Thu hút đầu tư nước ngoài chuyển biến tốt

Bức tranh thu hút vốn đầu tư FDI của Việt Nam tiếp tục có nhiều gam màu sáng.

Kết quả thu hút dòng vốn ngoại thời gian qua cho thấy các tập đoàn, doanh nghiệp công nghệ lớn tiếp tục tin tưởng, mở rộng đầu tư và cam kết mở rộng đầu tư tại Việt Nam

Tập đoàn Hyosung (Hàn Quốc) dự kiến đầu tư thêm 4 tỉ USD, tạo thêm khoảng 10.000 việc làm mới, nâng tổng số vốn rót vào Việt Nam lên 8 tỉ USD. Thông tin này được ông Cho Hyun-joon, Chủ tịch Tập đoàn Hyosung, đưa ra tại cuộc gặp Thủ tướng Phạm Minh Chính ngày 14-10.

Nhiều gam màu sáng

Hyosung là đối tác FDI lớn thứ 3 của Hàn Quốc tại Việt Nam, sau Samsung và LG. Tập đoàn này đã rót hơn 4 tỉ USD vào Việt Nam từ năm 2007, với các lĩnh vực đầu tư chính như công nghiệp nguyên vật liệu, dệt, hóa học, hệ thống điện.

Ông Cho Hyun-joon khẳng định môi trường đầu tư của Việt Nam rất đáng tin cậy và tin tưởng Việt Nam sẽ trở thành trung tâm sản xuất của châu Á. Trong cuộc gặp Thủ tướng Phạm Minh Chính, ông Cho Hyun-joon nhấn mạnh: "Hyosung đang thực hiện cam kết đặt tương lai 100 năm tới tại Việt Nam".

Bức tranh thu hút vốn đầu tư FDI của Việt Nam tiếp tục có nhiều gam màu sáng. Cục Đầu tư nước ngoài - Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH-ĐT) cho biết tổng vốn FDI đăng ký trong 9 tháng qua đạt hơn 24,78 tỉ USD, tăng 11,6% so cùng kỳ năm 2023. Vốn FDI thực hiện ước đạt 17,3 tỉ USD, tăng 8,9%, cao nhất của 9 tháng trong 5 năm qua, vượt cả thời điểm trước dịch COVID-19. Riêng tháng 9, lượng vốn FDI đăng ký đã chiếm 17,2% mức lũy kế từ đầu năm (tương đương 4,26 tỉ USD).

Kết quả thu hút dòng vốn ngoại thời gian qua cho thấy các tập đoàn, doanh nghiệp (DN) công nghệ lớn tiếp tục tin tưởng, mở rộng đầu tư và cam kết mở rộng đầu tư tại Việt Nam.

Ngoài Hyosung, tại Bắc Ninh, dự án Nhà máy sản xuất, lắp ráp và thử nghiệm vật liệu, thiết bị bán dẫn của Amkor Technology Việt Nam điều chỉnh tăng thêm 1,07 tỉ USD. Dự án Nhà máy FCPV Foxconn Bắc Ninh của Foxconn Singapore có vốn đầu tư 383,3 triệu USD. Dự án Nhà máy chế tạo các sản phẩm điện tử, phương tiện, thiết bị mạng và các sản phẩm âm thanh đa phương tiện của Goertek ở Quế Võ cũng tăng thêm vốn đầu tư 130 triệu USD.

TP Hải Phòng là điểm đến của các nhà đầu tư hàng đầu thế giới như: Tập đoàn LG (Hàn Quốc) có dự án với tổng vốn đầu tư trên 7,24 tỉ USD, Tập đoàn Bridgestone (Nhật Bản) 1,22 tỉ USD, Tập đoàn Regina Miracle (Hồng Kông - Trung Quốc) trên 1 tỉ USD, Tập đoàn Pegatron (Đài Loan - Trung Quốc) trên 800 triệu USD, Tập đoàn SK (Hàn Quốc) trên 500 triệu USD…

Không chỉ tăng trưởng về lượng, dòng vốn FDI vào Việt Nam còn ghi nhận sự dịch chuyển mạnh mẽ về chất khi thu hút đầu tư có chọn lọc, ưu tiên các dự án công nghệ cao, có sức lan tỏa lớn, thân thiện môi trường, tạo động lực thúc đẩy chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, phát triển kinh tế tuần hoàn và các ngành, lĩnh vực mới nổi như chip bán dẫn, trí tuệ nhân tạo (AI), hydrogen… Hiện một số tập đoàn lớn đã đầu tư sản xuất chip bán dẫn tại Việt Nam như Intel, Samsung, Synopsys... Những tên tuổi lớn khác như Google, Apple, Meta, Nvidia cũng đang tìm hiểu cơ hội đầu tư trong các lĩnh vực này.

