Thu hút đầu tư vào khu công nghiệp
Với những cơ chế chính sách, môi trường đầu tư thông thoáng thuận lợi, huyện Sơn Dương đã và đang thu hút các dự án đầu tư, huy động mọi nguồn lực để phát triển các khu công nghiệp trên địa bàn. Đây cũng là khâu đột phá mà Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ huyện Sơn Dương lần thứ XXI, nhiệm kỳ 2020 - 2025 đề ra. Đây là những tín hiệu vui trong thềm xuân mới, tạo sức bật cho sự phát triển của các cụm công nghiệp của huyện trong năm Nhâm Dần.
Sơn Dương là một huyện nằm ở phía Nam của tỉnh. Hiện trên địa bàn huyện có cụm công nghiệp Phúc Ứng; Khu công nghiệp Sơn Nam và điểm công nghiệp Măng Ngọt. Khu công nghiệp Sơn Nam có tổng diện tích quy hoạch tổng thể 150 ha, do Ban quản lý dự án các Khu công nghiệp tỉnh quản lý, có 6 dự án với tổng số vốn đầu tư 150 tỷ đồng.
Để tạo điều kiện cho doanh nghiệp, nhà đầu tư vào các khu công nghiệp, huyện đã hoàn thành giải phóng mặt bằng và đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật Cụm công nghiệp Phúc Ứng với diện tích 75 ha, đã hoàn thành giai đoạn 1 và đang thực hiện đầu tư xây dựng giai đoạn 2 với tổng mức 15,6 tỷ đồng, gồm các hạng mục như xây dựng đường nội bộ, hệ thống rãnh, cống thoát nước… đến nay, công trình đã hoàn thành các hạng mục chính, hiện đang thi công các hạng mục bổ sung.
Cụm công nghiệp Phúc Ứng đã thu hút được 11 dự án với tổng mức đầu tư trên 1 nghìn tỷ đồng, trong đó có 7 dự án vốn đầu tư trong nước và 3 dự án vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài FDI. Các dự án thu hút đầu tư đã đi vào hoạt động là Nhà máy May Tuyên Quang của Chi nhánh Công ty cổ phần Quốc tế Phong Phú, xây dựng từ năm 2016 với công xuất tối đa 2,5 triệu sản phẩm/năm, doanh thu gia công sản phẩm tối đa dự kiến đạt 200 tỷ đồng/năm; Nhà máy Giày da Phúc Sinh thực hiện 2 giai đoạn với công xuất tối đa 5 triệu sản phẩm/năm; Nhà máy sản xuất, chế biến thức ăn gia súc của Công ty TNHH Trường Thọ Việt Nam được đầu tư từ năm 2016, công xuất 200 nghìn tấn sản phẩm. Riêng năm 2020, các Nhà máy đã đưa vào sử dụng như: Nhà máy sản xuất tai nghe của Công ty TNHH FOS/Hồng Công; Nhà máy sản suất vải bạt nhựa của Công ty TNHH Hitarp Việt Nam; Nhà máy bao bì Jumbor của Công ty TNHH bao bì DHT. Hiện Cụm công nghiệp Phúc Ứng có 4 dự án đang lập thủ tục đầu tư là Nhà máy bao bì của Công ty Woojin Vina KOREA; Nhà máy giày Kiến Xương Tuyên Quang của Công ty TNHH An Giai/Samoa.
Năm 2021, giá trị sản xuất công nghiệp huyện đạt trên 4.009 tỷ đồng, các sản phẩm công nghiệp có sản lượng cao như: bột Caolin Fenspat đạt 210.367 tấn, bột Barit 26.019 tấn, bột giấy 78.414 tấn, giấy in viết 102.704 tấn, chè chế biến các loại 2.775 tấn, hàng dệt may 884.000 sản phẩm, giày da đạt 4 triệu đôi…
Đồng chí Giang Tuấn Anh, Chủ tịch UBND huyện cho biết, nhằm thu hút, khuyến khích các doanh nghiệp, nhà đầu tư vào những dự án sản xuất, kinh doanh, sẽ tạo động lực cho huyện phát triển kinh tế địa phương. Ban Thường vụ Huyện ủy đã chỉ đạo các cấp ủy từ huyện đến cơ sở tăng cường sự lãnh đạo, phát huy vai trò của người đứng đầu trong phối hợp với các sở, ngành của tỉnh thực hiện công tác bồi thường giải phóng mặt bằng. UBND huyện triển khai thực hiện cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 và phần mềm một cửa điện tử trong giải quyết thủ tục hành chính, đảm bảo liên thông 3 cấp từ xã đến tỉnh. UBND huyện cũng đã chỉ đạo cắt giảm tối thiểu 1/3 thời gian thực hiện thủ tục hành chính tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các nhà đầu tư; tăng cường các hoạt động xúc tiến thương mại, du lịch và đầu tư, khai thác thị trường mới; hỗ trợ các doanh nghiệp tham gia quảng bá sản phẩm.
Mới đây, UBND tỉnh đã phê duyệt bổ sung 2 cụm công nghiệp Ninh Lai - Thiện Kế và cụm công nghiệp Tam Đa vào quy hoạch phát triển công nghiệp đến 2015 và định hướng đến năm 2020, mỗi khu công nghiệp có diện tích 75 ha. Bên cạnh đó, giai đoạn 2021 - 2030, huyện phối hợp với ngành Công thương tỉnh và các cơ quan chức năng tiến hành quy hoạch thành lập mới khu công nghiệp Nam Sơn Dương, diện tích 300 ha; khu công nghiệp Tam Đa, diện tích 150 ha.
Mùa xuân đã về, không khí xuân ấm áp đang lan khắp các công trường, nhà máy khu công nghiệp của huyện. Với những cách làm công khai, minh bạch quy hoạch và định hướng thu hút các dự án đầu tư sản xuất, kinh doanh; chú trọng bảo vệ môi trường; giữ vững an ninh trật tự, Sơn Dương đã và đang tạo ra môi trường đầu tư lý tưởng cho các nhà đầu tư vào khu công nghiệp. Đó cũng là “thảm đỏ” mà huyện trao cơ hội cho nhà đầu tư đến với Sơn Dương hoạt động hiệu quả hơn nữa.