Thu hồi tài sản tham nhũng

Sau 10 năm thành lập Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng (PCTN) trực thuộc Bộ Chính trị, do đồng chí Tổng Bí thư làm Trưởng ban theo Kết luận số 21-KL/TW, ngày 25/5/2012 của Hội nghị TƯ 5 khóa XI, công tác PCTN đã có bước tiến mạnh, đột phá, đạt nhiều kết quả rất quan trọng, toàn diện, rõ rệt, để lại dấu ấn tốt, tạo hiệu ứng tích cực, lan tỏa mạnh mẽ trong toàn xã hội, được cán bộ, đảng viên, nhân dân đồng tình, hưởng ứng, đánh giá cao, cộng đồng quốc tế ghi nhận.

Ảnh minh họa.

Ảnh minh họa.

10 năm qua, các cơ quan tiến hành tố tụng cả nước đã khởi tố, điều tra 19.546 vụ, 33.868 bị can; truy tố 16.699 vụ, 33.037 bị can về các tội tham nhũng, chức vụ, kinh tế. Trong đó, khởi tố 5.841 bị can phạm tội về tham nhũng; truy tố 6.199 bị can; xét xử sơ thẩm 5.647 bị cáo. Riêng Ban chỉ đạo TƯ đã đưa 977 vụ án, vụ việc tham nhũng, tiêu cực nghiêm trọng, phức tạp vào diện theo dõi, chỉ đạo ở 3 cấp độ...

Những kết quả trên góp phần quan trọng vào công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, giữ vững ổn định chính trị và phát triển kinh tế-xã hội của đất nước.Tuy nhiên, tham nhũng, tiêu cực trên một số lĩnh vực vẫn nghiêm trọng, gây bức xúc trong dư luận. Công tác xử lý tham nhũng còn nhiều bất cập khi tỷ lệ thu hồi tài sản tham nhũng vẫn còn thấp.

Theo Ban Nội chính TƯ, 10 năm qua, cơ quan thi hành án dân sự các cấp đã thu hồi được 61.000 tỷ đồng (đạt tỷ lệ 34,7%). Riêng các vụ án thuộc diện Ban chỉ đạo Trung ương theo dõi, chỉ đạo thu hồi được gần 50.000 tỷ đồng (đạt 41,3%).

Mặc dù, tỷ lệ thu hồi tài sản tham nhũng thời gian qua đã cao hơn nhiều so với trước (năm 2013, tỷ lệ này chỉ đạt 10%) nhưng chưa đáp ứng được yêu cầu đặt ra. Số tiền, tài sản bị thất thoát do tham nhũng rất lớn nhưng tài sản để đảm bảo thi hành án thì nhỏ.

Một trong những nguyên nhân chính là do pháp luật hiện hành quy định: Kê biên tài sản chỉ áp dụng với bị can, bị cáo về tội mà Bộ luật Hình sự quy định hình phạt tiền, bị tịch thu tài sản hoặc để đảm bảo bồi thường thiệt hại. Còn trước đó, tài sản sở hữu của đối tượng bị điều tra, kể cả trong thời gian khởi tố vụ án nhưng chưa khởi tố bị can được hưởng quyền bất khả xâm phạm.

Đây chính là kẽ hở của pháp luật, vô hình trung giúp cho tội phạm có điều kiện tẩu tán, che giấu, hợp lý hóa tài sản trong suốt giai đoạn thanh tra, kiểm tra, kiểm toán, điều tra, truy tố, xét xử.

Để khắc phục những bất cập trên, ngày 2/6/2021, Ban Bí thư đã ban hành Chỉ thị số 04-CT/TW về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác thu hồi tài sản bị thất thoát, chiếm đoạt trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế”.

Chỉ thị nêu rõ yêu cầu mang tính đột phá là xây dựng “cơ chế thu hồi tài sản bị thất thoát, chiếm đoạt không qua thủ tục kết tội”. Cơ quan kiểm soát tài sản, thu nhập có thể áp dụng ngay biện pháp ngăn chặn, tránh tẩu tán, chuyển dịch, hay hợp thức hóa tài sản tham nhũng khi một người nào đó bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

Rõ ràng để nâng cao hơn nữa hiệu quả thu hồi tài sản tham nhũng, cần có giải pháp đồng bộ, mạnh mẽ trong thời gian tới. Trước hết, cần xác định công tác thu hồi tài sản tham nhũng là nhiệm vụ quan trọng, xuyên suốt trong quá trình thực hiện công tác PCTN của cấp ủy, tổ chức đảng, người đứng đầu các cấp; đồng thời, xử lý nghiêm đối với các trường hợp không tích cực trong việc thu hồi tài sản tham nhũng.

Các chuyên gia pháp luật đề nghị Nhà nước sớm sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện các quy định pháp luật về hình sự, tố tụng hình sự, dân sự, thi hành án dân sự, tố tụng dân sự, giám định, định giá, tín dụng, ngân hàng, đăng ký tài sản, đấu giá tài sản công... theo hướng kê biên, phong tỏa tài sản để bảo đảm thi hành án không phải chờ đến khi khởi tố bị can.

Mặt khác, hoàn thiện thể chế về đăng ký, kê khai tài sản của cán bộ, công chức theo hướng minh bạch, hạn chế việc lợi dụng khoảng trống pháp lý hoặc thiếu đồng bộ, thống nhất trong quy định pháp luật để tẩu tán, che giấu tài sản.

Thanh Thảo

Nguồn Biên Phòng: https://bienphong.com.vn/thu-hoi-tai-san-tham-nhung-post452167.html