Thu hút và phát huy hiệu quả nguồn lực tài chính, phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn mới

Phát triển kinh tế nhanh, xanh và bền vững có ý nghĩa quan trọng trong quá trình cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế, qua đó, hiện thực hóa các mục tiêu phát triển thịnh vượng và bền vững của Việt Nam...

Một trong những yếu tố quyết định để thực hiện các mục tiêu này là nguồn lực tài chính.

Giai đoạn 2019-2024, 05 năm triển khai Nghị quyết 39 của Bộ Chính trị về nâng cao hiệu quả quản lý, khai thác, sử dụng và phát huy các nguồn lực của nền kinh tế là giai đoạn đặc biệt khó khăn của Việt Nam và thế giới, chịu ảnh hưởng nặng nề của đại dịch covid-19 và những thách thức về chuỗi cung ứng, thương mại và đầu tư do những những xung đột vũ trang cục bộ ở một số khu vực và sự cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn.

Những tác động tạo ra tiềm ẩn nguy cơ suy thoái kinh tế ở một số nước làm kinh tế thế giới trở nên phân mảnh hơn bao giờ hết.

Tuy nhiên, chính trong giai đoạn khó khăn đó, Nghị quyết 39 của Bộ Chính trị lại là kim chỉ nam, định hướng quan trọng cho Việt Nam thực hiện hoạt động phân bổ, khai thác và sử dụng các nguồn lực trong đó có nguồn lực tài chính, giúp nền kinh tế cũng như các ngành, các cộng đồng doanh nghiệp và người dân vượt qua giai đoạn khó khăn và tạo động lực nhanh chóng phục hồi và phát triển kinh tế đất nước.

Nguồn lực tài chính từ Ngân sách Nhà nước phát huy vai trò chủ đạo trong hệ thống tài chính và quyết định sự phát triển kinh tế xã hội, điều chỉnh kinh tế vĩ mô để nền kinh tế vượt qua giai đoạn khó khăn nhanh chóng hục hồi và thúc đẩy tăng trưởng.

Thời gian qua, công tác huy động các nguồn lực tài chính từ ngân sách nhà nước đã được tăng cường và có nhiều chuyển biến tích cực thông qua việc thực hiện cải cách mạnh mẽ khung pháp luật về tài chính công để khơi thông nguồn lực này, đồng thời phát huy tính chủ động và hiệu quả trong huy động nguồn lực từ trái phiếu chính phủ và ODA.

Hoạt động phân bổ và sử dụng nguồn lực tài chính công đã được nâng cao gắn với quá trình tái cơ cấu kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng, góp phần ổn định chính trị - xã hội.

Nguồn lực tài chính từ thị trường vốn, thị trường tiền tệ đóng góp quan trọng, đảm bảo chức năng cung ứng vốn cho nền kinh tế, hỗ trợ tăng trưởng cho khu vực doanh nghiệp, phục vụ hiệu quả tái cấu trúc nền kinh tế.

Tuy nhiên, thực tiễn hoạt động của thị trường tài chính Việt Nam thời gian qua đặt ra nhiều vấn đề về việc cần phải lành mạnh hóa, hiện đại, bảo đảm cơ cấu hợp lý giữa thị trường tiền tệ, thị trường vốn và thị trường bảo hiểm, bắt kịp với những xu hướng mới của thị trường tài chính quốc tế.

Theo đó, cơ cấu cung ứng vốn của nền kinh tế trong năm 2024 và các năm tiếp theo được kỳ vọng chuyển dịch theo hướng tích cực hơn khi giảm dần tỷ trọng của kênh tín dụng, tăng tỷ trọng qua kênh thị trường vốn và đầu tư tư nhân.

Nguồn lực tài chính từ FDI đã và đang trở thành một trong những nguồn lực tài chính quan trọng trong phát triển kinh tế Việt Nam. Tăng trưởng cao của vốn FDI liên tục trong những năm gần đầy đã tạo ra nhiều giá trị tích cực cho nền kinh tế, thúc đẩy mạnh mẽ chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng hiện đại.

Là kênh quan trọng để phát triển công nghệ cao, tăng năng lực sản xuất, thúc đẩy xuất khẩu, mở rộng quan hệ đối ngoại, góp phần quan trọng nâng cao năng lực đổi mới sáng tạo, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia trong bối cảnh Việt Nam tăng cường hội nhập sâu rộng kinh tế quốc tế. Bên cạnh nguồn vốn từ đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), dòng vốn từ đầu tư gián tiếp nước ngoài (FII) cũng là nguồn tài chính quan trọng thúc đẩy sự phát triển kinh tế đất nước.