Tại Ngày hội đổi mới sáng tạo do Bộ KH-ĐT tổ chức mới đây, ông Raymond Teh - Phó Chủ tịch cấp cao toàn cầu Nvidia - cho biết thời gian tới Nvidia muốn hợp tác với Việt Nam, hỗ trợ các công ty khởi nghiệp, cá nhân, học sinh tiếp cận AI thông qua việc cung cấp các nền tảng đám mây, GPUs; hợp tác với các công ty phần mềm, công nghệ thông tin… để giúp họ hiểu cách vận hành AI trong những lĩnh vực khác nhau.

Đã chuyển dịch tích cực

Chia sẻ tại buổi cập nhật kinh tế vĩ mô của Ngân hàng HSBC Việt Nam, ngày 15-10, ở TP HCM, ông Frederic Neumann - Giám đốc khối nghiên cứu kinh tế châu Á của Ngân hàng HSBC - nhận định Việt Nam đang hưởng lợi từ dòng vốn FDI chảy vào, trong đó nổi bật là vốn ngoại từ Trung Quốc.

Cảng Hyosung tại tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu. Ảnh: BÍCH NGỌC

Cảng Hyosung tại tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu. Ảnh: BÍCH NGỌC

Nhu cầu đa dạng hóa nơi sản xuất, giảm tác động của cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung thời gian qua và chi phí nhân công của Trung Quốc tăng cao… đã thúc đẩy vốn ngoại dịch chuyển từ Trung Quốc sang các nước trong khu vực ASEAN, trong đó có Việt Nam.

"Một trong những lợi thế lớn của Việt Nam là tham gia rất nhiều hiệp định thương mại tự do (FTA), là ngôi sao sáng và điểm đến cho nhà đầu tư có nhu cầu xây dựng nhà máy sản xuất, bao gồm cả trong lĩnh vực chip bán dẫn, linh kiện điện tử" - ông Frederic Neumann nói.

Ông Troy Griffiths, Phó Giám đốc điều hành Savills Việt Nam, cũng cho rằng phần lớn vốn FDI vẫn tập trung vào lĩnh vực sản xuất. Điều đáng mừng là cấu trúc đầu tư vào sản xuất đã có sự chuyển dịch tích cực, thay vì tập trung vào các ngành truyền thống như dệt may, gỗ, đã có sự gia tăng đáng kể của các dự án đầu tư vào lĩnh vực công nghệ cao như điện tử, sản xuất linh kiện.

"Sự chuyển dịch này không chỉ mang lại nguồn vốn đầu tư lớn mà còn góp phần nâng cao năng lực sản xuất, tạo ra nhiều việc làm chất lượng cao và thúc đẩy sự phát triển của các ngành công nghiệp hỗ trợ. Việt Nam đang dần chuyển mình từ điểm đến đầu tư giá rẻ sang trung tâm sản xuất công nghệ cao có giá trị gia tăng lớn hơn. Bản chất của dòng vốn FDI đã thay đổi đáng kể, đặc biệt là trong quý III, với sự gia tăng đáng kể các nhà đầu tư đến từ Trung Quốc và Hồng Kông (Trung Quốc), phản ánh nhu cầu bảo đảm chuỗi cung ứng ổn định, một xu hướng toàn cầu hiện nay" - ông Troy Griffiths nói.

Nâng cao tính sẵn sàng

Thời gian tới, theo GS-TSKH Nguyễn Mại - Chủ tịch Hiệp hội DN đầu tư nước ngoài, để thu hút ngày càng nhiều dự án FDI chất lượng và hiệu quả kinh tế cao hơn cũng như giữ chân các "ông lớn" công nghệ, Việt Nam cần chiến lược phù hợp với bối cảnh hiện tại; chú trọng hoàn thiện thể chế về đầu tư, hiện đại hóa cơ sở hạ tầng để nâng cao tính sẵn sàng, đồng thời cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, đổi mới quản lý nhà nước.

Dưới góc độ địa phương, ông Lê Trung Kiên - Trưởng Ban Quản lý Khu Kinh tế Hải Phòng - cho rằng việc xây dựng niềm tin với các nhà đầu tư là rất quan trọng. Hải Phòng đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh thông thoáng, thuận lợi cho các nhà đầu tư.

