Thủ khoa khối C Đà Nẵng mê Lịch sử, giỏi Địa lí, vững vàng môn Ngữ văn
Đạt tổng điểm 29,5 em Lê Khánh Nguyên - học sinh lớp 12/6 Trường THPT chuyên Lê Thánh Tông, xuất sắc trở thành thủ khoa khối C Đà Nẵng năm 2025.

Em Lê Khánh Nguyên - học sinh lớp 12/6 Trường THPT chuyên Lê Thánh Tông.
Khởi động hành trình chinh phục ước mơ
Với tổng điểm 29,5 trong kỳ thi tốt nghiệp THPT 2025, Lê Khánh Nguyên – học sinh lớp 12/6 chuyên Văn, Trường THPT chuyên Lê Thánh Tông (Hội An Tây, Đà Nẵng) xuất sắc trở thành thủ khoa khối C của TP Đà Nẵng.
Khánh Nguyên đạt 9,5 điểm môn Ngữ văn, 10 điểm Lịch sử và 10 điểm Địa lí, một kết quả khiến cả thầy cô và bạn bè đều ngưỡng mộ. Khi biết thông tin, Khánh Nguyên bất ngờ vì điểm số cao hơn dự tính. "Khi thấy 3 điểm gần như tuyệt đối, em không tin vào mắt mình”, nữ sinh cho hay.

Lê Khánh Nguyên là Thủ khoa khối C của Đà Nẵng năm 2025.
Đằng sau thành tích ấn tượng ấy là quá trình dài tự học, rèn luyện nghiêm túc và không ngừng cố gắng. Là học sinh lớp chuyên Văn, với Nguyên, đây là môn học mang lại cho em sự tự tin lớn nhất trong kỳ thi. Nhưng để giữ vững phong độ và phát huy thế mạnh, em không hề chủ quan.
Theo Nguyên, học Văn không chỉ là học thuộc các tác phẩm, mà quan trọng phải hiểu, phân tích được từng giá trị nội dung nghệ thuật, nắm rõ đặc điểm thể loại và biết cách triển khai bài viết sao cho logic, hấp dẫn.
“Em thường xuyên luyện đề để rèn kỹ năng trình bày, phân tích đề và giữ được mạch viết. Ngoài ra, em đọc báo, theo dõi các bản tin thời sự để có thêm chất liệu thực tiễn đưa vào bài làm, giúp phần nghị luận xã hội sâu sắc và gần gũi hơn. Việc cập nhật tin tức cũng giúp em có thêm nhiều góc nhìn đa chiều, phát triển tư duy phản biện”, Khánh Nguyên chia sẻ.
Không dừng lại ở đó, em cũng chú trọng rèn kỹ năng viết nhanh - một trong những yếu tố quan trọng để làm hoàn thành bài trong thời gian thi giới hạn. Với mỗi dạng bài, Nguyên đều có phương pháp làm cụ thể, học cách viết từng phần mở bài, thân bài, kết bài và luyện đi luyện lại đến khi thuần thục.
Ngay từ kỳ nghỉ hè năm 2024, khi bạn bè còn thư giãn, Khánh Nguyên bắt đầu lịch trình ôn thi nghiêm túc. Em lập thời khóa biểu chi tiết từng ngày, phân bổ thời gian hợp lý để ôn tập cả 3 môn khối C. Giai đoạn hè là thời điểm Nguyên tập trung xây nền tảng cho hai môn Lịch sử và Địa lý, những môn vốn đòi hỏi khối lượng kiến thức rộng và khả năng tổng hợp, suy luận cao.
Với môn Văn, Nguyên chọn cách học chuyên sâu từ kỹ năng đến nội dung, đặc biệt là tham gia các buổi học trên lớp để được giáo viên dạy phương pháp làm bài, xử lý đề nâng cao. “Mỗi dạng bài, em đều phân tích kỹ, luyện viết nhiều lần, nhờ đó rút ra được cấu trúc và phong cách trình bày phù hợp”, Nguyên chia sẻ thêm.
Lịch học của Nguyên được sắp xếp hợp lý, sáng học trên trường, trưa nghỉ ngơi. Buổi chiều em tập trung ôn Địa lý, môn học đòi hỏi liên hệ thực tiễn và kỹ năng xử lý số liệu, phân tích biểu đồ. Buổi tối dành để học Lịch sử, môn học mà em đam mê nhất. Đặc biệt, mỗi ngày, em dậy từ 3 giờ để học Văn, thời điểm em cho là hiệu quả nhất để tư duy và viết. Đúng 21h30 mỗi tối, Nguyên đi ngủ để đảm bảo sức khỏe và duy trì sự tỉnh táo.
“Lịch sử như một dòng chảy sống động, giúp em hiểu sâu sắc về quá khứ và hình thành lòng tự hào dân tộc. Mỗi sự kiện không chỉ là ngày tháng mà còn ẩn chứa nhiều bài học về con người, tinh thần và giá trị lịch sử”, Khánh Nguyên nói.

