Thủ tướng: Điểm nghẽn hạ tầng và nhân lực cản trở 'vùng đất Chín Rồng' cất cánh

Theo Thủ tướng Phạm Minh Chính, 2 điểm nghẽn lớn của Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) là hạ tầng và nhân lực.

Chiều 16/10, Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và Đoàn đại biểu Quốc hội TP. Cần Thơ có cuộc tiếp xúc với cử tri chuyên đề gặp gỡ đại diện cán bộ, hội viên tiêu biểu Hội Nông dân và chủ doanh nghiệp, hợp tác xã sản xuất, kinh doanh nông sản trên địa bàn TP. Cần Thơ trước Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV.

Thủ tướng Phạm Minh Chính tiếp xúc cử tri trước Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV, tại Cần Thơ - Ảnh: VGP: Nhật Bắc

Thủ tướng Phạm Minh Chính tiếp xúc cử tri trước Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV, tại Cần Thơ - Ảnh: VGP: Nhật Bắc

Tại cuộc tiếp xúc, Đoàn ĐBQH TP. Cần Thơ đã thông báo về nội dung, chương trình Kỳ họp thứ 8 và tình hình thực hiện các chính sách về sản xuất, kinh doanh nông sản trên địa bàn TP.

Đoàn ĐBQH nhận được nhiều ý kiến, kiến nghị xoay quanh các nội dung hỗ trợ người dân về biến đổi khí hậu, dự án hỗ trợ cho các hợp tác xã về trang thiết bị máy móc... trong Đề án 1 triệu hecta lúa chất lượng cao; hỗ trợ chuyển đổi nghề; đề nghị hỗ trợ bảo hiểm xã hội cho người lao động tự do…

Cử tri cũng nêu các ý kiến liên quan việc triển khai Nghị quyết của Quốc hội về Trung tâm liên kết, sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp vùng ĐBSCL tại Cần Thơ; hỗ trợ các hợp tác xã, nông dân tại các vùng sản xuất lúa chuyên canh, chính sách tín chỉ cacbon để tăng thu nhập cho nông dân; tín dụng ưu đãi cho nông dân, hỗ trợ và xây dựng chuỗi liên kết sản xuất và đầu ra nông sản; hỗ trợ nông dân chuyển đổi nghề nghiệp, làm việc tại các khu công nghiệp.

Quang cảnh buổi tiếp xúc cử tri - Ảnh: VGP: Cần Thơ

Quang cảnh buổi tiếp xúc cử tri - Ảnh: VGP: Cần Thơ

Phát biểu tại hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ vị trí, vai trò của ĐBSCL; trong đó có đảm bảo an ninh lương thực; sản xuất, chế biến, xuất khẩu sản phẩm nông nghiệp; sự quan tâm, đầu tư của Đảng, Nhà nước dành cho ĐBSCL về phát triển hạ tầng chiến lược, nhất là hạ tầng giao thông, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, chống biến đổi khí hậu bằng những chương trình, dự án cụ thể...

Đối với đề nghị của cử tri về tài chính, Chính phủ đã chỉ đạo Ngân hàng Nhà nước dành nhiều gói tín dụng, ưu đãi cho người dân, doanh nghiệp, trong đó có tín dụng cho nông nghiệp; yêu cầu các ngân hàng thúc đẩy triển khai để gói tín dụng tới tận tay người dân.

Về chính sách cho người dân vùng nguy cơ sạt lở cao, Thủ tướng yêu cầu TP. Cần Thơ phối hợp với các bộ, ngành vận dụng linh hoạt chương trình, đề án để đảm bảo an toàn, ổn định cuộc sống của nhân dân.

Người đứng đầu Chính phủ chỉ rõ tinh thần địa phương sử dụng ngay ngân sách để hỗ trợ; đồng thời cho biết cả nước đang chung tay với quyết tâm đến hết năm 2025 phải xóa xong nhà tạm, nhà dột nát trên phạm vi toàn quốc, trong đó có những người dân bị ảnh hưởng bởi sạt lở tại ĐBSCL.

Liên quan kiến nghị của cử tri về bảo hiểm xã hội, Thủ tướng đang chỉ đạo Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội xem xét, nghiên cứu nâng mức hỗ trợ về bảo hiểm xã hội cho người nông dân, hộ nghèo, hộ cận nghèo bởi vì đây là đòi hỏi chính đáng.

Cử tri nêu ý kiến tại buổi tiếp xúc - Ảnh: VGP: Nhật Bắc

Cử tri nêu ý kiến tại buổi tiếp xúc - Ảnh: VGP: Nhật Bắc

Thủ tướng nhất trí với ý kiến của cử tri về việc cần sớm triển khai xây dựng Trung tâm liên kết, sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp vùng Đồng bằng sông Cửu Long tại TP. Cần Thơ để phục vụ phát triển cả vùng; giao Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn khẩn trương xúc tiến nhiệm vụ này.

Đối với đề xuất của cử tri về thúc đẩy cơ giới hóa nông nghiệp, Thủ tướng cho biết, đất nước ta đang đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, trong đó có nông nghiệp.

Cùng với cơ giới hóa nông nghiệp, phải quy hoạch, xây dựng thương hiệu cho sản phẩm nông nghiệp, huy động sự vào cuộc của giới khoa học, các ngân hàng, doanh nghiệp vào phát triển nông nghiệp; thúc đẩy liên kết giữa người dân, hợp tác xã, doanh nghiệp; phát triển hạ tầng số, giao thông, thủy lợi, điện, công nghiệp chế biến…

"Về nông nghiệp, chúng ta phải thổi hồn vào cây lúa, thổi sức sống mới cho ngành lúa gạo, vào trái cây, vào các sản vật của ĐBSCL... bằng công nghệ số, phát triển xanh, phát triển kinh tế tuần hoàn, kinh tế chia sẻ, kinh tế tri thức, ứng dụng khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo", Thủ tướng nhấn mạnh.

Theo Thủ tướng, ĐBSCL có 2 điểm nghẽn là hạ tầng đang được tháo gỡ tích cực và điểm nghẽn về nguồn nhân lực chất lượng cao. Nếu giải quyết được 2 điểm nghẽn lớn này thì ĐBSCL sẽ phát triển mạnh.

Bên cạnh đó, ĐBSCL hiện có 4 vấn đề lớn là sạt lở, sụt lún, khô hạn, ngập úng. Riêng năm 2023 đã chi hơn 4.000 tỷ đồng để ứng phó sạt lở tại khu vực ĐBSCL, đồng thời triển khai nhiều dự án lớn như thủy lợi Cái Lớn - Cái Bé...

Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết, đang nỗ lực để tới hết năm 2025, hoàn thành xây dựng khoảng 600 km cao tốc tại ĐBSCL, xây dựng nâng cấp, cải tạo sân bay Cần Thơ, Cà Mau, Phú Quốc, cảng Cái Cui, các cảng thủy nội địa…; đẩy mạnh đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao tại ĐBSCL.

Chí Tâm

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/thu-tuong-diem-nghen-ha-tang-va-nhan-luc-can-tro-vung-dat-chin-rong-cat-canh-352908.html