Thu hút đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn tại ĐBSCL còn vướng mắc
Cơ sở hạ tầng chưa đồng bộ nhất là hệ thống giao thông, thủy lợi, điện, thông tin liên lạc; trình độ sản xuất của nông dân, năng suất lao động thấp… là một trong những nguyên nhân chính khiến cho giá thành sản phẩm nông nghiệp tại ĐBSCL còn cao, chưa thật sự cạnh tranh.
Sáng nay (30/10), tại Cần Thơ, Bộ NN&PTNT tổ chức Hội nghị xúc tiến đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn vùng ĐBSCL. Hội nghị diễn ra trong bối cảnh KT-XH vùng ĐBSCL thời gian qua đạt được kết quả khá toàn diện, trở thành vùng trọng điểm nông nghiệp của cả nước với nhiều sản phẩm chủ lực, nhất là lúa, tôm, cá tra, cây ăn quả.
Kinh tế vùng tăng trưởng khá với chất lượng được cải thiện, quy mô kinh tế được mở rộng; cơ cấu kinh tế chuyển dịch tích cực. Trong đó, nông nghiệp vùng ĐBSCL đóng góp trên 33% GDP nông nghiệp cả nước và 30% GDP của cả vùng; đứng đầu cả nước về sản lượng lúa gạo, thủy sản và cây ăn quả, đóng góp 56% sản lượng lúa gạo, 98% sản lượng cá tra và 60% lượng thủy sản xuất khẩu.
Thời gian qua, Chính phủ đã ban hành nhiều chính sách khuyến khích thu hút đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn tại ĐBSCL. Trong đó, một số chính sách tiêu biểu về đất đai, tín dụng, khoa học công nghệ và thuế... đã góp phần rất lớn trong thu hút đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn của cả vùng. Theo số liệu của Bộ NN&PTNT, tổng vốn đầu tư vào lĩnh vực này tại ĐBSCL trong năm 2023 đạt khoảng 100.000 tỷ đồng, tăng 15% so với năm 2022.
Tuy nhiên, theo ông Trần Gia Long, Phó Vụ trưởng vụ kế hoạch – Bộ NN&PTNT thực tế triển khai chính sách khuyến khích thu hút đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn tại ĐBSCL vẫn còn gặp một số vướng mắc. Cụ thể, cơ sở hạ tầng chưa đồng bộ, nhất là hệ thống giao thông, thủy lợi, điện, thông tin liên lạc; trình độ sản xuất của nông dân, năng suất lao động thấp.
Đây những nguyên nhân chính khiến cho giá thành sản phẩm nông nghiệp tại ĐBSCL còn cao, chưa thật sự cạnh tranh được với sản phẩm nông nghiệp của các nước trong khu vực. Hiệu quả sử dụng lao động của doanh nghiệp nông nghiệp chưa cao. Theo Tổng cục Thống kê, doanh thu bình quân người lao động trong doanh nghiệp nông nghiệp bằng khoảng 1/5 so với doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực khác.
Ông Trần Gia Long còn thông tin thêm, cơ chế, chính sách khuyến khích đầu tư còn chưa đồng bộ, chưa hấp dẫn nhà đầu tư. Một số chính sách khuyến khích đầu tư chưa được nghiên cứu kỹ lưỡng, chưa phù hợp với điều kiện thực tế của ĐBSCL, dẫn đến hiệu quả thấp. Mặt khác, trình độ quản lý của các địa phương còn hạn chế, chưa đáp ứng được yêu cầu của các nhà đầu tư. Một số địa phương chưa có kinh nghiệm trong việc thu hút đầu tư, chưa có quy trình, thủ tục rõ ràng, gây khó khăn cho các nhà đầu tư.
“DN trong vùng còn ít, hiệu quả sản xuất kinh doanh chưa cao, trình độ áp dụng khoa học công nghệ còn thấp,…là những tồn tại hoặc quy mô DN đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn chiếm 95% - 96% là DN nhỏ và vừa hoặc là siêu nhỏ, nên sức chống chịu, rủi ro trước các cú sốc như những năm vừa qua đã ảnh hưởng rất lớn”, ông Long phân tích.
Theo ý kiến của một số đại biểu tham dự hội nghị, để thu hút vốn đầu tư vào nông nghiệp và phát triển nông thôn tại ĐBSCL, cần tiếp tục hoàn thiện cơ sở hạ tầng; Nâng cao trình độ sản xuất của nông dân, ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất; Đẩy mạnh phát triển thị trường tiêu thụ nông sản; thực hiện đồng bộ các giải pháp đẩy mạnh quá trình cơ cấu lại ngành nông nghiệp gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng và xây dựng nông thôn mới.