Thủ khoa Công nghệ thực phẩm: 'Hãy lì lợm đi đến cuối con đường'

Trương Hoài Nam là thủ khoa tốt nghiệp loại xuất sắc ngành Công nghệ thực phẩm với điểm trung bình tích lũy 3,85/4 điểm...

Hoài Nam (thứ 2 từ bên phải) tham gia tình nguyện chương trình “Cùng em đến trường” tại tỉnh Bình Phước. Ảnh: NVCC

Hoài Nam (thứ 2 từ bên phải) tham gia tình nguyện chương trình “Cùng em đến trường” tại tỉnh Bình Phước. Ảnh: NVCC

Tháng 11/2024, Trường Đại học Công Thương TPHCM đã tổ chức lễ tốt nghiệp đợt 2. Buổi lễ tôn vinh những nỗ lực và thành tựu của 23 sinh viên tốt nghiệp loại xuất sắc. Trong đó, Trương Hoài Nam là thủ khoa tốt nghiệp loại xuất sắc ngành Công nghệ thực phẩm với điểm trung bình tích lũy 3,85/4 điểm.

Đam mê nghiên cứu thực phẩm

Trúng tuyển Trường Đại học Công Thương TPHCM với số điểm 28,5 bằng phương thức xét học bạ THPT, Hoài Nam chọn cho mình ngành Công nghệ thực phẩm để theo học vì hiểu rõ nhu cầu hiện tại về thực phẩm an toàn và dinh dưỡng ngày càng tăng.

“Theo em biết thì đây là ngành xếp thứ 2 trong 3 nhóm ngành dẫn đầu nguồn nhân lực từ 2016 - 2025. Nên khả năng tìm việc sẽ rất cao, cơ hội nghề nghiệp cũng phong phú. Đồng thời, ngành học này thiên về nghiên cứu, ứng dụng và có tính sáng tạo cao nên phù hợp với bản thân mình”, Nam cho hay.

Trong suốt thời gian là sinh viên, chàng kỹ sư trẻ ấn tượng với một giảng viên đáng quý, cô là người đồng hành cùng Nam từ những lúc chập chững mới bước vào môi trường đại học, cho đến khi làm khóa luận tốt nghiệp với 14 tín chỉ.

“Kỷ niệm đầu tiên vào năm nhất đại học, tuy cùng một công thức, cùng một loại bánh nhưng nhóm em làm 5 tuần lại ra 5 loại bánh khác nhau, mãi đến tuần cuối cùng khi có sự nhúng tay của cô thì mới thành hình thành dạng, chắc hẳn cô rất đau đầu vì nhóm học trò này.

Khoảng thời gian khó khăn nhất là khóa luận tốt nghiệp - những lần cô trò đổi ‘7749’ công thức trong 2 tháng để tìm ra công thức nền, đó là những lần nghiên cứu và sửa bài của hai cô trò đến tận đêm muộn”, Hoài Nam nhớ lại và cảm thấy may mắn vì đã được đồng hành cùng cô ở môn học đầu tiên và môn học cuối cùng.

 Chân dung chàng kỹ sư trẻ ngành Công nghệ thực thẩm. Ảnh: NVCC

Chân dung chàng kỹ sư trẻ ngành Công nghệ thực thẩm. Ảnh: NVCC

“Cần cù bù thông minh”

Quan niệm sống và học tập của chàng thủ khoa là “Cần cù bù thông minh”. Trên lớp, Nam luôn tập trung 100% để nghe và cố gắng hiểu những bài giảng. Sau mỗi buổi học, em dành 2 tiếng để ghi chú lại những gì đã học và chưa hiểu ở trên thư viện. Nam cũng tận dụng nguồn tài liệu trong thư viện để tự học và thường xuyên hỏi lại giảng viên. Đặc biệt, kỹ sư trẻ thường xin tài liệu của các bạn học giảng viên khác để làm tài liệu tự học.

