Thu gom pin cũ sao cho hiệu quả?

Pin cũ là mối nguy hại với môi trường nếu không được xử lý đúng quy trình. Tuy nhiên việc thu gom, xử lý pin cũ sao cho hiệu quả thì không phải ai, địa phương nào ở Hải Dương cũng quan tâm.

Pin đã qua sử dụng là mối đe dọa với môi trường

Pin đã qua sử dụng là mối đe dọa với môi trường

Lúng túng tìm nơi vứt bỏ

Nhiều người không biết có thể vứt bỏ pin đã qua sử dụng ở đâu ngoài thùng rác chung của gia đình. Khoảng 1-1,5 tháng, gia đình bà Nguyễn Thị Vang, ở thôn Vĩnh Duệ, xã Đồng Quang (Gia Lộc) lại phải thay pin cho các điều khiển từ xa của ti vi, quạt, điều hòa… Những cục pin tiểu cũ sẽ được vứt chung với rác thải sinh hoạt của gia đình. “Từ trước tới giờ các cục pin thay ra tôi đều bỏ chung vào thùng rác. Chắc một vài cục pin nhỏ cũng không làm ảnh hưởng nhiều”, bà Vang lý giải.

Chị Hoàng Thị Minh, ở thị trấn Thanh Miện cũng lúng túng mỗi khi thay pin của các thiết bị điện tử trong nhà. Ngoài các điều khiển từ xa, đồng hồ, thì máy đo huyết áp của bố mẹ chị Minh cũng dùng loại pin tiểu này nên khá nhiều pin cũ cần loại bỏ. “Tôi cũng từng để riêng pin đã qua sử dụng trong một hộp nhỏ, nhưng không tìm được chỗ đem bỏ. Để một nơi thì các con lại mang ra chơi nghịch để lung tung, những người lớn khác trong nhà không biết lại cho vào thùng rác chung... Dần dà do không tìm được chỗ thu gom, vứt bỏ đúng quy định nên tôi cũng đành cho vào thùng rác”, chị Minh nói.

Những “ngôi nhà pin”

Đoàn thanh niên thị trấn Nam Sách thu gom pin cũ tại "Ngôi nhà pin" (ảnh cơ sở cung cấp)

Đoàn thanh niên thị trấn Nam Sách thu gom pin cũ tại "Ngôi nhà pin" (ảnh cơ sở cung cấp)

Từ năm 2019, TP Hải Dương là địa phương đầu tiên trong tỉnh có các điểm thu gom pin đã qua sử dụng. Những chiếc hộp nhựa được để ngay các tuyến phố chính, trước cổng trường học đã trở nên quen thuộc với nhiều người dân thành phố. Cứ có pin cũ, các gia đình gom lại rồi đem bỏ vào thùng thu gom pin.

Thành đoàn Hải Dương đã tập trung tuyên truyền, hướng dẫn đoàn viên, thanh niên thực hiện thu gom pin đã qua sử dụng tại nhà rồi đem bỏ vào các thùng thu gom đặt tại các tuyến phố, cổng các trường học. Các Đoàn phường, đoàn các trường học phụ trách tuyên truyền cho thanh thiếu nhi, người dân được biết và cùng thực hiện. Sau hơn 5 năm, mô hình này đã góp phần giúp người dân TP Hải Dương thay đổi thói quen không vứt các loại pin đã qua sử dụng bừa bãi. Hiện toàn TP Hải Dương có khoảng 100 thùng thu gom pin cũ.

Từ năm 2023, mô hình này được bàn giao từ Thành đoàn Hải Dương về Phòng Quản lý đô thị thành phố để khâu xử lý được bài bản hơn. Chỉ tính riêng trong 6 tháng đầu năm 2024, đã có hơn 4 tấn pin cũ được thu gom. “Việc chuyển giao đơn vị phụ trách sang phòng chuyên môn của thành phố sẽ giúp việc xử lý pin sau khi thu gom đạt hiệu quả hơn. Thành đoàn Hải Dương vẫn đảm nhận công tác tuyên truyền, hướng dẫn đoàn viên, thanh niên và người dân hiểu hơn về tác hại của pin cũ để mọi người vứt đúng nơi quy định”, lãnh đạo Thành đoàn Hải Dương cho biết.

Ngoài TP Hải Dương, thị trấn Nam Sách cũng mới xây dựng và đưa mô hình thu gom pin cũ vào hoạt động. Từ tháng 3/2024, Đoàn thanh niên thị trấn Nam Sách đã ra mắt mô hình “Ngôi nhà pin - Thu gom pin cũ - Bảo vệ môi trường". Mô hình hiện có 8 điểm thu gom pin cũ đặt tại một số tuyến phố chính và tại Trường Tiểu học thị trấn Nam Sách. Mặc dù mới hoạt động được gần 6 tháng nhưng đã có hơn 100 kg pin cũ được thu gom tại các “ngôi nhà pin”.

