Thu hút đầu tư vào khu công nghiệp

Mới đây, tại Khu Công nghiệp Tằng Loỏng (Bảo Thắng) và Khu Công nghiệp Đông Phố Mới (thành phố Lào Cai) đã khởi công Dự án xây dựng Nhà máy xử lý chất thải công nghiệp và nguy hại và Dự án Nhà máy sản xuất hàng may mặc xuất khẩu. Trong bối cảnh thu hút đầu tư gặp nhiều khó khăn thì đây là tín hiệu tích cực, gam màu sáng trong bức tranh thu hút đầu tư vào Lào Cai.

Sau thời gian dài chịu ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 cũng như biến động của kinh tế thế giới, các địa phương trong cả nước đều tăng cường các hoạt động xúc tiến đầu tư. Không đứng ngoài “cuộc chơi”, thời gian qua, tỉnh Lào Cai nói chung và Ban Quản lý Khu Kinh tế tỉnh nói riêng đã có nhiều hoạt động xúc tiến đầu tư, đặc biệt là xúc tiến, kêu gọi thu hút đầu tư vào các khu công nghiệp, khu kinh tế cửa khẩu. Việc khởi công 2 dự án mới tại Khu Công nghiệp Tằng Loỏng và Khu Công nghiệp Đông Phố Mới trong tháng 5 vừa qua là minh chứng rõ nét cho điều này.

“Để có được kết quả trên, Ban Quản lý Khu kinh tế tỉnh đã có nhiều đổi mới, sáng tạo trong công tác thu hút đầu tư vào các khu công nghiệp, khu kinh tế cửa khẩu”- ông Vương Trinh Quốc, Trưởng Ban Quản lý Khu Kinh tế tỉnh khẳng định.

Trước hết, xác định công tác quy hoạch tác động trực tiếp đến chất lượng thu hút đầu tư, quy hoạch có phù hợp, có sức hấp dẫn thì mới thu hút được các nhà đầu tư tiềm năng đến đăng ký đầu tư, Ban Quản lý Khu Kinh tế tỉnh đã rà soát, phối hợp với UBND cấp huyện đề xuất các quy hoạch, làm cơ sở xúc tiến đầu tư. Hiện nay, Ban Quản lý Khu Kinh tế tỉnh và UBND các huyện tiếp tục lập và đề xuất lập quy hoạch chi tiết 21 khu chức năng, với tổng diện tích 2.030 ha.

Đối với công tác xúc tiến đầu tư, ngoài những hình thức xúc tiến kêu gọi đầu tư đang triển khai hiện nay, Ban Quản lý Khu Kinh tế tỉnh đã chủ động đổi mới, sáng tạo với nhiều hoạt động chiêu thương, xúc tiến đầu tư. Đó là, nắm thông tin của nhà đầu tư qua nhiều kênh, xây dựng kế hoạch làm việc trực tiếp với nhà đầu tư thông qua các chương trình khảo sát, đánh giá các dự án của nhà đầu tư tại các địa phương khác. Đối với một dự án đề xuất thu hút đầu tư, sẽ đánh giá năng lực để lựa chọn nhà đầu tư phù hợp, có năng lực, từ đó tập trung hỗ trợ thông tin, tạo điều kiện tối đa cho nhà đầu tư đẩy nhanh tiến độ triển khai, sớm đưa dự án vào hoạt động.

Cùng với tăng cường xúc tiến đầu tư, Ban Quản lý Khu Kinh tế tỉnh thường xuyên, liên tục rà soát, đánh giá, giám sát thực hiện các dự án, nhằm nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của các doanh nghiệp, qua đó sẽ sàng lọc các dự án không có khả năng triển khai, hoặc các doanh nghiệp núp bóng để đầu cơ, mua bán dự án.

“Ban Quản lý Khu Kinh tế tỉnh kiên quyết không xem xét các dự án này, mà để dành quỹ đất thu hút các dự án đầu tư thực chất”- ông Vương Trinh Quốc cho biết.

Trong triển khai dự án, Ban Quản lý Khu Kinh tế tỉnh luôn đồng hành với doanh nghiệp, thường xuyên phối hợp với các sở, ngành, địa phương nắm kịp thời những khó khăn, vướng mắc của nhà đầu tư khi đăng ký thực hiện dự án trong khu công nghiệp, khu kinh tế cửa khẩu trên nguyên tắc Ban Quản lý Khu Kinh tế là cơ quan đầu mối, đảm bảo hoạt động quản lý nhà nước thống nhất.

