Thu hồi nợ và chuyện vay, trả
Việc trấn áp các hành vi đòi nợ vi phạm pháp luật đang nhận được sự đồng tình của chính các đơn vị cho vay, tuy nhiên, qua câu chuyện này cũng thấy mặt trái của nghĩa vụ trả nợ.
Rủ nhau bùng nợ
Trên mạng xã hội hiện tràn lan các hội nhóm hướng dẫn trốn nợ qua ứng dụng. Nhóm ít nhất có vài trăm người và nhiều nhất là gần 90.000 người, với các bài viết được đăng liên tục.
Chẳng hạn, trong nhóm “Tư vấn bùng nợ - xóa nợ xấu” với gần 50.000 thành viên, hay “Cộng đồng bị nợ xấu tại Việt Nam” với gần 25.000 thành viên trên Facebook có rất nhiều câu hỏi đăng lên nhờ tư vấn như: “Giờ không đóng tiền trả nợ cho F… thì có vấn đề gì không”, “Có ai bùng H… chưa, xin chút ý kiến”. Không chỉ khách hàng vay công ty tài chính, mà người vay ngân hàng cũng muốn bùng nợ như: “Mọi người cho em hỏi, ai bùng S… rồi cho em xin ít kinh nghiệm, em vừa mới chậm trả 4 ngày”, “Mình vay xong, có mất tích được không?”.
Có người nêu hoàn cảnh gặp khó khăn nên không trả được nợ, nhưng nhiều người khác không nêu lý do khi muốn được tư vấn trốn nợ. Đáng lưu ý, không ít ý kiến chia sẻ cách trốn nợ như thay sim điện thoại, xóa tài khoản Facebook, chuyển địa điểm khác sinh sống…, hoặc bày cách trốn nợ công ty tài chính này nhưng vẫn có thể sang công ty tài chính khác vay tiền.
Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư Chứng khoán về tình trạng trên, luật sư Trương Thanh Đức, Giám đốc Công ty Luật ANVI nhận xét, thật đáng buồn khi có những người không biết xấu hổ, không biết áy náy, mà lại công khai, hào hứng rủ rê, lôi kéo nhau bùng nợ, tức bội ước, vi phạm cam kết, coi thường pháp luật.
“Đó chính là hành vi lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản, cần bị lên án và xử lý nghiêm theo pháp luật, kể cả theo Điều 175, Bộ luật Hình sự năm 2015. Cũng cần lưu ý thêm cho những người chỉ dẫn, xúi bẩy, cổ vũ xù nợ trong các hội nhóm đó rằng, họ có thể là người đồng phạm, tiếp tay cho tội phạm”, ông Đức nói.
Cụ thể hơn, Giám đốc Công ty Luật ANVI viện dẫn tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản theo Điều 175, Bộ luật Hình sự 2015 có 4 khung hình phạt.
Khung 1, người nào thực hiện một trong các hành vi sau đây chiếm đoạt tài sản của người khác trị giá từ 4 triệu đồng đến dưới 50 triệu đồng hoặc dưới 4 triệu đồng nhưng đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi chiếm đoạt tài sản hoặc đã bị kết án về tội này hoặc về một trong các tội quy định tại các điều 168, 169, 170, 171, 172, 173, 174 và 290 của Bộ luật Hình sự, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm hoặc tài sản là phương tiện kiếm sống chính của người bị hại và gia đình họ, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm.
Một là, vay, mượn, thuê tài sản của người khác hoặc nhận được tài sản của người khác bằng hình thức hợp đồng rồi dùng thủ đoạn gian dối hoặc bỏ trốn để chiếm đoạt tài sản đó hoặc đến thời hạn trả lại tài sản mặc dù có điều kiện, khả năng nhưng cố tình không trả.
Hai là, vay, mượn, thuê tài sản của người khác hoặc nhận được tài sản của người khác bằng hình thức hợp đồng và đã sử dụng tài sản đó vào mục đích bất hợp pháp dẫn đến không có khả năng trả lại tài sản.
Khung 2, phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây thì bị phạt tù từ 2 - 7 năm: có tổ chức; có tính chất chuyên nghiệp; chiếm đoạt tài sản trị giá từ 50 triệu đồng đến dưới 200 triệu đồng; lợi dụng chức vụ, quyền hạn hoặc lợi dụng danh nghĩa cơ quan, tổ chức; dùng thủ đoạn xảo quyệt; gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội; tái phạm nguy hiểm.
