TP. Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây và sau này là vành đai 3 TP. Hồ Chí Minh.
Về ý tưởng này, ông Hoàng Tùng - Chủ tịch UBND TP. Thủ Đức, cho rằng có nằm trong quy hoạch của Thủ Đức. Cụ thể, song song với quá trình hình thành tuyến vành đai 3 TP. Hồ Chí Minh, Sở Giao thông vận tải đã thống nhất trình UBND TP. Hồ Chí Minh tổ chức đầu tư tuyến đường liên cảng, kết nối trực tiếp cụm cảng Cát Lái - Phú Hữu vào hai tuyến vành đai 3 TP. Hồ Chí Minh và cao tốc TP. Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây. Vấn đề giao thông kết nối chuyên dùng của cụm cảng Cát Lái chắc chắn sẽ được giải quyết cơ bản khi tuyến đường liên cảng hình thành.
Với ưu thế vị trí cảng, ưu thế dịch vụ hậu cần logistics có sẵn, Thủ Đức sẽ định hướng phát triển thành trung tâm thương mại dịch vụ, thu hút đầu tư cho dịch vụ “buôn sỉ, bán lẻ”, trở thành kho hàng lớn nhất cả nước, Chủ tịch UBND TP. Thủ Đức Hoàng Tùng chia sẻ.