Thu hút đầu tư từ EU: Việt Nam cần cải thiện môi trường kinh doanh theo hướng lâu dài, bền vững hơn

Để thu hút đầu tư từ châu Âu, Việt Nam cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh theo một cách khác, cơ bản hơn, lâu dài hơn, bền vững hơn.

Sau 3 năm Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) đi vào thực thi, số liệu của Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho thấy, đến tháng 8/2023, có 25/27 nước thuộc EU đầu tư vào việt Nam với tổng vốn đạt 27,6 tỷ USD gồm 2.384 dự án, chiếm 6,42% tổng vốn đầu tư FDI đăng ký vào Việt Nam, đưa EU lên vị trí thứ 6 các đối tác đầu tư FDI nhiều nhất vào Việt Nam. Theo Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (EuroCham), đây là minh chứng cho sự phát triển nhanh chóng và sâu sắc trong mối quan hệ giữa các doanh nghiệp của EU và Việt Nam, xuất phát từ các yếu tố địa chính trị và nhu cầu mở rộng thị trường sang châu Á.

Ông Nguyễn Văn Toàn - Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (VAFIE) đã chia sẻ thêm về cơ hội cũng như thách thức đặt ra trong thu hút đầu tư từ EU thời gian tới.

Hiệp định EVFTA tác động tích cực đến đầu tư của châu Âu tại Việt Nam. Ảnh: TTXVN

Hiệp định EVFTA tác động tích cực đến đầu tư của châu Âu tại Việt Nam. Ảnh: TTXVN

Sau ba năm thực thi, ông đánh giá như thế nào về tác động của Hiệp định EVFTA đối với hoạt động đầu tư của doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam?

Trong Hiệp định EVFTA có một chương liên quan đến đầu tư, trong đó hai bên tạo thuận lợi cho đầu tư từ EU vào Việt Nam. Điều này mở ra nhiều cơ hội để doanh nghiệp châu Âu đầu tư vào Việt Nam và ngược lại. Đặc biệt, khi Hiệp định Bảo hộ đầu tư (EVIPA) được các thành viên EU thông qua và có hiệu lực sẽ tiếp tục mở ra nhiều cơ hội để thu hút FDI từ châu Âu. Bởi hiện làn sóng dịch chuyển đầu tư của EU đang gia tăng. Đơn cử, Đức bình quân đầu tư ra nước ngoài một năm khoảng 60 tỷ USD, Pháp khoảng 30 tỷ USD, Thụy Điển cũng rất nhiều.

Thế nhưng, nếu nhìn vào số lượng vốn đăng ký và vốn thực hiện của các nước EU vào Việt Nam hiện nay thì Hà Lan đang đứng đầu, chiếm khoảng gần nửa số vốn đầu tư của EU vào Việt Nam. Việc Hà Lan đang dẫn đầu về đầu tư vào Việt Nam cho thấy, doanh nghiệp Hà Lan phù hợp hơn với môi trường đầu tư ở Việt Nam. Còn những doanh nghiệp của Pháp, Đức, Thụy Điển có vẻ như môi trường đầu tư của Việt Nam chưa phù hợp với họ. Tuy nhiên, gần đây, Đức cũng nổi lên khi vốn đầu tư vào Việt Nam gia tăng và Đan Mạch cũng triển khai nhiều dự án lớn tại Việt Nam. Có thể xem đây là những điểm sáng mà chúng ta cần phát huy.

Từ sự rộng mở đón sóng đầu tư của châu Âu, theo ông doanh nghiệp Việt Nam đang gặp thách thức nào trong quá trình liên kết, hợp tác đầu tư, kinh doanh và chuyển giao công nghệ với các doanh nghiệp châu Âu?

Nhìn lại trước đây khi các nhà đầu tư nước ngoài đầu tiên vào Việt Nam hầu hết theo hình thức liên doanh với một doanh nghiệp Việt Nam. Còn hiện nay các nhà đầu tư nước ngoài vào Việt Nam hầu hết là các công ty 100% vốn nước ngoài, hợp tác kinh doanh và liên doanh rất ít.

Thời gian trước, chúng ta thu hút đầu tư nước ngoài để giải quyết một số vấn đề đó là có vốn cho phát triển và giải quyết vấn đề lao động, nâng cao được chất lượng quản trị, chất lượng nguồn nhân lực, công nghệ... Còn hiện nay, chúng ta đã ở một tâm thế khác thì nhà đầu tư nước ngoài lại rất ít liên doanh với chúng ta. Để giải bài toán này, chúng ta phải nâng tầm doanh nghiệp Việt lên để có thể tham gia vào chuỗi giá trị thông qua công nghiệp hỗ trợ và thông qua các liên kết làm ăn, hợp đồng hợp tác kinh doanh.

Ông Nguyễn Văn Toàn, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (VAFIE)

Ông Nguyễn Văn Toàn, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (VAFIE)

Ngoài ra, các doanh nghiệp Việt Nam phải phát huy đổi mới sáng tạo, phải đầu tư về công nghệ, đầu tư về chất xám, đầu tư vào con người để chúng ta có thể hợp tác với các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài một cách bình đẳng.

Đồng thời, quan trọng chính là để cải thiện hiệu ứng lan tỏa của các nhà đầu tư nước ngoài với các doanh nghiệp trong nước. Bởi, theo đánh giá chung của Bộ Kế hoạch và Đầu tư hiệu ứng lan tỏa đầu tư thấp gây ra nhiều bất lợi cho ta, do không có chuyển giao công nghệ, sản phẩm hỗ trợ không tham gia được chuỗi giá trị, hoặc ở phân khúc công nghệ thấp…

Vậy ở góc độ Hiệp hội Doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, ông có khuyến nghị như thế nào đối với các cơ quan quản lý nhà nước cũng như địa phương để tận dụng tối đa nguồn đầu tư FDI của châu Âu thời gian tới?

Để thu hút đầu tư từ châu Âu, một vấn đề được chúng ta kiến nghị rất nhiều đó là phải cải thiện môi trường đầu tư theo một cách khác, cơ bản hơn, lâu dài hơn, bền vững hơn chứ không phải dùng công cụ thuế nữa. Theo đó, chúng ta phải rà soát lại toàn bộ văn bản pháp luật để tất cả những doanh nghiệp Việt Nam cũng như doanh nghiệp nước ngoài đầu tư vào Việt Nam phải tuân theo, phù hợp với tăng trưởng xanh, kinh tế tuần hoàn và phát triển bền vững cũng như quyền con người.

Cùng với đó, tập trung cải thiện môi trường kinh doanh thuận lợi, chuẩn bị được nguồn nhân lực chất lượng. Đồng thời, cần có sự chuẩn bị tâm thế, năng lực cho các doanh nghiệp để hợp tác với doanh nghiệp EU, qua việc có thể đáp ứng đòi hỏi của những dự án có công nghệ cao, công nghệ nguồn, công nghệ tiên tiến ở những quốc gia phát triển hơn như châu Âu. Đặc biệt, chúng ta phải nâng cấp một cách rất mạnh mẽ và phải tích cực thực hiện chuyển đổi số và đổi mới sáng tạo…

Xin cảm ơn ông!

Bảo Thoa

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/thu-hut-dau-tu-tu-eu-viet-nam-can-cai-thien-moi-truong-kinh-doanh-theo-huong-lau-dai-ben-vung-hon-277572.html