THU HỒI TÀI SẢN KHÔNG QUA THỦ TỤC KẾT TỘI: CÁCH THỨC TIẾP CẬN MỚI TRONG THU HỒI TÀI SẢN BỊ THẤT THOÁT, CHIẾM ĐOẠT
Theo TS. Hoàng Nam Hải, Vụ trưởng Vụ Tư pháp, Văn phòng Quốc hội, thu hồi tài sản bị thất thoát, chiếm đoạt không qua thủ tục kết tội là cách tiếp cận mới, xuất phát từ góc độ của nhiều ngành khoa học, trong đó bao gồm tội phạm học, kinh tế học và xã hội học.
Thu hồi tài sản không qua thủ tục kết tội là quy trình đặc biệt của cơ quan nhà nước, không xét xử bị cáo hay hành vi phạm tội mà tập trung vào xử lý tài sản được cho là có nguồn gốc hoặc có liên quan đến tội phạm, với mục đích thu hồi về cho ngân sách nhà nước hoặc trả lại cho chủ sở hữu hợp pháp của tài sản. Đây là cách tiếp cận mới trong thu hồi tài sản bị thất thoát, chiếm đoạt trong các vụ án hình sự, đặc biệt là các vụ án về kinh tế, tham nhũng, nảy sinh từ yêu cầu thực tiễn khi những biện pháp thu hồi tài sản theo cách thức truyền thống không giải quyết được những bất cập đang phát sinh trong thực tiễn.
Từ thực tiễn một số quốc gia áp dụng cơ chế tịch thu tài sản không qua thủ tục kết tội cho thấy, cơ chế này có ưu điểm là có thể tiến hành tịch thu tài sản của người phạm tội ngay cả khi họ không bị kết án, khắc phục được khó khăn lớn nhất của công tác tịch thu tài sản là phải chứng minh nguồn gốc hợp pháp do phạm tội mà có. Cơ chế này hoàn toàn có thể vận dụng vào Việt Nam để khắc phục nhược điểm của biện pháp thu hồi tài sản tham nhũng, kinh tế thông qua hình thức kết án, đã và đang gặp nhiều trở ngại.
Phương thức hữu ích trong nhiều trường hợp
Nghiên cứu về nội dung này, TS. Hoàng Nam Hải cho biết, thu hồi tài sản không qua thủ tục kết tội đang nổi lên như một công cụ hữu hiệu trong cuộc chiến chống tham nhũng, có khả năng hỗ trợ cho cả khâu ngăn ngừa và cưỡng chế thu hồi tài sản tham nhũng và vai trò của nó đã được công nhận trong Công ước của Liên hợp quốc về chống tham nhũng. Một trong những phương thức quan trọng trong kiểm soát tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn nhằm phòng, chống tham nhũng chính là xử lý tài sản không chứng minh được nguồn gốc hợp pháp, trong đó, nhiều quốc gia trên thế giới quy định các biện pháp thu hồi tài sản này không qua thủ tục kết tội
Theo luật tố tụng của hầu hết các nước trên thế giới, nghĩa vụ chứng minh tội phạm thuộc trách nhiệm của nhà nước. Điều 15 Bộ luật Tố tụng hình sự Việt Nam quy định “Trách nhiệm chứng minh tội phạm thuộc về cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng. Người bị buộc tội có quyền nhưng không buộc phải chứng minh mình vô tội”.
Trong khi đó, tài sản tham nhũng thường được che đậy hết sức tinh vi do hành vi tham nhũng thường do người có chức vụ, quyền hạn thực hiện. Tài sản sau khi tham nhũng được sẽ chuyển dịch cho người khác hoặc tìm mọi cách để biến tài sản đó thành tài sản hợp pháp thông qua các hành vi rửa tiền hết sức phức tạp, qua nhiều khâu, nhiều tầng nấc nên để chứng minh được hành vi phạm tội là vô cùng khó khăn.
