Thu hút đầu tư tư nhân để thực hiện 'nhiệm vụ kép' trong xử lý chất thải rắn
Chia sẻ tại Hội thảo 'Vai trò của tư nhân trong cung ứng dịch vụ thu gom và xử lý chất thải rắn (CTR) ở Việt Nam', ngày 11/11, TS Hồ Công Hòa - Viện CIEM nhấn mạnh, thu hút nhà đầu tư tư nhân trong xử lý CTR chính là thực hiện 'nhiệm vụ kép' - thúc đẩy kinh tế tư nhân và thực hiện Chiến lược quản lý chất thải.
Theo TS Hồ Công Hòa - Phó trưởng Ban Nghiên cứu các vấn đề xã hội, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM), hoạt động thu gom và xử lý CTR đòi hỏi nguồn lực rất lớn.
Đảng và Nhà nước đã có nhiều cơ chế, chính sách huy động các nguồn lực tham gia cung ứng dịch vụ công này theo hình thức xã hội hóa, trong đó đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP) là một trong những giải pháp ưu tiên hiện nay.
Tuy nhiên, Luật PPP mới chỉ điều chỉnh các dự án có quy mô lớn hơn 200 tỷ đồng, chỉ phù hợp với các đô thị lớn. Tại các đô thị nhỏ và vùng nông thôn thường phù hợp với các dự án quy mô nhỏ và phân tán nên chưa được điều chỉnh bởi Luật PPP.
Việc phối hợp thực hiện các dự án xử lý CTR liên vùng còn nhiều bất cập, khó khăn, thiếu đồng thuận. Việc xây dựng các dự án xử lý CTR quy mô nhỏ chưa phải là sự lựa chọn tốt nhất, tuy nhiên nó giải quyết được các "nút thắt" còn tồn tại của các dự án liên vùng.
Cũng theo ông Hòa, hiện nay, tỷ lệ thu gom, xử lý CTR sinh hoạt tỷ lệ thuận với điều kiện kinh tế. Khu vực Đông Nam Bộ và Đồng bằng Sông Hồng có tỷ lệ thu gom và xử lý CTR sinh hoạt đô thị cao hơn trung bình cả nước từ 5-6,8 điểm phần trăm; trong khi vùng còn lại thấp hơn từ 3,5 – 29,3 điểm phần trăm.
Đặc biệt, Tây Nguyên và Trung du miền núi phía Bắc thấp hơn trung bình cả nước là 29,3 và 9,5 điểm phần trăm; miền Trung và Đồng bằng sông Cửu Long thấp hơn trung bình cả nước tương ứng là thấp hơn 6,9 và 3,5 điểm phần trăm.
Tỷ lệ thu gom, xử lý CTR sinh hoạt nông thông còn thấp, vùng Tây Nguyên chỉ đạt 29,1%, Đồng bằng sông Cửu Long đạt 49,1% và Trung du miền núi phía Bắc đạt 51,8%. Tỷ lệ chôn lấp CTR sinh hoạt trong cả nước vẫn chiếm tỷ trọng lớn, trung bình khoảng 71% năm 2019.
Năm 2019, cả nước có 1.322 cơ sở xử lý CTR sinh hoạt, trong đó, có 78 cơ sở xử lý CTR sinh hoạt cấp tỉnh; 1244 cơ sở xử lý xử lý CTR sinh hoạt cấp huyện, cấp xã, liên xã. Có 381 lò đốt CTR sinh hoạt; 37 dây chuyền chế biến compost; 904 bãi chôn lấp (nhiều bãi chôn lấp không hợp vệ sinh).
“Chủ trương xã hội hóa công tác bảo vệ môi trường/quản lý CTR đã được ban hành xuyên suốt từ Trung ương đến địa phương. Thu hút các nhà đầu tư tư nhân vào lĩnh vực CTR sẽ góp phần thực hiện nhiệm vụ kép: Vừa thúc đẩy vai trò của kinh tế tư nhân trong nền kinh tế theo mục tiêu của Nghị quyết 10-NQ/TW, vừa thực hiện Chiến lược quản lý chất thải; kinh tế tuần hoàn, Chiến lược tăng trưởng xanh”, ông Hòa khẳng định.
Để thúc đẩy vai trò của doanh nghiệp tư nhân trong hoạt động xử lý CTR, ThS Nguyễn Thành Lam - Vụ quản lý Chất thải, Tổng cục Môi trường, Bộ Tài nguyên và Môi trường khuyến nghị, cần tạo lập cơ chế, chính sách phát triển thị trường hàng hóa, dịch vụ môi trường. Rà soát, hoàn thiện các loại thuế, phí, giá dịch vụ môi trường.
Hoàn thiện hệ thống văn bản pháp luật, cơ chế, chính sách, đi kèm với hướng dẫn chi tiết đối với các chính sách ưu đãi, hỗ trợ của Nhà nước đối với lĩnh vực thu gom, xử lý CTR sinh hoạt.
Cần xử lý khó khăn, vướng mắc trong các thủ tục về ngân sách, giá, đầu tư, đấu thầu làm cản trở thu hút khu vực tư nhân đầu tư cho thu gom, xử lý CTR.
Rà soát, sửa đổi, hoàn thiện cơ chế, chính sách huy động đầu tư từ các nguồn ngoài ngân sách cho bảo vệ môi trường, các quy định về đấu thầu dịch vụ công ích về môi trường.
Đồng thời, triển khai mạnh mẽ các hình thức PPP, đẩy mạnh sự tham gia của các doanh nghiệp tư nhân, thực hiện cổ phần hóa các doanh nghiệp nhà nước trong bảo vệ môi trường. Xây dựng và ban hành hướng dẫn quy trình lựa chọn chủ đầu tư dự án xử lý CTR theo hướng tạo thuận lợi cho các nhà đầu tư có áp dụng công nghệ sạch, thân thiện với môi trường.
“Đẩy mạnh hình thức đấu thầu rộng rãi lựa chọn nhà đầu tư, ưu tiên đấu thầu quốc tế và hạn chế tối đa tình trạng chỉ định thầu. Đối với nhà đầu tư được lựa chọn qua đấu thầu, Nhà nước và nhà đầu tư thương thảo các nội dung quan trọng, đặc biệt là phân chia trách nhiệm, cơ chế phối hợp”, ông Lam khuyến nghị.