Thu hút FDI chất lượng cao: Hướng đi nào cho Việt Nam?
Đây là thời điểm 'chín muồi' để Việt Nam quan tâm nhiều hơn đến chất lượng dòng vốn ngoại, nhằm thực hiện tinh thần Nghị quyết 50/NQ-TW của Bộ Chính trị.
5 tháng đầu năm 2024, dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đầu tư vào Việt Nam có nhiều tín hiệu tích cực, tuy nhiên, chất lượng dòng vốn FDI vẫn là vấn đề cần được quan tâm nhất lúc này. Để hiểu rõ hơn về vấn đề trên, phóng viên đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Văn Toàn – Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài.
Ông đánh giá như thế nào về tình hình thu hút FDI 5 tháng đầu năm 2024?
5 tháng đầu năm 2024, Việt Nam thu hút được 11,07 tỷ USD vốn FDI, bao gồm cả vốn đăng ký cấp mới, vốn điều chỉnh và vốn góp mua cổ phần, mua phần vốn góp của nhà đầu tư nước ngoài, tăng 2% so với cùng kỳ năm 2023.
Điểm nhấn với dòng vốn FDI vào Việt Nam trong 5 tháng là đầu tư FDI mới vẫn duy trì ở mức cao so với cùng kỳ năm trước cả về số dự án và vốn đăng ký đầu tư. Cụ thể, vốn đăng ký mới có 1.227 dự án, tăng 27,5% so với cùng kỳ năm trước, với tổng vốn đăng ký đạt gần 7,94 tỷ USD, tăng 50,8% so với cùng kỳ năm ngoái. Điều đó chứng tỏ, các nhà đầu tư nước ngoài vẫn đang rất quan tâm đến môi trường đầu tư Việt Nam.
Tuy nhiên, trái ngược với vốn đăng ký mới, vốn FDI điều chỉnh và vốn góp, mua cổ phần có dấu hiệu giảm. Trong đó, vốn góp mua cổ phần chỉ đạt 1,05 tỷ USD, giảm 68,2% so với cùng kỳ năm 2023, tuy nhiên, đây cũng chỉ là sự chững lại tạm thời. Vì Việt Nam vẫn được đánh giá là điểm đến đầu tư hấp dẫn của doanh nghiệp nước ngoài, khi tổng vốn FDI thực hiện trong 5 tháng đầu năm vẫn ghi nhận đạt 8,25 tỷ USD, tăng 7,8% so với cùng kỳ 2023, trong khi đó, vốn FDI thực hiện mới chính là “thước đo” quan trọng nhất, chứng minh hiệu quả dòng vốn FDI đã đi vào nền kinh tế.
Có một thực tế diễn ra từ nhiều năm nay, đó là dòng vốn FDI vào Việt Nam tập trung rất lớn vào lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo. Ông có nhận định như thế nào về kết quả trên?
5 tháng đầu năm 2024, các nhà đầu tư nước ngoài đã đầu tư vào 17 ngành trong tổng số 21 ngành kinh tế quốc dân của Việt Nam. Trong đó, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo dẫn đầu với tổng vốn đầu tư đạt hơn 7,43 tỷ USD, chiếm 67,1% tổng vốn FDI đăng ký vào Việt Nam từ đầu năm đến nay, vốn FDI đầu tư vào lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 11,9% so với cùng kỳ năm trước.
Đặc biệt, không chỉ riêng những tháng đầu năm 2024, lũy kế đến thời điểm hiện tại, Việt Nam thu hút được 481,33 tỷ USD vốn FDI, trong đó ngành công nghiệp chế biến, chế tạo chiếm 290,9 tỷ USD, chiếm 60,4% tổng vốn FDI đầu tư vào Việt Nam.
