Thu gọn bộ máy phải gắn với nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động

Ghi nhận những kết quả rất rõ nét của tỉnh Thái Nguyên trong thực hiện chính sách, pháp luật về đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập trong giai đoạn 2018 - 2023, tại cuộc làm việc với UBND tỉnh Thái Nguyên, Đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng đề nghị tỉnh tiếp tục rà soát, có giải pháp sáng tạo thực hiện hiệu quả hơn nữa chủ trương này, bảo đảm tinh gọn bộ máy gắn với nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động.

Không “cào bằng” trong giao chỉ tiêu giảm biên chế

Qua làm việc với UBND tỉnh Thái Nguyên, Đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội ghi nhận, giai đoạn 2018 - 2023, tỉnh đã tích cực triển khai thực hiện chính sách, pháp luật về đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập và cơ bản đạt được các mục tiêu của Nghị quyết số 19-NQ/TW của Trung ương như: tỷ lệ giảm số đơn vị sự nghiệp công lập thuộc tỉnh, giảm số biên chế sự nghiệp hưởng lương từ ngân sách Nhà nước, bảo đảm tỷ lệ cấp phó… Thái Nguyên cũng đã nghiêm túc triển khai thực hiện các chủ trương đề ra trong Nghị quyết 19-NQ/TW như sáp nhập, thành lập Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp cấp huyện; thành lập các trường liên cấp… Đến nay, sau khi cơ cấu lại, giải thể đơn vị sự nghiệp công lập hoạt động không hiệu quả, đến nay, Thái Nguyên đã giảm được 118 đầu mối đơn vị.

Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Nguyễn Đắc Vinh làm việc với UBND tỉnh Thái Nguyên. Ảnh: Thanh Chi

Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Nguyễn Đắc Vinh làm việc với UBND tỉnh Thái Nguyên. Ảnh: Thanh Chi

Về tinh giản biên chế, từ năm 2016 đến năm 2021, trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên đã giảm được 2.875 biên chế sự nghiệp, đạt 10,3% so với biên chế giao năm 2015; đến năm 2023, đã giảm thêm 1.664 biên chế. Tỉnh cũng đã tổ chức phân loại viên chức theo vị trí việc làm và sắp xếp, bố trí lại cơ cấu viên chức theo quy định; tiếp tục rà soát, sắp xếp, cơ cấu lại và tinh giản biên chế đối với các chức danh: kế toán, y tế học đường tại các trường mầm non, phổ thông và các chức danh lái xe, bảo vệ, nhân viên phục vụ trong các đơn vị sự nghiệp công lập…

Những kết quả mà tỉnh Thái Nguyên đạt được trong việc thu gọn bộ máy, giảm đầu mối đơn vị sự nghiệp công lập là rất rõ nét. Khẳng định điều này, song các thành viên Đoàn giám sát cũng nhận thấy, với số lượng đơn vị sự nghiệp công lập của tỉnh năm 2023 là 801 đơn vị vẫn ở mức trung bình cao so với các tỉnh trên cả nước. Giai đoạn 2015 - 2021, tỷ lệ giảm đơn vị sự nghiệp công lập trên địa bàn tỉnh là 11,64%, đạt mục tiêu về giảm đơn vị sự nghiệp công lập mà Nghị quyết 19-NQ/TW đã đặt ra. Tuy nhiên, từ năm 2021 đến năm 2023, tỷ lệ giảm mới chỉ đạt 1,35%. Nêu vấn đề này, Ủy viên Thường trực Ủy ban Pháp luật Hoàng Minh Hiếu cũng nhấn mạnh, với tỷ lệ giảm này, mục tiêu tiếp tục giảm 10% số đơn vị sự nghiệp công lập trên địa bàn tỉnh của giai đoạn 2022 - 2026 còn khá xa.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Ngô Trung Thành phát biểu. Ảnh: Thanh Chi

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Ngô Trung Thành phát biểu. Ảnh: Thanh Chi

Từ kinh nghiệm của nhiều địa phương khác, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Ngô Trung Thành nhìn nhận, việc thực hiện mục tiêu giảm 10% biên chế so với giai đoạn 2015 - 2021 là rất khó khăn, vì “những phần có thể triển khai làm tốt được thì tỉnh đã chỉ đạo sát sao làm rồi, những phần còn lại là thực sự khó”. Thành viên Đoàn giám sát cũng đề nghị, tỉnh cần báo cáo rõ hơn khó khăn trong thực hiện; đồng thời, cần “khoanh vùng”, phân loại những lĩnh vực có thể thực hiện giảm biên chế được và những lĩnh vực nào quá khó thì cần báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét.

Làm rõ hơn tình hình thực hiện chỉ tiêu giảm biên chế trên địa bàn tỉnh, đại diện Sở Nội vụ tỉnh Thái Nguyên thẳng thắn cho biết, mục tiêu giảm 10% biên chế trong giai đoạn 2022 - 2026 là rất khó. Tuy nhiên, UBND tỉnh Thái Nguyên cũng đã ban hành đề án và kế hoạch về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả và tinh giản biên chế nhằm bảo đảm đạt được mục tiêu giảm 10% biên chế so với giai đoạn trước. Về giao chỉ tiêu tinh giản biên chế trong khối công chức và các đơn vị sự nghiệp công lập, đại diện Sở Nội vụ tỉnh Thái Nguyên nhấn mạnh, tỉnh không giao “cào bằng” giữa các đơn vị mà căn cứ vào điều kiện cụ thể của từng đơn vị. “Đơn vị nào đủ điều kiện giảm thì giao giảm nhiều hơn, đơn vị nào không thể giảm được nữa thì tỉnh không giao”, đại diện Sở Nội vụ tỉnh Thái Nguyên nói.