Bên cạnh đó, địa phương cũng luôn sẵn sàng về hạ tầng KCN, hạ tầng giao thông với bến cảng, đường cao tốc... Nhanh chóng tháo gỡ khó khăn, vướng mắc của các DN, nhà đầu tư. Cùng với những định hướng về phát triển KCN xanh, bền vững, Hải Phòng đang tạo ra những lợi thế cạnh tranh trong thu hút vốn FDI.

TS Trần Quang Thắng - Viện trưởng Viện Kinh tế và Quản lý TP HCM - nhận định cần xem xét các giải pháp đồng bộ, tinh tế, toàn diện và linh hoạt.

Cụ thể, đầu tư vào cơ sở hạ tầng chiến lược như giao thông, năng lượng và viễn thông để giảm chi phí và tăng tính cạnh tranh cho hàng hóa và DN. Tiếp tục cải cách thủ tục hành chính, giảm chi phí tuân thủ và tăng cường phân quyền để tạo điều kiện thuận lợi cho các dự án của nhà đầu tư. Cung cấp các chính sách ưu đãi về thuế, đất đai và các hỗ trợ khác để khuyến khích họ mở rộng đầu tư và hoạt động lâu dài tại Việt Nam.

"Khuyến khích đầu tư vào các ngành công nghệ cao, năng lượng sạch và chuyển giao công nghệ để giúp DN Việt Nam tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu. Hợp tác với nhà đầu tư trong việc đào tạo và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu của các dự án công nghệ cao và sản xuất hiện đại. Khuyến khích DN hợp tác với các trường đại học và viện nghiên cứu tại Việt Nam để phát triển các dự án nghiên cứu và phát triển, từ đó tạo ra những sản phẩm và công nghệ mới" - TS Trần Quang Thắng nói.

Tăng hiệu quả, nâng chất lượng

Bộ trưởng Bộ KH-ĐT Nguyễn Chí Dũng nêu rõ Việt Nam có hệ thống chính trị ổn định, đang thúc đẩy đổi mới sáng tạo, các ngành công nghệ cao, sẽ là cơ sở quan trọng để kêu gọi, hợp tác, thu hút đầu tư trong nhiều lĩnh vực công nghệ cao. Thời gian qua, cơ quan này đã chủ động phối hợp các bên liên quan đẩy mạnh đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao tham gia ngành công nghiệp trí tuệ nhân tạo và bán dẫn, nhằm thực hiện mục tiêu đào tạo 50.000 kỹ sư từ nay tới năm 2030.

Đây là cơ sở quan trọng để Việt Nam tiếp tục thúc đẩy hợp tác, thu hút đầu tư FDI trong thời gian tới, phù hợp với định hướng tăng cường hiệu quả, nâng cao chất lượng dòng vốn này.

Hyosung tiếp tục đầu tư lớn

Tại tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, năm 2021, Tập đoàn Hyosung đang hoạt động nhà máy sản xuất PP và kho ngầm chứa khí hóa lỏng LPG, tổng đầu tư 1,3 tỉ USD, gồm tổ hợp nhà máy sản xuất polypropylene 1 và 2, công suất 300.000 tấn/năm/nhà máy; bến cảng chuyên dùng tiếp nhận tàu trọng tải 60.000 tấn; nhà máy sản xuất propylene và ethylene, công suất 600.000 tấn/năm và kho ngầm LPG sức chứa 240.000 tấn.

Mới đây, Hyosung quyết định đầu tư dự án có quy mô lớn tiếp theo tại tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu là nhà máy sản xuất sợi sinh học từ đường thô, do Công ty TNHH Hyosung Đồng Nai làm chủ đầu tư, được Ban Quản lý các KCN tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cấp giấy chứng nhận đầu tư lần đầu vào tháng 3-2024, tổng vốn đầu tư khoảng 730 triệu USD, tại KCN Phú Mỹ 2. Đây là một trong những dự án đầu tiên không chỉ của Hyosung mà còn của thế giới, sử dụng công nghệ hiện đại để sản xuất loại nguyên liệu này.

Hyosung đã có một số đề xuất về việc nhập khẩu và xây dựng nguồn nguyên liệu, đào tạo lao động, xây dựng đường ống dẫn nhiên liệu từ kho chứa của Hyosung đến nhà máy sản xuất.

Ng.Giang

MINH CHIẾN - THÁI PHƯƠNG

Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/thu-hut-dau-tu-nuoc-ngoai-chuyen-bien-tot-196241015204110201.htm