Nhằm đáp ứng yêu cầu của bối cảnh mới đồng thời để đạt được các mục tiêu phát triển kinh tế xanh và bền vững của Việt Nam, cần tiếp tục nâng cao hiệu quả và chất lượng hoạt động thu hút và triển khai vốn đầu tư FDI, thúc đẩy phát triển bền vững kinh tế địa phương, kinh tế ngành và quốc gia.

Nguồn lực tài chính từ khu vực tư nhân. Khu vực kinh tế tư nhân ngày càng khẳng định vị thế là động lực chính cho kết quả tăng trưởng đáng khích lệ của Việt Nam.

Tuy nhiên, sức mạnh nội sinh của khu vực kinh tế này có xu hướng giảm trong vài năm trở lại đây, thể hiện qua tốc độ tăng trưởng đầu tư tư nhân và tốc độ doanh nghiệp thành lập mới thấp hơn nhiều năm trở lại đây trong khi doanh nghiệp rời khỏi thị trường tăng mạnh.

Đáng chú ý là đầu tư tư nhân đóng góp vào tăng trưởng GDP trong năm 2023 rất thấp, chỉ đạt 2,7%- đây là mức thấp chưa từng có trong 10 năm qua. So với giai đoạn trước, năm 2019 thấp hơn 6,3 lần, năm 2020 thấp hơn 1,1 lần, 2021 là 2,6 lần, 2022 là 3,3 lần.

Điều này đặt ra tính cấp thiết phải cải cách mạnh mẽ hơn nữa môi trường đầu tư kinh doan, củng cố niềm tin cho khu vực tư nhân để kích cầu đầu tư tư nhân trong giai đoạn tới.

Trên cơ sở thực trạng các nguồn lực tài chính cung ứng vốn cho nền kinh tế thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội trong trung hạn và dài hạn, đồng thời trước yêu cầu Việt Nam cùng một lúc phải thực hiện nhiều mục tiêu ưu tiên, theo đó, việc nghiên cứu, đánh giá các mô hình mới, cơ chế mới có tính đột phá hơn như các mô hình đối tác công tư PPP, mô hình đầu tư công – quản trị tư, đầu tư tư – quản trị công và các mô hình mới khác nhằm khai thác hiệu quả các nguồn lực, phù hợp với các xu hướng của thế giới là cần thiết và cấp thiết.

Bên cạnh đó cần thúc đẩy hoàn thiện nhanh chóng cơ chế chính sách nhằm tăng cường khả năng thu hút, tiếp cận, sử dụng và phát huy hiệu quả nguồn tài chính xanh, tài chính khí hậu, thị trường tín chỉ carbon.

Đây cũng là kênh cung ứng vốn quan trọng giúp Việt Nam thực thi các chiến lược tăng trưởng xanh, chuyển đổi sang nền kinh tế xanh, hướng tới net zero và phát triển bền vững kinh tế - xã hội.

Thực tiễn thời gian quan cho thấy tốc độ huy động vốn trên thị trường tài chính xanh còn rất hạn chế và đang gặp nhiều khó khăn vướng mắc. Thị trường tài chính xanh chủ yếu từ kênh trái phiếu và tín dụng xanh. Tuy nhiên dư nợ tín dụng xanh mới chiếm 4,5% tổng dư nợ nền kinh tế.

Về thị trường trái phiếu xanh, dù được tạo điều kiện, song sự phát triển của thị trường trái phiếu xanh thời gian qua ở Việt Nam còn rất khiêm tốn. Nếu không có những giải pháp, chính sách đồng bộ và thực hiện quyết liệt, sẽ khó phát huy được kênh cung ứng vốn này cho các mục tiêu tăng trưởng xanh và phát triển bền vững.

Việc sớm ban bộ tiêu chí xanh và danh mục phân loại xanh quốc gia là cấp thiết, đồng thời cần thiết xem xét sự tương đồng giữa các tiêu chí xanh của Việt Nam và các tiêu chuẩn quốc tế nhằm tăng cường cơ hội thu hút đầu tư vào phát triển xanh, bền vững.

Tạp chí Kinh tế Việt Nam - VnEconomy

Nguồn VnEconomy: https://vneconomy.vn/thu-hut-va-phat-huy-hieu-qua-nguon-luc-tai-chinh-phat-trien-kinh-te-xa-hoi-giai-doan-moi.htm