Góc học tập của Lê Khánh Nguyên.
Để đạt điểm 10 tuyệt đối, Nguyên xây dựng phương pháp học rõ ràng, nắm chắc các mốc thời gian, nhưng quan trọng hơn là phải hiểu bản chất sự kiện, biết kết nối và phân tích vấn đề. Việc luyện đề nhiều giúp em rèn kỹ năng trình bày mạch lạc, tránh bỏ sót ý và kiểm soát tốt thời gian làm bài.
Địa lý là môn học mà Khánh Nguyên cho rằng “khó nhằn nhất trong ba môn khối C”, bởi kiến thức trải rộng, tính tổng hợp cao, lại đòi hỏi liên hệ thực tế. Tuy nhiên, Nguyên không nản chí. Em chọn cách học theo chủ đề, chia nhỏ kiến thức, luyện biểu đồ, phân tích bảng số liệu và giải đề thường xuyên để rèn kỹ năng tính toán, vẽ vạch, làm bài chính xác. Đồng thời, em không quên cập nhật các thông tin thời sự, xu hướng phát triển kinh tế xã hội để liên hệ vào bài thi.
Ước mơ giản dị
Với điểm số ấn tượng, Khánh Nguyên dự định nộp hồ sơ xét tuyển vào ngành Sư phạm Ngữ văn Trường Đại học Sư phạm (Đại học Đà Nẵng). Ước mơ trở thành cô giáo dạy Văn đã nhen nhóm trong em từ lâu, được nuôi dưỡng bằng niềm yêu thích với văn chương và mong muốn lan tỏa cảm hứng học tập đến thế hệ học sinh mai sau.
“Em mong trở thành một giáo viên nhiệt huyết, không chỉ truyền đạt kiến thức mà còn khơi dậy niềm yêu thích học Văn trong học sinh. Bởi văn học không chỉ là môn thi mà còn là hành trang bồi dưỡng tâm hồn”, Nguyên tâm sự.

Lê Khánh Nguyên (thứ 2, phải qua) cùng ba mẹ và cô giáo chủ nhiệm Lê Thị Ngọc Trâm (bìa phải).
Thành tích của Lê Khánh Nguyên không chỉ là kết quả của trí tuệ, mà còn là minh chứng sống động cho tinh thần kỷ luật, lòng đam mê và sự chuẩn bị kỹ lưỡng. Hành trình phía trước còn dài, nhưng với nền tảng vững chắc và ước mơ rõ ràng, Nguyên hoàn toàn có thể tự tin bước tiếp trên con đường mà mình đã chọn.
Cô Lê Thị Ngọc Trâm – giáo viên chủ nhiệm lớp 12/6 chuyên Văn, Trường THPT chuyên Lê Thánh Tông không giấu được niềm tự hào khi nhắc đến học trò của mình.
“Khánh Nguyên chăm ngoan, có năng khiếu văn chương và đặc biệt luôn cầu tiến trong học tập. Suốt 3 năm làm chủ nhiệm, tôi cảm nhận rõ em nhạy cảm với cái đẹp trong văn học, đến với môn Ngữ văn bằng tất cả tình yêu và đam mê, chứ không đơn thuần là vì điểm số. Khi biết kết quả thi, tôi bất ngờ và xúc động, đó là những điểm số hoàn hảo, xứng đáng với nỗ lực bền bỉ của em suốt thời gian qua”, cô Trâm chia sẻ.

Lê Khánh Nguyên và cô giáo chủ nhiệm Lê Thị Ngọc Trâm.
Đây cũng là khóa học sinh đầu tiên cô Trâm làm chủ nhiệm, và điều may mắn là cả lớp đều đạt thành tích rất cao. Ngoài Khánh Nguyên, còn có 4 học sinh khác đạt 9,75 điểm môn Ngữ văn.
Nói về hành trình giảng dạy, cô Trâm cho biết, Chương trình GDPT 2018 mang đến nhiều cảm hứng mới mẻ cho cả cô và trò. Ngữ liệu trong chương trình đa dạng, giàu tính thực tiễn, đòi hỏi người dạy không chỉ giỏi chuyên môn mà phải có hiểu biết sâu rộng, khả năng sáng tạo và truyền cảm hứng.
“Tôi luôn cố gắng chuẩn bị bài giảng thật kỹ, đọc thêm nhiều sách để làm phong phú kiến thức và đặc biệt là khuyến khích học sinh hình thành thói quen đọc sách. Từ đó, các em không chỉ học để thi, mà còn biết cảm thụ, vận dụng văn học vào cuộc sống. Chương trình mới thực sự là thước đo năng lực của cả người dạy lẫn người học”, cô Trâm bày tỏ.