Để có được kết quả này, Đoàn thanh niên thị trấn Nam Sách đã tích cực tuyên truyền cho thanh thiếu nhi về tác hại của pin cũ, truyền thông đến người dân các điểm thu gom. “Trên các thùng thu gom pin cũ Đoàn thanh niên thị trấn Nam Sách còn dán mã QR để người dân có thể tìm hiểu về quy trình xử lý đối với pin đã qua sử dụng. Với cách tuyên truyền này, Đoàn thanh niên mong muốn các bạn trẻ và người dân hiểu rõ hơn về tác hại của pin với môi trường, từ đó có cách xử lý tốt nhất”, chị Phạm Ánh Tuyết, Bí thư Đoàn thanh niên thị trấn Nam Sách chia sẻ.

Tuy nhiên, số lượng pin đã qua sử dụng đang được Đoàn thanh niên thị trấn Nam Sách tập kết tại kho chứ chưa thể chuyển đi xử lý bởi chưa tìm được đơn vị xử lý rác thải nguy hại. Đây cũng là lý do chưa thể nhân rộng mô hình.

Cần sự vào cuộc từ nhiều phía

Theo đánh giá của Bộ Tài nguyên và Môi trường về tác động của pin cho thấy, các hóa chất có trong pin như thủy ngân, chì và cadmium có khả năng gây ô nhiễm môi trường và ảnh hưởng tới sức khỏe con người. Nếu pin được chôn lấp bừa bãi, các hóa chất trong pin có thể thấm vào đất, gây ô nhiễm đến nguồn nước và đất. Trong trường hợp được xử lý bằng cách đốt, các hóa chất có thể gây ô nhiễm không khí và trực tiếp tác động xấu đến sức khỏe con người. Một viên pin nhỏ có thể làm ô nhiễm 500 lít nước hoặc 1m3 đất trong vòng 50 năm. Mỗi ngày sẽ có rất nhiều pin đã qua sử dụng thải ra môi trường, điều này thực sự trở thành mối đe dọa lớn...

Từ thực tế có thể thấy việc hình thành các điểm thu gom pin đã qua sử dụng ở các địa phương không phải là việc khó, mà kinh phí để chi trả cho việc xử lý những pin cũ này mới là vấn đề. Cũng đã có một số siêu thị, cửa hàng tiện dụng thực hiện thu gom pin, nhưng do gặp khó khăn về khâu xử lý nên các mô hình này hiện không còn tồn tại.

Qua tìm hiểu, pin cũng có nhiều loại, các loại có lithium hoặc ắc quy có thể tái chế được, còn dòng pin kẽm carbon hay vẫn gọi là pin “Con Thỏ”, “Con Ó” được nhiều người sử dụng nhất thì không thể tái chế. Loại pin kẽm, carbon thường rẻ tiền, phù hợp với nhu cầu của người tiêu dùng nhưng ít dung lượng và kém chất lượng. Chưa kể dòng pin này khi để cạnh nhau dễ bị chảy nước khiến các kim loại nặng dễ ngấm ra các vật xung quanh. Để hạn chế các loại pin này thải ra môi trường, người tiêu dùng có thể lựa chọn các loại pin có dung lượng cao hơn, chất lượng tốt hoặc các loại pin có thể nạp điện dùng lại trong một thời gian…

Theo quy định tại Luật Bảo vệ môi trường năm 2020, các tổ chức, cá nhân sản xuất, nhập khẩu phải có trách nhiệm tái chế và xử lý sản phẩm của mình theo tỷ lệ và quy cách bắt buộc, hoặc đóng góp tài chính vào Quỹ Bảo vệ môi trường Việt Nam để hỗ trợ xử lý chất thải. Tuy vậy, định hướng chính sách và các quy định pháp luật về quản lý pin nói chung chưa được đề cập nhiều. Hiện nay, cũng chưa có nhiều doanh nghiệp chuyên trách về thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải theo nhóm chất thải, theo nguồn phát thải…

Pin ra đời cách đây 200 năm với không ít những lợi ích mang lại cho cuộc sống. Nhưng để pin không ảnh hưởng đến môi trường sống cần nâng cao ý thức, trách nhiệm của cả nhà sản xuất và người tiêu dùng.

NGÂN HẠNH - THANH HOA

Nguồn Hải Dương: https://baohaiduong.vn/thu-gom-pin-cu-sao-cho-hieu-qua-392008.html