Xuất thân từ một gia đình làm nông nghiệp, Hoài Nam sớm thấu hiểu giá trị của sự nỗ lực và lòng kiên trì. Ngay từ những năm THPT, em đã nằm trong đội tuyển học sinh giỏi Hóa của trường, tiếp nối niềm đam mê này ở bậc đại học bằng việc làm gia sư môn Hóa học cho học sinh lớp 8 tới lớp 11, dạy thêm tiếng Anh cho học sinh tiểu học. Những buổi dạy kèm cũng giúp Nam trang trải thêm chi phí học tập, san sẻ gánh nặng kinh tế cho gia đình.

Với 8 kỳ học, Hoài Nam đều đạt loại giỏi hoặc xuất sắc. Tuy nhiên, do có những kỳ Nam học vượt nhiều tín chỉ nên hai học kỳ cuối em không đủ số lượng tín chỉ tối thiểu theo quy định để xét học bổng, vì vậy chỉ được nhận 6 kỳ.

“Săn học bổng cũng có thể dành dụm tiền để đóng học phí học kỳ tiếp theo, nên em chọn làm thêm gia sư chứ không chọn các công việc làm thêm theo ca khác, do đó, em có nhiều thời gian hơn để học và việc săn học bổng cũng giúp điểm GPA của em lên cao hơn so với những công việc làm thêm làm ảnh hưởng đến việc học”, Hoài Nam cho hay.

Chia sẻ về bí quyết cân bằng thời gian giữa học và dạy thêm, Nam cho biết, em không tham gia bất kỳ câu lạc bộ nào. Nam nhận lớp dạy vào các khung giờ tối - sau khoảng thời gian học trên trường và tự học ở thư viện. Những ngày cuối tuần, em nhận dạy buổi sáng và chiều, tối em dành thời gian cho bạn bè để thư giãn, nghỉ ngơi.

“Chung quy lại, mình đều tự xây dựng một thời gian biểu ngắn vào mỗi học kỳ và sẽ xếp lịch dạy thêm vào những khoảng thời gian trống để không bị đụng lịch”, Nam nói.

Không chỉ là một sinh viên giỏi, Hoài Nam còn nổi bật với vai trò lãnh đạo lớp trong suốt những năm đại học. Nam đã tích cực tham gia các hoạt động ngoại khóa và giành giải Nhì cùng danh hiệu Thí sinh được yêu thích nhất trong cuộc thi viết “Đại sứ văn hóa đọc HUFI và xếp sách nghệ thuật” năm 2022. Thành tích này đã khẳng định khả năng toàn diện của chàng trai không chỉ trong học tập mà còn trong hoạt động phong trào.

Khi biết mình là thủ khoa của ngành Công nghệ thực phẩm, đặc biệt còn có số GPA cao nhất trong tất cả các thủ khoa, Hoài Nam không chỉ mang lại niềm vui và sự tự hào cho gia đình, mà còn khẳng định giá trị bản thân trong môi trường học tập và xã hội. “Em cảm thấy rất nể phục bản thân vì những gì đã cố gắng vượt qua và hài lòng vì đã đạt được mục tiêu mình đặt ra từ khi mới bước chân vào trường đại học”, Nam xúc động chia sẻ.

Trước khi tốt nghiệp, Nam đã là một giám định viên tại công ty về lĩnh vực giám định với hơn 67 năm kinh nghiệm. Chàng thủ khoa cho hay, trong vòng một năm tới khi vững về tài chính, Hoài Nam sẽ vừa làm vừa học thêm thạc sĩ để viết tiếp đam mê công nghệ thực phẩm của mình.

Các bạn hãy tin vào chính bản thân mình, thử một lần dũng cảm để bắt đầu một việc gì đó mà bạn mong muốn và hãy lì lợm đi đến cuối con đường để hoàn thành nó. Mình đã dám ước mơ và đã thành công khi đạt được mục tiêu đề ra cho 4 năm đại học và mình tin các bạn cũng có thể làm được. - Trương Hoài Nam chia sẻ.

Yên San

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/thu-khoa-cong-nghe-thuc-pham-hay-li-lom-di-den-cuoi-con-duong-post715618.html