Thu gom đồng nát, phế liệu: Mắt xích yếu thế trong kinh tế tuần hoàn

Những người hành nghề đồng nát, ve chai hay còn gọi là lực lượng thu gom rác thải phi chính thức đang âm thầm đưa rác thải quay trở lại đầu vào sản xuất.

Những người thu gom đồng nát, ve chai, phế liệu đang chưa nhận được sự nhìn nhận và quan tâm đúng mức. Ảnh: Tạp chí Tia Sáng.

Những người thu gom đồng nát, ve chai, phế liệu đang chưa nhận được sự nhìn nhận và quan tâm đúng mức. Ảnh: Tạp chí Tia Sáng.

Việt Nam bắt đầu bước vào mùa hạ, với những trưa hè nắng như đổ lửa. Trong điều kiện thời tiết khắc nghiệt ấy, tiếng rao “đồng nát sắt vụn bán đi” vẫn vang lên trên từng ngóc ngách của phố phường.

Từ nhiều năm nay, những người hành nghề đồng nát, ve chai, thường là phụ nữ trong độ tuổi 35 – 40 đổ lên, với chiếc xe đạp cà tàng đã trở thành hình ảnh rất đỗi quen thuộc, đặc biệt tại các thành phố như Hà Nội, Đà Nẵng hay TP. Hồ Chí Minh.

Với nghề mưu sinh là thu mua, lượm lặt những vật liệu có thể tái chế như giấy, nhựa, kim loại từ chất thải phát sinh từ hộ gia đình hay các trường học, công sở, cửa hiệu và thậm chí là cả những bãi tập kết rác, nhóm thu gom rác thải phi chính thức này đang âm thầm góp công sức phân loại rác và đưa rác trở thành đầu vào cho sản xuất.

Theo bà Trâm Nguyễn, Điều phối Mạng lưới kinh tế tuần hoàn thuộc tổ chức WasteAid, vai trò của người thu gom đồng nát, ve chai ngày càng quan trọng trong việc giữ gìn vệ sinh môi trường cũng như thúc đẩy mô hình kinh tế tuần hoàn.

Mặt khác, theo ghi nhận của phóng viên, lực lượng vệ sinh đô thị cho biết những người đồng nát đã hỗ trợ rất nhiều cho hoạt động thu gom rác thải của các công ty môi trường, đặc biệt khi lượng rác thải phát sinh ngày càng quá tải.

Tuy nhiên, vai trò của khu vực phi chính thức vẫn còn bị xem nhẹ trong bức tranh toàn cảnh về kinh tế tuần hoàn. Công việc đồng nát, ve chai bị coi là lao động tự phát, với mức thu nhập không đảm bảo, không được trang bị dụng cụ bảo hộ lao động hay đào tạo, tập huấn kỹ năng.

Một nghiên cứu của Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) tại thành phố Đà Nẵng cũng chỉ ra, nhiều người thu gom rác phi chính thức cảm thấy “bị bỏ rơi” trong tình cảnh khó khăn bởi đại dịch Covid-19, khi không nằm trong nhóm được hưởng chính sách hỗ trợ của Nhà nước.

Những sáng kiến hỗ trợ đồng nát, ve chai

Nhận thức được vai trò của những người đồng nát, ve chai, cũng như thấu hiểu nỗi nhọc nhằn, khó khăn mà họ đang phải gánh chịu, Tổ chức Hành động vì môi trường và phát triển tại Việt Nam (ENDA Việt Nam) đã tiến hành dự Hỗ trợ người thu gom rác dân lập về an sinh xã hội và tái chế rác thải nhựa. Dự án hoạt động theo 2 hướng tiếp cận, bao gồm hỗ trợ trực tiếp và hỗ trợ gián tiếp thông qua vận động chính sách.

Thông qua dự án, ENDA Việt Nam giúp những người hành nghề đồng nát, ve chai xây dựng và tham gia vào các mạng lưới, hợp tác xã để liên kết lại với nhau, tạo ra chỉnh thể nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động thu gom, từ đó tạo ra nguồn thu nhập bền vững.

Mặt khác, dự án cung cấp các trang thiết bị, đào tạo tập huấn về cách thức xử lý rác thải nguy hại, cách thức sơ cứu khi xảy ra rủi ro, đồng thời giúp người thu gom rác độc lập tiếp cận với chương trình bảo hiểm y tế.

Làm việc với ENDA Việt Nam, chính quyền TP. Hồ Chí Minh đã bắt đầu nhìn nhận chính xác hơn về vai trò và giá trị của người thu gom rác thải phi chính thức, từ đó có những chính sách hỗ trợ cụ thể.

Hỗ trợ người thu phế liệu, đồng thời lên thúc đẩy văn hóa phân loại tại nguồn cũng là mục tiêu của doanh nghiệp xã hội mGreen, thông qua ứng dụng mô hình kinh tế chia sẻ trên nền tảng công nghệ 4.0.

Bà Trần Thị Thoa, đồng sáng lập mGreen cho biết, mGreen phát triển hệ sinh thái gom 3 ứng dụng, bao gồm mGreen user dành cho hộ gia đình, mGreen Collector dành cho lực lượng thu gom rác chính thức và phi chính thức và Mpoint shop để đổi quà tặng thông qua điểm tích lũy.

Mô hình tạo ra chỉnh thể kết nối giữa người dân, doanh nghiệp, chính quyền và cả người thu gom phế liệu, đồng nát. Từ đó, công tác thu gom, tái chế được tiến hành thông suốt, bảo vệ lợi ích cho các bên liên quan.

Ứng dụng mGreen cũng tích cực làm việc với các tập đoàn để triển khai thực hiện công cụ chính sách trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất (EPR), đồng thời đẩy mạnh thương mại hóa sản phẩm tái chế.

Sau 2 năm hoạt động, mGreen đã có mặt trên 10 tỉnh, thành với 10.000 người sử dụng, thu gom và tái chế thành công 200 tấn rác thải, trong đó có 40 tấn rác thải nhựa.

Theo Liên minh Tái chế bao bì Việt Nam (PRO Việt Nam), việc nâng cao vai trò của khu vực phi chính thức trong chuỗi giá trị tuần hoàn là đặc biệt qua trọng. Bên cạnh giá trị nhân văn, việc này còn thúc đẩy hiệu quả hoạt động thu gom rác, tránh hiện tượng “phân luồng rác thải”, tức là rác thải chất lượng cao được doanh nghiệp tiếp nhận còn rác thải “bẩn”, kém chất lượng lại không được xử lý, tiếp tục gây ô nhiễm môi trường.

Phạm Sơn

Nguồn Nhà Quản Trị: http://theleader.vn/thu-gom-dong-nat-phe-lieu-mat-xich-yeu-the-trong-kinh-te-tuan-hoan-1621747070645.htm