Thủ lĩnh 113

Là thế hệ đầu tiên của lực lượng Cảnh sát 113, Công an tỉnh; Trung tá Phạm Sỹ Tiến có 14 năm giữ cương vị lãnh đạo chỉ huy. Anh đã cùng với chiến sỹ Cảnh sát 113 góp phần không nhỏ trong việc đảm bảo ANTT trên địa bàn, gìn giữ bình yên cho nhân dân.

Nghiệp "làm dâu trăm họ"

Đội trưởng Phạm Sỹ Tiến (ở giữa) chủ trì
buổi giao ban hàng ngày .

Cảnh sát 113 là lực lượng đặc biệt trong lực lượng công an. Họ có mặt trên mọi chiến tuyến, tham gia giải quyết hầu hết các vụ việc liên quan đến ANTT nên yêu cầu đặt ra đối với Cảnh sát 113 không chỉ là xử lý công việc nhanh, kịp thời mà còn phải chính xác, an toàn. Do đó, áp lực của người lính 113 vô cùng nặng nề và áp lực của người Đội trưởng còn lớn hơn gấp bội.

Anh Tiến bảo, tiếp nhận hàng trăm sự vụ liên quan đến mọi lĩnh vực của đời sống đòi hỏi lính 113 phải thực sự đa năng. Bởi bất cứ lúc nào, các anh cũng sẵn sàng nhận lệnh, từ việc tham gia truy bắt tội phạm về ma túy, vận động, thuyết phục đối tượng trộm cắp tài sản, giết người ra đầu thú…, đến những việc đời thường nhất như đưa nạn nhân bị tai nạn đi cấp cứu, hay là hòa giải viên bất đắc dĩ bởi những vụ cãi cọ của những cặp vợ chồng trẻ lúc nửa đêm… Đặc thù công việc là vậy nên với vai trò là Đội trưởng, anh Tiến luôn động viên cán bộ, chiến sỹ không ngừng rèn luyện, nâng cao kỹ năng nghiệp vụ, đặc biệt là kỹ năng làm công tác dân vận. Có dân vận khéo thì người dân mới tin tưởng cung cấp nguồn tin giá trị cho công an, đổi lại, lực lượng công an cũng kịp thời giải quyết nhiều vụ việc, không phụ sự tin tưởng của nhân dân.

Cầm báo cáo kết quả công việc của Đội Cảnh sát trật tự -113, tôi ngay lập tức bị ấn tượng về cái nghiệp “làm dâu trăm họ”: 6 tháng đầu năm 2019 tiếp nhận 362 tin báo, trong đó có 59 tin tố giác tội phạm như: đe dọa giết người; đánh bạc; ngược đãi người thân; tàng trữ, mua bán, sử dụng trái phép chất ma túy; chứa mại dâm; bắt giữ người trái pháp luật; cướp tài sản, cố ý gây thương tích; gây rối trật tự công cộng… Lực lượng Cảnh sát 113 đã trực tiếp giải quyết 95 tin, đưa 12 người bị thương đi cấp cứu, tạm giữ 24 đối tượng bàn giao đơn vị chức năng giải quyết.

Anh Tiến chia sẻ, giải quyết ngần ấy tin báo đòi hỏi cán bộ, chiến sỹ 113 phải làm tốt công tác dân vận. Đơn cử như vụ tai nạn giao thông xảy ở cầu Tân Hà (TP Tuyên Quang) vào sáng ngày 16-7-2019 khiến 2 người chết, 1 người bị thương. Xét thấy đây là vụ việc có tính chất nghiêm trọng, anh cùng với cán bộ chiến sỹ lập tức đến bảo vệ hiện trường, trực tiếp đưa người bị thương đi cấp cứu. Mặc dù được các bác sỹ tận tình cứu chữa nhưng nạn nhân vẫn không qua khỏi. Nhìn ánh mắt thất thần của người nhà nạn nhân, anh chỉ biết nói lời xin lỗi, bởi các anh đã cố gắng hết sức có thể là đưa nạn nhân đến bệnh viện nhanh nhất nhưng “phép màu” vẫn không xảy ra. Sau vụ việc này, anh thấm thía, một lời xin lỗi đúng lúc còn có giá trị hơn rất nhiều lời nói. Đó cũng là một cách làm dân vận hiệu quả mà anh tích lũy được để vận dụng vào những việc cụ thể, giúp vụ việc được giải quyết có lý, có tình.