Hiện nay, Ban Quản lý Khu Kinh tế tỉnh được giao quản lý 3 khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh, với tổng diện tích 1.285 ha, gồm Khu Công nghiệp Bắc Duyên Hải (85 ha), Khu Công nghiệp Tằng Loỏng (1.100 ha), Khu Công nghiệp Đông Phố Mới (100 ha), trong đó Khu Công nghiệp Bắc Duyên Hải cơ bản lấp đầy nên chủ yếu thu hút đầu tư dự án vào 2 khu công nghiệp còn lại. Tổng số dự án tại 3 khu công nghiệp là 135 dự án, với tổng vốn đăng ký đầu tư 21.500 tỷ đồng.

Trong thời gian vừa qua, công tác xúc tiến đầu tư của Ban Quản lý Khu Kinh tế tỉnh được đẩy mạnh và số lượng nhà đầu tư quan tâm đầu tư tại Khu Công nghiệp Tằng Loỏng, Khu Công nghiệp Đông Phố Mới tăng mạnh. Từ năm 2020 đến nay, đã thu hút thêm 5 dự án đăng ký đầu tư, với tổng số vốn 645 tỷ đồng.

Tuy nhiên, hiện nay quỹ đất để thu hút các dự án tại 2 khu công nghiệp này tương đối hạn hẹp. Khu Công nghiệp Tằng Loỏng còn khoảng 150 ha đất công nghiệp nhưng trên thực tế chỉ có khoảng 70 - 80 ha đất thuận lợi cho việc thu hút các dự án và có thể triển khai ngay, phần diện tích còn lại là đồi núi cao. Khu Công nghiệp Đông Phố Mới còn khoảng 5,4 ha, tuy nhiên, qua đánh giá sơ bộ cho thấy tuyến đường sắt khổ 1.435 mm có khả năng ảnh hưởng đến quỹ đất trên, do vậy chưa có cơ sở để thu hút nhà đầu tư.

Để giải quyết bài toán về quỹ đất và đáp ứng nhu cầu quỹ đất thu hút nhà đầu tư trong thời gian tới, tỉnh Lào Cai đang quy hoạch bổ sung 2 khu công nghiệp, gồm Khu Công nghiệp Cốc Mỳ - Trịnh Tường (Bát Xát), quy mô 1.000 ha (tỉnh đang trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt điều chỉnh quy hoạch chung khu kinh tế); Khu Công nghiệp Võ Lao (Văn Bàn), quy mô 660 ha (đang lập quy hoạch phân khu).

Với định hướng xúc tiến, thu hút các dự án chế biến sâu và gia tăng giá trị sản xuất công nghiệp để phát huy tối đa lợi thế của Lào Cai, Ban Quản lý Khu Kinh tế tỉnh đã đề xuất danh mục các dự án thu hút vào khu công nghiệp, trọng tâm là các dự án chế biến sâu sản phẩm đã sản xuất trong khu công nghiệp, dự án xử lý chất thải, dự án sử dụng công nghệ cao, tiêu hao điện năng thấp, ít thâm dụng tài nguyên và bảo vệ môi trường, tạo được giá trị sản xuất công nghiệp cao, tạo nhiều việc làm cho lao động địa phương.

Trong thời gian tới, Lào Cai dự kiến thu hút các dự án đầu tư, như dự án đầu tư hạ tầng các khu công nghiệp đang quy hoạch (Khu Công nghiệp Võ Lao và Khu công nghiệp Cốc Mỳ - Trịnh Tường); nhà máy điện sinh khối, dự án xử lý chất thải Gyps tại Khu Công nghiệp Tằng Loỏng; dự án chế biến sâu các sản phẩm đã sản xuất, như phốt pho vàng, đồng, phôi thép thành các sản phẩm có giá trị cao hơn. Cùng với đó, thu hút các dự án đầu tư chế biến nông, lâm, thủy, hải sản phục vụ xuất khẩu; các dự án lắp ráp máy móc, gia công cơ khí; sản xuất vật liệu xây dựng thân thiện môi trường...

Nguồn Lào Cai: https://baolaocai.vn/thu-hut-dau-tu-vao-khu-cong-nghiep-post385514.html