Khung 3, phạm tội chiếm đoạt tài sản trị giá từ 200 triệu đồng đến dưới 500 triệu đồng thì bị phạt tù từ 5 - 12 năm.
Khung 4, phạm tội chiếm đoạt tài sản trị giá 500 triệu đồng trở lên thì bị phạt tù từ 12 - 20 năm.
Với hình phạt bổ sung, người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10 - 100 triệu đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 1 - 5 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.
Sòng phẳng trong vay trả nợ
Cơ quan bảo vệ pháp luật cần trấn áp việc thu hồi nợ manh động hay đòi nợ kiểu xã hội đen, nhưng tỷ lệ chây ì trả nợ rất cao đang làm đau đầu các công ty tài chính và cả các ngân hàng.
Trưởng phòng xử lý nợ của một ngân hàng thương mại cho biết, ngoài những hình phạt trên còn có mức phạt hành chính đối với hành vi lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản. Cụ thể, nếu chưa đủ dấu hiệu cấu thành tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản thì người có hành vi lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản có thể bị xử phạt tiền từ 2 - 3 triệu đồng đối với một trong những hành vi sau.
Thứ nhất, bỏ trốn để chiếm đoạt tài sản hoặc đến thời điểm trả lại tài sản do vay, mượn, thuê tài sản của người khác hoặc nhận được tài sản của người khác bằng hình thức hợp đồng, mặc dù có điều kiện, khả năng nhưng cố tình không trả;
Thứ hai, không trả lại tài sản cho người khác do vay, mượn, thuê tài sản của người khác hoặc nhận được tài sản của người khác bằng hình thức hợp đồng nhưng sử dụng tài sản đó vào mục đích bất hợp pháp dẫn đến không có khả năng trả lại tài sản.
Tuy nhiên, vị trưởng phòng xử lý nợ thừa nhận, không dễ dàng đưa được con nợ ra tòa. Và ra tòa thì chi phí còn tốn kém hơn, mà không biết khi nào mới thu hồi được nợ.
TS. Nguyễn Quốc Hùng, Tổng thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam cho hay, các công ty tài chính tiêu dùng đã chia sẻ với Hiệp hội quan ngại về việc người vay khất lần trả nợ, dẫn đến nợ xấu có nguy cơ gia tăng.
“Các công ty tài chính tiêu dùng đều thống nhất quan điểm, cơ quan bảo vệ pháp luật trấn áp việc thu hồi nợ manh động hay đòi nợ kiểu xã hội đen là rất đúng. Nhưng thực tế như tôi đã đề cập, các công ty tài chính tiêu dùng quan ngại nhất là câu chuyện thu hồi nợ, bởi tỷ lệ chây ì trả nợ rất cao”, ông Hùng nói.
Theo luật sư Trương Thanh Đức, không phải ngẫu nhiên mà xã hội nào, thời kỳ nào cũng tồn tại dịch vụ đòi nợ hộ, đòi nợ thuê. Mọi việc đều có lý do. Khi con người sẵn sàng bội ước thì phải có một bên hỗ trợ thu hồi nợ. Đòi nợ thay là câu chuyện cần được khuyến khích để giải quyết một vấn đề của xã hội. Đương nhiên, phải ngăn chặn tất cả những hành vi vi phạm pháp luật.
Đối với những trường hợp thật sự khó khăn, không trả được nợ, luật sư Đức cho rằng, khách hàng cần phải trình bày với đơn vị cho vay để có các phương án xử lý, chứ không phải im lặng rồi lẳng lặng bỏ khoản nợ. Nếu không giải quyết được tận gốc vấn đề trốn nợ, những người cho vay bất lực thì làm sao nền kinh tế vận hành được hoạt động cho vay.
Ông Nguyễn Quốc Hùng nêu quan điểm, cần trấn áp tội phạm thu hồi nợ bằng hình thức manh động, nhưng người dân vay vốn cần phải có ý thức, trách nhiệm về việc vay thì phải trả nợ.
“Cần phải có biện pháp mạnh mẽ, nghiêm minh đối với những người không trả nợ”, ông Hùng nhấn mạnh.
Nguồn ĐTCK: https://bds.tinnhanhchungkhoan.vn/bat-dong-san/thu-hoi-no-va-chuyen-vay-tra-317687.html