Sắp xếp, tổ chức lại bộ máy và tinh giản biên chế cần được thực hiện đồng bộ

Nêu những khó khăn, bất cập trong thực hiện chính sách, pháp luật về tinh giản biên chế, đại diện Sở Nội vụ tỉnh Thái Nguyên cho biết, thực tế, trong quá trình thực hiện sáp nhập, sắp xếp, tổ chức lại đơn vị sự nghiệp công lập sau khi có quyết định của UBND tỉnh về việc tổ chức, sắp xếp lại, một số sở, ban, ngành còn lúng túng, chưa kịp thời ban hành ngay quy định chức năng, nhiệm vụ của các phòng, ban thuộc đơn vị sự nghiệp công lập, mặc dù sau đó các cơ quan, đơn vị cũng đã quy định đầy đủ, bảo đảm theo quy định...

Khó khăn nữa là việc sắp xếp, tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế có thời điểm chưa kịp thời gắn với cơ cấu lại và nâng cao chất lượng đội ngũ viên chức, người lao động. Theo quy định của Chính phủ về tinh giản biên chế, đối tượng tinh giản biên chế thuộc một trong các trường hợp: “dôi dư do rà soát, sắp xếp lại tổ chức bộ máy, nhân sự theo quyết định của cơ quan có thẩm quyền…”; “dôi dư do cơ cấu lại cán bộ, công chức, viên chức theo vị trí việc làm, nhưng không thể bố trí, sắp xếp được việc làm khác” và “chưa đạt trình độ đào tạo theo tiêu chuẩn chuyên môn, nghiệp vụ quy định đối với vị trí việc làm đang đảm nhiệm...”. Tuy nhiên, đối với tỉnh Thái Nguyên, số viên chức nghỉ tinh giản theo ba lý do này chiếm tỷ lệ thấp so với tổng số viên chức nghỉ tinh giản theo các trường hợp khác.

Quang cảnh cuộc làm việc. Ảnh: Thanh Chi

Quang cảnh cuộc làm việc. Ảnh: Thanh Chi

Cụ thể, theo báo cáo của UBND tỉnh Thái Nguyên, từ năm 2015 đến ngày 31.12.2023, tỉnh có 662 viên chức nghỉ tinh giản, trong đó số viên chức nghỉ do “dôi dư do rà soát, sắp xếp lại tổ chức bộ máy, nhân sự theo quyết định của cơ quan có thẩm quyền…” là 15 người (chiếm tỷ lệ 2,27%); “dôi dư do cơ cấu lại cán bộ, công chức, viên chức theo vị trí việc làm, nhưng không thể bố trí, sắp xếp được việc làm khác” là 1 người (chiếm tỷ lệ 0,15%) và “chưa đạt trình độ đào tạo theo tiêu chuẩn chuyên môn, nghiệp vụ” là 70 người (chiếm tỷ lệ 10,57%); số viên chức còn lại nghỉ tinh giản thuộc các trường hợp do đánh giá, xếp loại hàng năm hoặc do sức khỏe không bảo đảm… Mặt khác, sau khi có quyết định của UBND tỉnh Thái Nguyên về việc tổ chức, sắp xếp lại đơn vị sự nghiệp công lập, có thời điểm những đơn vị này phải lựa chọn, kiện toàn bổ sung, thay đổi người đứng đầu và cơ cấu lại vị trí việc làm cho phù hợp.

Từ thực tiễn sắp xếp tổ chức, tinh gọn bộ máy và tinh giản biên chế, đại diện Sở Nội vụ tỉnh Thái Nguyên nêu bài học kinh nghiệm của địa phương là: quá trình thực hiện phải đồng bộ, công khai, dân chủ, minh bạch, thận trọng, không nóng vội; thực hiện bảo đảm theo quy định và phù hợp với tình hình thực tế của đơn vị, địa phương. Cùng với đó, các địa phương, đơn vị cần phải quan tâm đến công tác sơ kết, tổng kết, thi đua, khen thưởng nhằm khắc phục những bất cập, hạn chế, vướng mắc, phát huy những sáng kiến, kinh nghiệm hiệu quả.

Sắp xếp, tổ chức lại các đơn vị sự nghiệp công lập là chủ trương đúng đắn của Đảng nhằm góp phần làm tinh gọn bộ máy, giảm chi ngân sách Nhà nước và nâng cao hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập. Nhấn mạnh ý nghĩa của Nghị quyết 19-NQ/TW, Đoàn giám sát cũng nêu rõ, đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập là một trong những nhiệm vụ trọng tâm ưu tiên hàng đầu, là nhiệm vụ chính trị vừa cấp bách, vừa lâu dài của tất cả các cấp ủy đảng, chính quyền và toàn hệ thống chính trị. Đoàn giám sát đề nghị, tỉnh Thái Nguyên tiếp tục rà soát, có giải pháp sáng tạo nhằm thực hiện mục tiêu mà Nghị quyết 19-NQ/TW đề ra, bảo đảm tinh gọn bộ máy, đầu mối gắn với nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các đơn vị sau sắp xếp, tổ chức lại.

Nhật An

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/dien-dan-quoc-hoi-va-cu-tri/thu-gon-bo-may-phai-gan-voi-nang-cao-chat-luong-hieu-qua-hoat-dong-i370893/