Có thể nói, Việt Nam có sức hấp dẫn nhà đầu tư nước ngoài tập vào lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo. Thực tế, cũng có nhiều dự án FDI lớn của những tập đoàn toàn cầu đầu tư vào lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo của Việt Nam. Đây là một tín hiệu tốt, góp phần thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế, phát triển công nghiệp của Việt Nam, đồng thời hiện thực hóa mục tiêu trở thành thành nước có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao vào năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2045 trở thành nước phát triển, có thu nhập cao, thuộc nhóm nước công nghiệp phát triển hàng đầu khu vực châu Á theo tinh thần Nghị quyết số 29-NQ/TW của Ban Chấp hàng Trung ương Đảng khóa XIII xác định. Việc thu hút FDI tập trung vào lĩnh vực công nghiệp cũng giúp lan tỏa đến cộng đồng doanh nghiệp trong nước, tạo cơ hội cho Việt Nam phát triển nguồn lao động chất lượng cao liên quan đến công nghiệp.
Tuy nhiên, cũng phải thừa nhận là trước đây FDI tập trung vào lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo nhiều là do giá thuê đất và những chính sách thu hút đầu tư của Việt Nam hợp lý, có chính sách thu hút đầu tư, xuất nhập khẩu tốt, lao động giá rẻ, quản lý môi trường chưa chặt chẽ…
Nhưng bây giờ mọi thứ đã thay đổi, thu hút FDI vào lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo nhưng cần có những yêu cầu cao hơn, đòi hỏi sẽ phải tham gia sâu hơn và tạo ra giá trị gia tăng nhiều hơn để doanh nghiệp trong nước được hưởng lợi. Do đó, bên cạnh số lượng đầu tư vào lĩnh vực công nghiệp chế biến chế tạo, đã đến lúc chúng ta cần chú ý nhiều hơn đến chất lượng các dự án đầu tư vào lĩnh vực này, làm sao để thu hút được những dự án có chất lượng. Và đặt ra câu hỏi, dự án đó có mang lại giá trị gia tăng cho Việt Nam hay không?.
Nhiều ý kiến cũng cho rằng, Việt Nam đang có rất nhiều cơ hội để nâng cao chất lượng dòng vốn FDI. Quan điểm của ông về vấn đề này ra sao?
Tôi hoàn toàn đồng ý với quan điểm trên, bởi Việt Nam đã có trên 35 năm thu hút dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài nên có khá nhiều kinh nghiệm trong thu hút các dự án FDI. Việt Nam cũng được đánh giá là điểm đến của các tập đoàn hàng đầu thế giới, với các dự án FDI chất lượng cao, có sức lan tỏa và đóng góp quan trọng vào tăng trưởng kinh tế, tăng trưởng xuất khẩu của cả nước.
Đặc biệt, thu hút dòng vốn FDI có chất lượng đang là chủ trương lớn mà Đảng, Nhà nước đang hướng tới, Việt Nam cũng ban hành nhiều văn bản về thu hút đầu tư nước ngoài, trong đó nổi bật là Nghị quyết 50-NQ/TW của Bộ Chính trị về thu hút dòng vốn FDI có chất lượng. Qua đó càng chứng tỏ, thu hút FDI có chất lượng hiện là mục tiêu xuyên suốt, có đủ cơ hội và tiềm năng để thực thi.
Tuy nhiên, để đạt được mục tiêu thu hút dòng vốn FDI có chất lượng, bên cạnh các chính sách của Chính phủ, các doanh nghiệp Việt Nam cũng cần có đủ năng lực, điều kiện, công nghệ, năng lực quản lý để hợp tác với doanh nghiệp FDI trong việc làm phụ trợ, hoặc tham gia chuỗi cung ứng của họ. Muốn làm được điều đó, bản thân doanh nghiệp Việt Nam phải tự trưởng thành lên, để bắt tay với doanh nghiệp FDI. Còn nhà nước, cũng cần có những chính sách nâng cao năng lực cạnh tranh của khu vực doanh nghiệp trong nước, tạo cơ hội để doanh nghiệp nội “bắt tay” với FDI.