Thu hút FDI: Nên xem xét chương trình hỗ trợ trực tiếp cho doanh nghiệp
Theo bà Hương Vũ, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Tư vấn EY Việt Nam (EY Consulting VN), để thu hút đầu tư nước ngoài (FDI), Việt Nam nên xem xét các chương trình hỗ trợ trực tiếp cho doanh nghiệp thỏa mãn điều kiện nhất định (Cash grant).
Là chuyên gia có hơn 30 năm kinh nghiệm tư vấn thuế và pháp lý tại Việt Nam, bà Hương Vũ, Tổng Giám đốc Công ty EY Consulting VN chia sẻ: Tháng 10/2021, 136 nước thành viên trong Diễn đàn hợp tác chung của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) đã thông qua một số chính sách thuế mới mang tính lịch sử, hướng tới việc chống xói mòn cơ sở thuế và chuyển lợi nhuận, tạo môi trường cạnh tranh bình đẳng trong việc thu hút đầu tư giữa các quốc gia.
Việt Nam đã và đang trong tiến trình hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế thế giới nên khó có thể đứng ngoài xu hướng chung của đa số các quốc gia, trong đó có việc áp dụng các cải cách thuế mang tính toàn cầu, đặc biệt trong bối cảnh bùng nổ của nền kinh tế kỹ thuật số.
“Việt Nam đang mất lợi thế so với các nước đã và đang triển khai hiệu quả các chính sách hỗ trợ, ưu đãi đầu tư mà không chịu ảnh hưởng của thuế tối thiểu toàn cầu.
Vì vậy, cần có những giải pháp cấp thiết nhằm giúp Việt Nam tiếp tục hấp dẫn trong mắt nhà đầu tư nước ngoài, trong đó nên xem xét các chương trình hỗ trợ trực tiếp cho doanh nghiệp thỏa mãn điều kiện nhất định (“Cash grant”)”, bà Hương Vũ nhấn mạnh.
Theo bà Hương Vũ, trong hơn 30 năm qua, Việt Nam thu hút đầu nước ngoài chủ yếu qua việc áp dụng chính sách ưu đãi thuế suất, miễn giảm thuế thu nhập doanh nghiệp. Ưu đãi thuế vẫn luôn là một công cụ thu hút đầu tư quan trọng và là mối quan tâm hàng đầu của các nhà đầu tư đến Việt Nam.
Bởi vậy, luôn có một sự cạnh tranh ngầm giữa các quốc gia mà vẫn được nhắc đến như “cuộc đua xuống đáy” về thuế suất ưu đãi. Đây là một tiêu chí quan trọng ảnh hưởng đến xu hướng và quyết định đầu tư của các công ty đa quốc gia khi lựa chọn đầu tư, cũng như mở rộng hoạt động sản xuất kinh doanh tại Việt Nam.
Nếu phải áp dụng chính sách thuế mới chống xói mòn cơ sở thuế và chuyển lợi nhuận theo xu thế tất yếu của thế giới, môi trường đầu tư của Việt Nam sẽ trở nên kém hấp dẫn với họ so với trước.
Việc này không chỉ kéo theo sự chuyển dịch hoặc hạn chế đầu tư từ các tập đoàn đầu tư lớn mà cả từ các doanh nghiệp vệ tinh trong chuỗi cung ứng của các tập đoàn này, dẫn đến nguy cơ sụt giảm cả về số lượng và chất lượng FDI vào Việt Nam.
Ở cấp vĩ mô, điều này có thể có ảnh hưởng tiêu cực đến mục tiêu phát triển công nghiệp quốc gia, cũng như sự tăng trưởng xuất khẩu và dự trữ ngoại hối của Việt Nam.
Nên xem xét chương trình hỗ trợ trực tiếp cho doanh nghiệp thỏa mãn điều kiện nhất định để thu hút FDI.
Tổng Giám đốc, Công ty EY Consulting VN khuyến nghị: Việt Nam cần nhanh chóng và kịp thời tìm ra hướng đi, giải pháp phù hợp để ứng biến với tình hình mới nhằm duy trì tính hấp dẫn của môi trường đầu tư, thu hút các nhà đầu tư mới và tạo lòng tin đối với các nhà đầu tư hiện tại.
Việt Nam có thể cân nhắc về vấn đề bảo hộ đầu tư như bỏ ưu đãi, áp dụng thuế thu nhập tối thiểu nội địa bổ sung (DMT) 15% đối với các công ty bị ảnh hưởng hoặc cho các công ty bị ảnh hưởng tự lựa chọn tiếp tục áp dụng ưu đãi đang có (sẽ nộp thuế bổ sung tại nước của công ty mẹ) hoặc không áp dụng ưu đãi và áp dụng DMT 15% tại Việt Nam.
Ngoài ra về vấn đề kỹ thuật, Chính phủ nên xem xét áp dụng DMT 15% trên toàn bộ thu nhập tính thuế của công ty bị ảnh hưởng hoặc áp dụng DMT 15% trên thu nhập điều chỉnh.
Áp dụng biện pháp giảm chi phí thuế thu nhập doanh nghiệp như tăng chi phí khấu hao, tăng chi phí nghiên cứu và phát triển (R&D) và các chi phí khác theo luật định.
Bên cạnh các ưu đãi về thuế, Việt Nam có thể thực thi các chương trình hỗ trợ trực tiếp cho doanh nghiệp thỏa mãn điều kiện nhất định (Cash grant).
“So với ưu đãi thuế thường mang tính hậu kiểm, việc thực thi giải ngân hỗ trợ có thể phức tạp hơn về hồ sơ xin hỗ trợ cần được thẩm định trước khi khoản hỗ trợ được chi trả.
Tuy nhiên các chương trình hỗ trợ thường đa dạng, linh hoạt và trọng điểm hơn, được thiết kế để phù hợp với chiến lược phát triển kinh tế của quốc gia, ngành hay địa phương tại từng thời điểm”, bà Hương Vũ khuyến nghị.