Đội trưởng Phạm Sỹ Tiến cùng chiến sỹ Cảnh sát 113 tuần tra đảm bảo ANTT
trên địa bàn TP Tuyên Quang.

Nơi thời gian không tính bằng giờ

Đối với lính 113, thời gian không tính bằng giờ. Cán bộ, chiến sỹ phải trực 24/24h, do vậy, nhiều chiến sỹ khi ngủ vẫn mặc nguyên cảnh phục để khi có lệnh là xuất phát ngay. Ngày hay đêm, mưa hay nắng, ngoài giờ làm việc hay lúc nghỉ ngơi với gia đình…, tất cả đều trở thành “chuyện nhỏ” khi có lệnh lên đường. Cách gọi Cảnh sát 113 là “lực lượng phản ứng nhanh” chính vì những yêu cầu như thế.

Và câu chuyện của chúng tôi với Đội trưởng Phạm Sỹ Tiến cũng liên tiếp bị ngắt quãng vì những cuộc điện thoại giải quyết công việc. Nhưng cuộc điện thoại lần này, anh bảo xin lỗi phải đi ngay. Không kịp nghe anh nói lý do, nhưng nhìn vẻ mặt, sự vội vã của anh, tôi hiểu đó là việc quan trọng. Không quan trọng sao được khi trong nhật ký làm việc của các anh, đều là những vụ việc vì sự an toàn, bình yên của nhân dân mà nếu chậm một phút, hậu quả là không thể đong đếm. Ví như cuộc các anh truy bắt người con bất hiếu giết chết cha, làm mẹ và anh trai bị thương nặng rồi bỏ trốn xảy ra ở xóm 7, xã Tràng Đà, thành phố Tuyên Quang vào ngày 23-5-2017 chỉ trong 30 phút. Hay việc đưa nạn nhân bị tai nạn giao thông đi cấp cứu, mà nói như lời của một người nhà nạn nhân: Bác sỹ bảo, nếu đưa đến chậm khoảng 10 phút, có lẽ nạn nhân đã không qua khỏi.

Đó còn là vụ việc phối hợp cùng các lực lượng khác vận động đối tượng giết người tại quán nhậu thuộc tổ 7, phường Tân Quang, TP Tuyên Quang xảy ra vào tối ngày 26-2-2019 ra đầu thú. Hơn 20 năm trong nghề, anh Tiến hiểu đây là vụ việc có tính chất nghiêm trọng, đối tượng sau khi gây hậu quả thường sợ hãi, bỏ trốn. Vì vậy, anh chỉ đạo cán bộ phải nắm bắt tâm lý tội phạm, một mặt kiên trì vận động, thuyết phục, mặt khác dùng các biện pháp nghiệp vụ để đối tượng nhận ra lỗi lầm. Cuối cùng, sau 3h đồng hồ, đối tượng gây án đã ra đầu thú.

Chỉ ngần ấy thôi cũng đủ hiểu sự hy sinh thầm lặng của những người lính 113 và Đội trưởng Phạm Sỹ Tiến. Thành quả anh và đồng đội đạt được không chỉ là những tấm bằng khen, giấy khen mà là niềm tin nhân dân gửi gắm. Niềm tin ấy, ngày càng được nhân lên khi hàng ngày, thậm chí từng phút, từng giờ các anh vẫn luôn luôn nhận được những tin báo tố giác tội phạm, tin báo cần sự giúp đỡ của nhân dân. Anh Tiến tâm sự, "với lực lượng 113, dân vận khéo không chỉ thể hiện bằng lời nói mà cần những hành động có kết quả cụ thể". Và con số giải quyết hàng trăm tin báo từ nhân dân đã khẳng định thành công từ công tác dân vận khéo của cán bộ, chiến sỹ Đội Cảnh sát trật tự - 113, trong đó có vai trò của Đội trưởng Phạm Sỹ Tiến.

Phóng sự: Đức DũngCông an tỉnh Tuyên Quang

Nguồn Tuyên Quang: http://www.baotuyenquang.com.vn/phong-su/thu-linh-113!-121307.html