Theo quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự nêu trên thì nếu không chứng minh được hành vi phạm tội thì cũng không có cơ chế nào để chứng minh được tài sản mà người có chức vụ, quyền hạn không chứng minh được nguồn gốc hợp pháp là tài sản bất hợp pháp để tiến hành thu hồi theo trình tự, thủ tục của tố tụng hình sự. Chính vì vậy, UNCAC quy định:“Trên cơ sở tuân thủ Hiến pháp và các nguyên tắc cơ bản của hệ thống pháp luật nước mình, mỗi Quốc gia thành viên sẽ áp dụng các biện pháp lập pháp và các biện pháp cần thiết khác nhằm quy định là tội phạm, nếu được thực hiện một cách cố ý, hành vi làm giàu bất hợp pháp, nghĩa là việc tài sản của một công chức tăng đáng kể so với thu nhập hợp pháp của công chức mà công chức này không giải thích được một cách hợp lý về lý do tăng đáng kể như vậy” (Điều 20).
Đồng thời, thu hồi tài sản không qua thủ tục kết tội là phương thức hữu ích trong nhiều trường hợp, nhất là trong trường hợp thu hồi tài sản qua thủ tục kết tội không thể thực hiện được hoặc không có giá trị, ví dụ như: người phạm tội bỏ trốn, người phạm tội chết hoặc chết trước khi ra bản án kết tội, người phạm tội được miễn truy cứu trách nhiệm hình sự; người phạm tội có quyền lực quá lớn, tác động và làm cản trở quá trình điều tra, truy tố, xét xử; trường hợp không xác định được người phạm tội nhưng phát hiện được tài sản phạm tội; tài sản liên quan đến tội phạm được quản lý, sử dụng bởi bên thứ ba; không đủ căn cứ để tiếp tục tiến hành thủ tục truy cứu trách nhiệm hình sự…
TS. Hoàng Nam Hải cho rằng, vai trò của thu hồi tài sản không qua thủ tục kết tội nhằm giảm bớt gánh nặng về nghĩa vụ chứng minh cho nhà nước và là một trong những phương thức hữu hiệu trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng, góp phần thu hồi tài sản bị thất thoát, chiếm đoạt; qua đó tăng cường trách nhiệm, liêm chính của công chức trong thực thi công vụ; giúp kiểm soát tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn có hiệu quả và thực chất hơn; làm giảm nguy cơ làm giàu bất chính và giúp các cơ quan tiến hành tố tụng, các cơ quan khác dễ dàng hơn trong việc phát hiện tham nhũng, thu hồi tài sản và khắc phục hậu quả do hành vi tham nhũng gây ra.
Mặc dù thu hồi tài sản bị thất thoát, chiếm đoạt không qua thủ tục kết tội là công cụ quan trọng trong kiểm soát tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, nhưng chúng không thể đứng độc lập mà khi kết hợp với các công cụ khác sẽ tạo ra hàng rào pháp lý nhằm ngăn ngừa và xử lý hành vi tham nhũng như các quy định về thu hồi tài sản tham nhũng (tài sản có được từ hành vi tham nhũng, tài sản phái sinh từ tài sản tham nhũng), công cụ, phương tiện phạm tội, bồi thường thiệt hại, khắc phục hậu quả… theo quy trình tố tụng. Nếu được thiết kế tốt và hoạt động hiệu quả sẽ trở thành thành phần chính trong kiểm soát tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn.
Cũng theo TS. Hoàng Nam Hải, thu hồi tài sản bị thất thoát, chiếm đoạt không qua thủ tục kết tội là công cụ hữu hiệu để các nhà nước triệt tiêu động cơ tham nhũng của người có chức vụ, quyền hạn. Đồng thời,là cách thức để các nhà nước thu hồi lại những tài sản bị thất thoát, chiếm đoạt để hoàn trả công quỹ và những đối tượng bị thiệt hại do hành vi phạm tội gây ra. Việc thu hồi tài sản bị thất thoát, chiếm đoạt không qua thủ tục kết tội giúp ngăn chặn một cách có hiệu quả việc đưa tài sản có được do hành vi phạm tội quay trở lại phục vụ cho các hành vi bất hợp pháp khác.
Thu hồi tài sản không qua thủ tục kết tội cần được quy định, áp dụng thận trọng với sự giám sát chặt chẽ
Phân tích về ý nghĩa của phương này, TS. Hoàng Nam Hải cho biết, thu hồi tài sản bị thất thoát, chiếm đoạt không qua thủ tục kết tội là cách tiếp cận mới, xuất phát từ góc độ của nhiều ngành khoa học, trong đó bao gồm tội phạm học, kinh tế học và xã hội học. Đây là một giải pháp có hiệu quả cao vì chỉ cần dựa vào “nghi ngờ hợp lý” về “biểu hiện” của tham nhũng (như các khoản chi tiêu, lối sống, các tài sản vượt quá mức thu nhập …) là có thể xử lý ngay vấn đề tài sản mà không cần truy đến cùng xem người có chức vụ, quyền hạn đó đã có hành vi vi phạm cụ thể gì.
Việc áp dụng biện pháp này không tránh khỏi những băn khoăn, quan ngại về nguy cơ vi phạm một số quyền con người cơ bản, trong đó có quyền riêng tư, quyền xét xử công bằng, quyền suy đoán vô tội, … Tuy nhiên, có nhiều căn cứ để khẳng định rằng, thu hồi tài sản bị thất thoát, chiếm đoạt không qua thủ tục kết tội nếu được quy định và áp dụng thận trọng, với sự giám sát chặt chẽ của các cơ quan có thẩm quyền thì không những không ảnh hưởng tới quyền con người mà ngược lại sẽ góp phần không nhỏ vào việc đảm bảo các quyền này.
Cho đến nay, những biện pháp thu hồi tài sản theo cách thức truyền thống không còn hiệu quả trong việc giải quyết những vấn nạn tham nhũng. Nguyên nhân là do những yêu cầu phức tạp về thủ tục mà biện pháp thu hồi tài sản truyền thống là dựa trên kết án hình sự đem lại hiệu quả rất thấp trên thực tế, đặc biệt là ở những nước mà ý thức tôn trọng và chấp hành pháp luật chưa tốt trong khi nguồn lực và năng lực thực thi pháp luật của các cơ quan tiến hành tố tụng còn nhiều hạn chế. Bên cạnh đó, trong các vụ án phức tạp thì nhiều hành vi phạm tội đã được thực hiện trong một khoảng thời gian dài trước khi bị phát hiện, điều tra, truy tố, xét xử.
Theo đó, công tác truy tìm, tạm giữ, kê biên, phong tỏa, tịch thu tài sản do phạm tội mà có gặp rất nhiều khó khăn. Nhiều trường hợp tài sản bị thất thoát, chiếm đoạt đã bị tẩu tán, chuyển ra nước ngoài, tuy đã được phong tỏa nhưng không thể thu hồi do sự bất hợp tác của nền tài phán nơi có tài sản hoặc pháp luật quốc gia không đáp ứng yêu cầu về tương trợ tư pháp, không đáp ứng được các yêu cầu về chứng cứ, …
Thu hồi tài sản bị thất thoát, chiếm đoạt không qua thủ tục kết tội có thể được xem là biện pháp thu hồi bổ sung khi việc thu hồi tài sản bị thất thoát, chiếm đoạt qua thủ tục kết tội không đem lại kết quả. Ví dụ như trong trường hợp có sự can thiệp bất hợp pháp; bị cáo chết, bỏ trốn hoặc không xác định được kẻ phạm tội; bị cáo được tuyên vô tội; tài sản đã bị tẩu tán hết; xác định được tội phạm nhưng không thể dẫn độ tội phạm về nước do yêu cầu về tương trợ tư pháp không được nước bạn đáp ứng,…/.
Nguồn Quốc Hội: https://quochoi.vn//tintuc/pages/tin-hoat-dong-cua-quoc-hoi.aspx?itemid=78721